Cảnh sát Pháp mở rộng điều tra vụ giáo viên bị chặt đầu

Cảnh sát Pháp mới đây đã truy quét các hiệp hội Hồi giáo và những người nước ngoài bị tình nghi theo tôn giáo cực đoan, ba ngày sau khi một giáo viên bị chặt đầu vì cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammad.

Hàng trăm người dân tụ tập biểu tình phản đối vụ sát hại giáo viên Samuel Paty ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Giáo viên lịch sử Samuel Paty, 47 tuổi, đã bị một thanh niên 18 tuổi gốc Chechnya sát hại vào thứ Sáu ngay bên ngoài trường học của mình ở một vùng trung lưu ngoại ô Paris. Cảnh sát đã bắn chết kẻ tấn công.

Sát thủ đã tìm cách trả thù cho việc nạn nhân sử dụng các bức tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammad trong một lớp học về quyền tự do ngôn luận cho các học sinh cấp 2. Người Hồi giáo tin rằng bất kỳ mô tả nào về Nhà tiên tri đều là báng bổ.

Nhiều chính trị gia đã công khai gọi vụ giết người này là một cuộc tấn công nhằm vào nền Cộng hòa và các giá trị của Pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết có khoảng 80 cuộc điều tra đang được tiến hành về sự căm thù trên mạng và ông đang xem xét liệu có nên giải tán khoảng 50 hiệp hội trong cộng đồng Hồi giáo hay không.

Bộ trưởng nói với đài Europe 1 rằng: “Các hoạt động điều tra của cảnh sát đã diễn ra và sẽ còn được mở rộng với hàng chục cá nhân liên đới”.

Một nguồn tin cảnh sát cho biết Pháp đang chuẩn bị trục xuất 213 người nước ngoài nằm trong danh sách theo dõi của chính phủ và bị tình nghi tôn thờ tôn giáo cực đoan, trong đó có khoảng 150 người đang thụ án tù.

Cảnh sát đã bắt giữ 10 người liên quan đến vụ tấn công trong 24 giờ sau khi Samuel bị giết. Các công tố viên cho biết trong số đó có cha của một học sinh tại trường Paty và một người khác trong tầm ngắm của cơ quan tình báo. Người này được cho là sử dụng mạng xã hội để tấn công vào Samuel.

Một nguồn tin tư pháp nói với Reuters rằng người đàn ông mà cơ quan tình báo biết là Abdelhakim Sefriuoi, sinh ra ở Maroc. Sefriuoi trong nhiều năm đã sử dụng mạng xã hội để đấu tranh chống lại cái mà hắn gọi là “chứng sợ Hồi giáo” và gây áp lực lên chính phủ về cách đối xử với người Hồi giáo.

Năm 2011, hắn kích động chống lại một trường trung học ở Saint-Ouen, một thành phố dành cho tầng lớp lao động có cộng đồng Hồi giáo lớn gần Paris, khi trường muốn trang phục Hồi giáo của các học sinh nữ.

Sefriuoi đã nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo Pháp hơn 15 năm, các nguồn tin an ninh cho hay.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/canh-sat-phap-mo-rong-dieu-tra-vu-giao-vien-bi-chat-dau-post101887.html