Cấp mã số vùng trồng, giúp nông sản vươn ra thị trường thế giới

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh đã và đang triển khai cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho sản phẩm nông nghiệp; qua đó, tạo điều kiện cho nhiều nông sản nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường xuất ngoại. Tuy nhiên, số hộ được cấp MSVT cho nông sản hiện nay còn ít và việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Trung Kiên, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch triển khai sản xuất theo quy trình được cấp mã số vùng trồng hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu Ảnh: Nguyễn Lượng

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Trung Kiên, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch triển khai sản xuất theo quy trình được cấp mã số vùng trồng hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, mã số vùng trồng (PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc; đây là điều kiện bắt buộc trước khi nông sản xuất khẩu.

Để được cấp MSVT, nông sản phải được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, yêu cầu về thuốc BVTV.

Việc cấp MSVT không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm (ATTP) mà còn làm thay đổi nhận thức, tập quán, phương thức sản xuất của người dân, HTX, doanh nghiệp (DN) và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Để đẩy mạnh triển khai cấp MSVT cho sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2020, việc cấp MSVT đã được đưa vào Chương trình hành động của tỉnh; đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo tập huấn về MSVT, cơ sở đóng gói; hướng dẫn các hộ áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc; khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các HTX, Tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHKT để tăng suất, chất lượng và ATTP nông sản; ứng dụng công nghệ số trong truy xuất quá trình sản xuất và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản.

Đến nay, toàn tỉnh đã được Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cấp 24 mã số vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói, với tổng diện tích hơn 200 ha. Trong đó, có 15 mã số thanh long được đăng ký xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước như Úc, Newzealand, Hoa Kỳ; 1 mã bưởi xuất khẩu đi EU; 2 mã chuối, 6 mã số ớt, 1 cơ sở đóng gói ớt, 1 cơ sở đóng gói thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2018, lần đầu tiên, 3 tấn thanh long ruột đỏ tại các vùng trồng trên địa bàn xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa ( Lập Thạch) được xuất khẩu sang thị trường Australia.

Sau 2 năm tạm dừng nhập khẩu ớt của Việt Nam, năm 2022 phía Trung Quốc đã chấp thuận cho một số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu ớt tươi sang thị trường Trung Quốc, trong đó có 1 cơ sở tại thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên), đây là cơ hội lớn cho các vùng trồng ớt tại Vĩnh Phúc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, hiện, huyện Lập Thạch đang kết nối với 1 DN chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết, dự kiến trong tháng 5,6 tới sẽ xuất khẩu thử một chuyến thanh long ruột đỏ sang thị trường Mỹ, Úc...

Tuy nhiên, việc triển khai cấp MSVT trên địa bàn tỉnh gặp không ít những khó khăn do đa số bà con nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy mô nông hộ, trong khi yêu cầu để được cấp MSVT phải có diện tích từ 10 ha trở lên, chi phí cho việc cấp MSVT tương đối lớn.

Phần lớn nông dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của MSVT, chưa ghi chép đầy đủ nhật ký quá trình canh tác, sinh vật gây hại, bón phân, sử dụng thuốc BVTV, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm theo quy định. Các DN xuất khẩu chưa thực sự chủ động liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để đẩy mạnh xuất khẩu và giữ vững, nâng cao chất lượng nông sản.

Để công tác thiết lập, quản lý MSVT, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xây dựng, quản lý vùng trồng, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đề xuất UBND tỉnh xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về MSVT, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển KT-XH tại địa phương.

Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV, áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng, tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, ATTP hoặc phòng chống Covid-19…; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ NN&PTNT xây dựng.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76518/cap-ma-so-vung-trong-giup-nong-san-vuon-ra-thi-truong-the-gioi.html