Cảnh giác với cháy, nổ tại nơi thờ tự, cơ sở tôn giáo

Các cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự luôn là nơi tập trung nhiều chất cháy do được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu gỗ. Các đồ trang trí, thờ cúng, đồ lễ, hương thắp, vàng mã… cũng đều là những chất dễ cháy. Hiện nay, thời tiết đang nắng nóng kéo dài, vấn đề đặt ra là phải cảnh giác cao độ khi 'bà hỏa' lúc nào cũng có thể 'ghé thăm' nơi đây.

Ở tất cả các đình, chùa lớn, khách thập phương được hướng dẫn thắp hương ở cây hương ngoài trời để đề phòng hỏa hoạn.

Cẩn thận không thừa

Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện chưa có thống kê đầy đủ số vụ cháy tại các cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự, song trên địa bàn, năm nào cũng xảy ra những vụ cháy lớn liên quan đến khu vực này. Nguyên nhân xảy ra cháy đều do bất cẩn trong việc thắp hương, đốt nến, chập điện. Ngoài ra, thời tiết khô, nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh nhiệt, gây ra hỏa hoạn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra 2 vụ cháy tại đền Quan Tam Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) và chùa Linh Quang (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) ngày 24-6 vừa qua.

Qua khảo sát tại Phủ Tây Hồ; Tổ đình Phúc Khánh; cụm di tích đình, đền, chùa làng Triều Khúc; đền thờ Hai Bà Trưng; đền Ghềnh; chùa Bồ Đề; chùa Bà Đá…, các cơ sở này đều có chung đặc điểm là việc tiếp cận các khu vực dễ xảy ra cháy khi có sự cố rất khó khăn.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến (giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) nhận định, các địa điểm tôn giáo, nơi thờ tự ở Hà Nội thường nằm sát khu dân cư đông đúc, nhiều nơi nằm trong ngõ sâu và nhỏ, đi lại khó khăn. Thêm vào đó, vào ngày lễ chính hay rằm, mùng một hằng tháng, lượng người về hành lễ rất đông, chỉ một người bất cẩn là có thể gây hỏa hoạn.

Sau những vụ cháy lớn gần đây, Ban Quản lý các đình, đền, chùa cũng như chính quyền cơ sở đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị và kiểm tra các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Tại những nơi dễ nhận thấy như cổng đền, chùa, trước điện thờ đều dán cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy và hướng dẫn các bước cứu hỏa sơ đẳng.

Chị Nguyễn Thu Hà (ở phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, các đình, chùa có đông khách đến lễ ở Hà Nội đều đã yêu cầu chỉ thắp một nén nhang ngoài trời để đề phòng hỏa hoạn…

Nội quy phòng cháy, chữa cháy được dán ở nơi dễ nhận thấy.

Chủ động ứng phó

Nói về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo của địa phương, Thượng úy Đoàn Ngọc Việt, Phó Trưởng Công an phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn phường có Tổ đình Phúc Khánh thu hút nhiều khách thập phương nên Công an phường thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Ban Quản lý phải có kho bảo quản để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hương, nến, vàng mã, dụng cụ đỡ hương, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.

“Cụm di tích đình, đền, chùa làng Triều Khúc đã được cấp bảng di tích lịch sử quốc gia nên công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được cảnh giác cao nhất. Ngoài công an xã thường xuyên tuần tra, đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy thì các dòng họ lớn trong làng cũng phối hợp cùng trông coi. Mỗi khi vào ngày rằm, mùng một hay trong làng có hội, Ban tổ chức cắt cử người nhắc nhở khách thập phương thắp hương đúng nơi quy định và trông coi việc nhang đèn, không để tình trạng thắp nến, thắp hương gây cháy nổ”, ông Đỗ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nói.

Ông Nguyễn Văn Minh, thành viên Ban Quản lý di tích đền Ghềnh (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết, những người tham gia quản lý di tích đều được tập huấn phòng cháy, chữa cháy. Hằng ngày, khi hết khách, ban quản lý đều đi một lượt kiểm tra việc thắp hương, thắp nến tại những nơi thờ tự và tắt hết nguồn điện. Khu vực hóa vàng cũng được đặt xa nơi thờ tự và các công trình kiến trúc của đền.

Trao đổi với Báo Hànôịmới về vấn đề này, bà Dương Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - Trung tâm thông tin (Ban Tôn giáo Chính phủ) cho biết, khi tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ cho người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, bao giờ cũng có nội dung phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ. Ngay trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đều ban hành các quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy, dự phòng điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Nguyên nhân ban đầu cháy đền Quan Tam Lâm Du là do bất cẩn khi thắp nến.

Sau vụ cháy đền Quan Tam Lâm Du, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục có khuyến cáo các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố chủ động trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), để làm tốt nhiệm vụ phòng chống cháy, nổ, các cơ sở tôn giáo phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy hiện có, bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy xảy ra.

“Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho, bãi xe; đẩy mạnh tuyên truyền khách thập phương đi lễ về tuân thủ các quy tắc phòng cháy, chữa cháy”, Thượng tá Phạm Trung Hiếu nhấn mạnh.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/972506/canh-giac-voi-chay-no-tai-noi-tho-tu-co-so-ton-giao