Canh tác hữu cơ: 'Chìa khóa' để HTX trồng sầu riêng phát triển bền vững
Nhờ chủ động chuyển đổi cây trồng và chú trọng canh tác theo hướng hữu cơ, nhiều nhà vườn và HTX tại các vùng trồng sầu riêng đã và đang mang về hiệu quả tích cực. Từ đó, mở ra định hướng nhân rộng mô hình, nâng tầm thương hiệu sầu riêng xuất khẩu, đồng thời giúp nhiều người dân từng bước thoát nghèo.
Sở hữu vườn sầu riêng 70ha, trong đó có 20ha đã cho thu hoạch với thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng, ông Hoàng Văn Trọn - xã Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) mấy năm nay được nhiều người biết đến với tên gọi “ông vua sầu riêng vùng biên”.
Canh tác hữu cơ, cây khỏe người khỏe
Ông Trọn cho hay, ngay từ đầu, ông đã chú trọng canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ. Phương pháp canh tác này giúp đất tơi xốp, giữ được hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng, đất không bị nhiễm kim loại nặng, từ đó kháng được các loại nấm bệnh và không còn tồn dư các chất gây hại trong quả sầu riêng.
“Vụ sầu riêng năm 2024, với 20ha, gia đình thu được 200 tấn quả. Với giá bán bình quân 80 ngàn đồng/kg, gia đình thu được khoảng 16 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương chăm sóc vườn cây với mức lương từ 9 đến 15 triệu đồng/tháng/người”, ông Trọn chia sẻ.

Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, bước đầu giúp các nhà vườn và HTX mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Được biết, xây dựng vườn cây mang tính bền vững là tiêu chí hàng đầu của “ông vua sầu riêng vùng biên”. Theo đó, vườn cây được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, lập hồ sơ xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu và hiện vườn sầu riêng đã được cơ quan chức năng cấp 2 mã số vùng trồng.
Tương tự, tại xã Phú Hựu, tỉnh Đồng Tháp có HTX sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu) là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng sầu riêng. Trước đây phần lớn nông dân xã Phú Hựu canh tác các loại cây ăn trái như cam, ổi, nhãn… Tuy nhiên, do giá cả không ổn định và sâu bệnh gia tăng, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Nguyễn Phi Thành, thành viên của HTX sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu) cho biết: Gia đình ông có 6 công đất trước kia trồng nhãn Thái nhưng lợi nhuận thấp. Được HTX hỗ trợ kỹ thuật, năm 2020 ông chuyển toàn bộ sang trồng sầu riêng Monthong. Hiện vườn có hơn 6 năm tuổi, cho năng suất trên 1 tấn/công. Với giá bán vụ nghịch khoảng 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Thành lãi hơn 300 triệu đồng.
Anh Trần Thanh Lâm, một nông dân khác cũng là thành viên HTX đã chuyển đổi diện tích 5 công trồng nhãn sang trồng 80 gốc sầu riêng giống Ri6. Anh cho hay: Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt sử dụng phân thuốc bón và thuốc BVTV hữu cơ, nên vụ sầu riêng vừa rồi vườn của anh thu trên 1,4 tấn trái, giá từ 50–60 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh cũng lãi vài trăm triệu mỗi năm.
