Cảnh báo từ những vụ bắt cóc trẻ em trên thế giới

Những kẻ bắt cóc thường lợi dụng lúc phụ huynh lơ là, mất cảnh giác để tiếp cận trẻ và thực hiện hành vi phạm tội.

Liu Liqin đã trải qua ngày tồi tệ nhất cuộc đời. Anh vừa nghỉ tay ăn trưa giữa đống gạch vữa, xi măng của công trường thì điện thoại reo. Vợ Liu báo tin con trai 2 tuổi của họ vừa mất tích. Người cha bỏ dở bữa cơm, chạy đi tìm nhưng không có kết quả. Liu và vợ báo cảnh sát, tỏa ra các khu vực lân cận để tìm kiếm.

Tối muộn, ông bố phát hiện camera của tòa nhà gần nơi gia đình sống ghi lại hình ảnh của tên bắt cóc. Hắn che mặt và bế con trai Liu đi khi đứa trẻ đang chơi gần nhà.

“Không có từ ngữ nào diễn tả được tâm trạng và cảm xúc của tôi khi đó”, The Atlantic dẫn lời ông bố trong một phóng sự.

Câu chuyện của Liu giống như vụ việc cháu bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi) vừa bị bắt cóc ở Bắc Ninh gần đây. Tội phạm bắt cóc thường lợi dụng lúc phụ huynh lơ là, thiếu cảnh giác để ra tay.

Mọi trẻ em đều có thể trở thành nạn nhân

Hồi tháng một, con gái của Ihsan (Malaysia) suýt bị bắt cóc tại trường sau khi kẻ lạ mặt tiếp cận và gọi đúng tên đứa trẻ. Cô giáo kể một người lạ mặt đã tiếp cận, tìm cách dẫn cô bé đi. May mắn, giáo viên kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành động này.

Theo Asia One, gia đình Ihsan vô cùng lo lắng vì kẻ tình nghi biết rõ thông tin trường học, tên tuổi của con mình. Người cha hối hận vì đã đăng ảnh, thông tin của con gái lên mạng xã hội.

 Lời cảnh báo của anh Ihsan sau sự việc con gái suýt bị bắt cóc. Ảnh chụp màn hình.

Lời cảnh báo của anh Ihsan sau sự việc con gái suýt bị bắt cóc. Ảnh chụp màn hình.

Hồi tháng ba, Shen Cong (15 tuổi, ở Trung Quốc) đoàn tụ với cha mẹ sau 15 năm bị bắt cóc và lưu lạc bên ngoài. Cậu bé là một trong số 9 đứa trẻ trong vụ án bắt cóc trẻ em liên quan phụ nữ có biệt danh “dì Mei” ở Quảng Đông.

Một trường hợp khác là Chen Qianjin, 18 tuổi, đoàn tụ với mẹ của mình sau khi bị bán cho gia đình khác vào tháng 10/2003.

Theo SCMP, Shen Cong và Chen Qianjin là 2 nạn nhân được đoàn tụ với gia đình sau biến cố bị bắt cóc và bán cho những kẻ buôn người từ năm 2003 đến 2006. 7 nạn nhân còn lại của vụ án chưa có tung tích.

CGTN dẫn thống kê ước tính mỗi năm Trung Quốc có 70.000 trẻ em bị mất tích. Rất ít nạn nhân trong số đó có thể đoàn tụ với gia đình. Một tổ chức phi lợi nhuận tại Trung Quốc chuyên thu thập và cung cấp thông tin về trẻ em mất tích thành lập năm 2007. Từ đó đến nay, tổ chức này ghi nhận hơn 48.000 gia đình đăng ký tìm con bị bắt cóc, thất lạc.

Những kẻ phạm tội bắt cóc đều bị xử phạt nặng. Patterson, trong vụ bắt cóc Jayme (13 tuổi, ở Mỹ), bị kết án tù chung thân vào tháng 5/2019.

Cùng thời điểm, theo Xinhua, hai nữ tội phạm cầm đầu đường dây buôn người và bán trẻ sơ sinh ở Sơn Tây, Trung Quốc, bị tử hình. 10 thành viên khác của nhóm chịu án phạt tù chung thân.

 Lợi dụng phút lơ là của phụ huynh, kẻ lạ mặt tiếp cận và bắt cóc trẻ. Ảnh: Shutter Stock.

