Cảnh báo về những thay đổi hệ sinh thái lớn tại Nam Đại Dương

Nghiên cứu với quy mô quốc tế kéo dài 26 năm của các nhà khoa học Australia được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change là phân tích toàn diện nhất từ trước đến nay về thực vật phù du ở Nam Đại Dương.

Dưới sự chủ trì của Đối tác Chương trình Nam Cực Australia (AAPP) thuộc Đại học Tasmania, các nhà khoa học đến từ Australia, Đan Mạch, New Zealand, Tây Ban Nha và Mỹ đã phân tích gần 15.000 mẫu nước thu thập từ năm 1997 đến 2023.

Sự chuyển đổi chế độ sinh thái ở Nam Đại Dương liên quan đến biến đổi khí hậu. (Nguồn: Getty Images)

Sự chuyển đổi chế độ sinh thái ở Nam Đại Dương liên quan đến biến đổi khí hậu. (Nguồn: Getty Images)

Kết quả phát hiện tảo cát - loại thực vật phù du giàu dinh dưỡng, đóng vai trò mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn đại dương đang ngày càng ít đi, thay vào đó là các loài nhỏ và ít dinh dưỡng hơn như haptophyte và cryptophyte.

Sự thay đổi này có thể khiến nguồn thức ăn của krill - loài giáp xác nhỏ, giống như tép, bị suy giảm nghiêm trọng, kéo theo những tác động lan tỏa tới toàn bộ hệ sinh thái Nam Cực - nơi các loài chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi phụ thuộc vào krill để sinh tồn.

Không chỉ vậy, các loài thực vật phù du cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí carbon. Tảo cát, nhờ lớp vỏ silica nặng, có khả năng kéo carbon chìm xuống đáy biển, góp phần giảm lượng khí nhà kính.

Trong khi đó, các loài mới thay thế như haptophyte lại không làm được điều này hiệu quả, khiến nhiều khí carbon hơn có thể quay trở lại khí quyển, làm Trái Đất nóng lên nhanh hơn.

Theo AAPP, sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhiệt độ đại dương tăng, lượng sắt trong nước giảm và biến động trong diện tích băng biển, đặc biệt là hiện tượng tan băng nghiêm trọng kể từ năm 2016. Đây được xem là dấu hiệu của một sự chuyển đổi chế độ sinh thái liên quan đến biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học Pat Wongpan, tác giả của nghiên cứu, cảnh báo: “Chúng tôi đang chứng kiến những thay đổi hệ sinh thái lớn tại vùng biển cực Nam do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời, chính những thay đổi này cũng có thể phản hồi, tác động ngược trở lại khí hậu toàn cầu”.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canh-bao-ve-nhung-thay-doi-he-sinh-thai-lon-tai-nam-dai-duong-322513.html