Nói thêm về những thành quả từ việc chuyển đổi cây trồng của HTX, ông Lê Thanh Điền, Giám đốc HTX sầu riêng Phú Hựu cho biết, trước đây, nông dân xã Phú Hựu chủ yếu trồng cam, ổi, nhãn với hiệu quả kinh tế thấp. Khi được HTX Sầu riêng Phú Hựu hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng hữu cơ, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác các giống sầu riêng Ri6, Musang King, Monthong. Sự chuyển đổi này đã giúp nhiều hộ gia đình mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“HTX hiện có 35 thành viên với hơn 200ha sầu riêng, đa số sản xuất hữu cơ. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích, hướng đến đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đồng thời xây dựng thương hiệu sầu riêng Phú Hựu để xuất khẩu chính ngạch. HTX cũng sẽ tăng cường liên kết doanh nghiệp để thành viên an tâm sản xuất lâu dài” ông Điền thông tin.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, sầu riêng Phú Hựu hiện đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, có 7 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng 200ha. Nhiều doanh nghiệp và thương lái ưu tiên thu mua do chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, HTX đang sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu cao từ thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp và HTX
Nói về câu chuyện sầu riêng trong nước, các chuyên gia, đánh giá thời gian qua đứng trước áp lực sầu riêng khó xuất khẩu do Trung Quốc siết chặt quản lý hàm lượng cadimin và chất vàng O, các doanh nghiệp cũng như HTX vùng trồng sầu riêng đã thận trọng hơn trong việc chăm sóc và kiểm tra chất lượng. Thậm chí có HTX, doanh nghiệp còn kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất khẩu. Điều này đã giúp cho lượng hàng đạt chuẩn xuất khẩu tăng đáng kể.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo xuất khẩu sầu riêng có khả năng phục hồi từ quý III/2025, đặc biệt vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức mới, bao gồm thời tiết cực đoan, giá vật tư nông nghiệp tăng cao và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Do đó, việc quản lý chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế được xem là yếu tố sống còn để duy trì uy tín và thị phần của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Để đảm bảo chất lượng nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh vai trò của sự phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp và HTX. Theo đó, các địa phương cần chủ động lấy mẫu và giám sát vùng trồng để loại bỏ những khu vực có nguy cơ cao ra khỏi chuỗi xuất khẩu, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Những phân tích trên cho thấy, việc chuyển đổi hữu cơ và ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác sầu riêng là hướng đi hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay. Những bước đi chuyển đổi hữu cơ của các HTX không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe của chính người trồng và người tiêu dùng mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Đơn cử, nhờ các giải pháp chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là chuyển sang trồng sầu riêng, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh qua từng năm. Theo thống kê, đến hết tháng 6/2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng 8,96%, giảm 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ giảm tỷ lệ nghèo, chuyển đổi cây trồng còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, tăng cường kỹ năng quản lý kinh tế hộ, từ đó hướng đến mục tiêu làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương.
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách, mỗi huyện, xã có ít nhất một mô hình phát triển cây trồng chủ lực gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối thị trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh – sạch – bền vững.
Còn tại Đồng Tháp, quan điểm quy hoạch vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh tập trung vào hiệu quả cao, bền vững; gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, đi kèm với bảo vệ môi trường. Địa phương hướng tới tổ chức sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất sầu riêng an toàn và các công nghệ hiện đại vào sản xuất; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ sản phẩm; lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và xây dựng thương hiệu mạnh, hướng đến thị trường xuất khẩu giá trị cao.
Trước thời điểm thực hiện sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2025 còn dưới 3%; đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm). Theo đó, khu vực KTTT, HTX trong đó có các HTX trồng sầu riêng sẽ là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Để cây sầu riêng thực sự là "cây xóa nghèo"
Hai tỉnh Gia Lai, Đồng Tháp có thể xem là hai ví dụ về khu vực KTTT, HTX đang đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng sang trồng sầu riêng, không chỉ giúp khẳng định thương hiệu sầu riêng của Việt Nam mà còn giúp cải thiện sinh kế cho nông dân, HTX.
Tuy nhiên, việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất; giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước, nhất là về chất lượng.
Bên cạnh đó, việc trồng sầu riêng ở các địa phương, nhất là đối với các HTX hiện còn nhiều thách thức và hạn chế, như: Tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.
Do đó, theo các chuyên gia, các DN, HTX trồng và XK sầu riêng cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trước mắt, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, kỹ thuật, quy trình kiểm soát toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế...
Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia; nâng cấp hệ thống logistics, tổ chức lại chuỗi liên kết, nâng cao năng lực thực thi của các HTX, doanh nghiệp.