Lợi dụng phút lơ là của phụ huynh, kẻ lạ mặt tiếp cận và bắt cóc trẻ. Ảnh: Shutter Stock.

Nhưng tại nhiều nơi khác, nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em vẫn diễn ra, không được kiểm soát. Tờ The Hindu thống kê mỗi ngày tại Ấn Độ có 174 trẻ em bị mất tích. Điều này đồng nghĩa sau mỗi 8 phút có một trẻ trở thành nạn nhân của kẻ buôn người hoặc gặp tai nạn.

Nhưng số liệu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi nhiều vụ trẻ mất tích, bị bắt cóc ở nông thôn, vùng sâu, xa không được ghi nhận trong báo cáo.

Trẻ em mất tích phổ biến ở Ấn Độ nhiều đến mức thông báo tìm kiếm con của các gia đình trải dài trên báo hàng ngày như thông tin tuyển dụng. Mỗi thông báo đều kết thúc cùng một câu: “Cảnh sát địa phương đã nỗ lực tìm kiếm cô bé/cậu bé này, nhưng đến nay vẫn chưa có manh mối”.

Rishi Kant từ Shakti Vahini, một tổ chức từ thiện chống buôn người tại Delhi, Ấn Độ, cho biết 70% trẻ em mất tích bị đem đi buôn bán hoặc trở thành nô lệ.

Chúng bị bắt cóc hoặc bị lừa với lời hứa về công việc tốt, nhiều tiền. Số khác là những cô gái đang yêu bị bạn trai dụ dỗ, lừa bán vào các ổ mại dâm. Nạn nhân đa phần đều dưới 18 tuổi và có hoàn cảnh nghèo khó.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

Tổ chức Kid Health thống kê mỗi ngày, ở Mỹ, khoảng 2.100 báo cáo về trẻ em mất tích được ghi nhận. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát có thể tìm kiếm nhanh hơn nếu cha mẹ ghi nhớ thông tin của con như chiều cao, cân nặng, màu mắt, đặc điểm nhận dạng đặc biệt khác và hình ảnh của trẻ.

 Cha mẹ nên dạy con kỹ năng sinh tồn để bảo vệ bản thân. Ảnh: Pinterest.

Cha mẹ nên dạy con kỹ năng sinh tồn để bảo vệ bản thân. Ảnh: Pinterest.

Kid Health khuyến cáo phụ huynh nên bảo vệ con khỏi nạn bắt cóc bằng những cách dưới đây:

- Chụp ảnh rõ mặt của con 6 tháng/lần và lưu dấu vân tay của trẻ.

- Cẩn trọng khi đưa hình ảnh, thông tin trường học, nơi ở của con trên mạng xã hội. Đây có thể là nơi những kẻ bắt cóc rình rập, nắm thông tin để làm thân với trẻ và tiếp cận, thực hiện hành vi tội ác. Cha mẹ cần nói rõ điều này với trẻ khi con sử dụng mạng xã hội.

- Ở những nơi đông người như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, công viên, cha mẹ cần cảnh giác, quan sát con, không để trẻ tự đi vệ sinh một mình.

- Không để trẻ một mình trong ôtô, xe đẩy.

- Tránh cho trẻ mặc quần áo có in tên chúng, bởi các con có xu hướng tin tưởng người lạ mặt biết tên mình.

Những kỹ năng cần dạy con để trẻ tự bảo vệ bản thân:

- Tuyệt đối không được nhận kẹo, đồ ăn hoặc nói chuyện cùng người lạ.

- Không đi theo lời mời, dụ dỗ của người lạ.

- Bỏ chạy và hét lớn để gây sự chú ý nếu phát hiện ai đó theo sau hoặc cố ép trẻ đi theo.

- Không chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ lớp, trường, nhà với người lạ.

- Dạy trẻ xin phép cha mẹ khi ra khỏi nhà, khu vui chơi hoặc công viên.

- Cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ.

- Nếu trẻ phải ở một mình, luôn khóa trái cửa và tuyệt đối không đáp lời người khác, kẻ lạ mặt khi họ gọi và yêu cầu mở cửa.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bao-tu-nhung-vu-bat-coc-tre-em-tren-the-gioi-post1123413.html