Cảnh báo tình trạng mất mùa vì mua giống không rõ nguồn gốc

BHG - “Ngô trổ nhiều bắp, bắp to như cái phích, hạt tròn mẩy; giống lúa mới không sâu bệnh, năng suất cao gấp 5 lần; cây sai trĩu quả, không mất công chăm mà giá hạt giẻ...” là những lời quảng cáo “đường mật” trên mạng xã hội khiến nhiều nông dân nhẹ dạ tin theo, đặt mua rồi phải ngậm ngùi chịu cảnh mất mùa, thiệt hại vì... giống không rõ nguồn gốc.

Vụ Xuân 2024, vì nghe lời quảng cáo trên Facebook là giống lúa VST - 899 có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt nên bà Hoàng Thị Tho, thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang (Bắc Quang) đã mua 5 kg về gieo cấy được 928m2; ông Nguyễn Văn Thượng, thôn Nái, xã Quang Minh (Bắc Quang) đặt mua 2 kg, gieo cấy được 700m2. Tuy nhiên sau thời gian chăm sóc, giống lúa VST - 899 sinh trưởng, phát triển chậm, không đồng đều, nhiều bông lép, tỷ lệ đẻ nhánh thấp, dảnh hữu hiệu ít, thời gian đẻ nhánh dài, không đẻ nhánh tập trung, thời gian sinh trưởng không đồng đều, trên cùng một khóm lúa có dảnh đã cho thu hoạch, có dảnh đang trỗ, có dảnh đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng.

Người dân thôn Làng Vàng 1, thị trấn Vị Xuyên mất mùa ngô vì mua giống không theo cơ cấu giống của huyện.

Người dân thôn Làng Vàng 1, thị trấn Vị Xuyên mất mùa ngô vì mua giống không theo cơ cấu giống của huyện.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Bắc Quang cho thấy, trên bao bì giống lúa, tem nhãn có dấu hiệu làm giả, in bằng giấy, mực mờ được dán bằng keo, bao bì đóng gói sơ sài, không được dập mép và hàn gắn theo quy định. Từ khi gieo mạ, người dân đã thấy tỷ lệ nảy mầm thấp nhưng gia đình không báo cáo chính quyền địa phương, quá trình cấy, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh vẫn đảm bảo theo quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm như các năm trước, nhưng ruộng của ông Nguyền Văn Thượng chỉ thu hoạch được khoảng 50%, còn ruộng bà Hoàng Thị Tho bị mất trắng. Giống lúa VST - 899 không nằm trong cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, huyện năm 2024. Đây là giống lúa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng xã hội.

Tại thị trấn Vị Xuyên, một số hộ dân cũng mua giống ngô tại cơ sở bán vật tư nhưng là giống ngô không nằm trong cơ cấu giống vụ Xuân 2024 của huyện, mà người dân tự mua trồng vì “nghe nói” năng suất cao. Kết quả ngô ra nhiều bắp nhưng không có hạt, hoặc hạt thưa, các gia đình chỉ thu hoạch được khoảng 50%, có hộ mất mùa đến 80%. Do gia đình không lưu lại bao bì và các giấy tờ liên quan nên không xác định được nguồn gốc, xuất xứ của giống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua không chỉ trên địa bàn tỉnh mà nhiều tỉnh trong cả nước, người dân cũng mua giống cây trồng nông nghiệp không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội và chịu cảnh mất mùa. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định giống lúa VST - 899 là giống giả, chưa được cấp quyết định công bố lưu hành, chưa được bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện cấp quyết định lưu hành; quyết định công nhận giống lúa VST - 899.

Báo cáo của Sở NN&PTNT nêu rõ, vụ Xuân 2024 trên địa bàn tỉnh có một số hộ dân mua giống cây trồng nông nghiệp (lúa, ngô) trên các trang mạng xã hội về gieo trồng và gây ra hiện tượng mất mùa. Nguyên nhân được xác định do giống gây ra; giống không có hồ sơ, không truy xuất được nguồn gốc, không xác định được tên giống, giống chưa được phép lưu hành, không tìm được địa điểm của đơn vị, cơ sở kinh doanh, buôn bán giống cho các hộ.

Sự việc trên là bài học kinh nghiệm đắt giá để không bị mất tiền, mất mùa, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết trong sử dụng giống cây trồng phù hợp, hiệu quả; tuyệt đối không mua giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp tại các địa điểm không đủ điều kiện sản xuất, buôn bán theo quy định của pháp luật như bán rong, bán ở chợ cóc, chợ phiên và nhất là trên các trang mạng xã hội; không mua giống hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; không có thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua, bán, hồ sơ chất lượng, bao bì nhãn mác, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; ưu tiên sử dụng cơ cấu giống cây trồng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; tất cả giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng yêu cầu phải có quản lý, truy xuất nguồn gốc theo quy định; khi mua giống, vật tư nông nghiệp, người dân cần lưu lại địa chỉ, số điện thoại, các giấy tờ liên quan, bao bì, và yêu cầu người bán hàng phải có giấy tờ truy xuất nguồn gốc và các giấy tờ hợp pháp khác. Các cấp, ngành cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, buôn bán giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202406/canh-bao-tinh-trang-mat-mua-vi-mua-giong-khong-ro-nguon-goc-5b83f6d/