Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 21/10: Biển Đông chuẩn bị đón áp thấp nhiệt đới

TP.HCM có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030; Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8, khả năng tiến vào Biển Đông; Australia tăng đầu tư cho công tác bảo tồn rạn san hô Great Barrier... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

TP.HCM có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030

Theo trang mạng worldatlas.com, giới khoa học dự báo đến năm 2030 sẽ có 9 thành phố có nguy cơ chìm một phần hoặc hoàn toàn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Với mực nước biển đang dâng cao ở mức đáng báo động trên toàn thế giới thì một số đô thị lớn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong một vài năm tới.

Trong báo cáo mới nhất, tổ chức Climate Central (Mỹ) lập ra bản đồ những nơi trên thế giới có thể bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030 dựa trên dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc.

 TP.HCM là một trong những thành phố có nguy cơ chìm một phần trong năm 2030.

TP.HCM là một trong những thành phố có nguy cơ chìm một phần trong năm 2030.

TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có nguy cơ chìm một phần trong năm 2030. Thành phố đang bị đe dọa bởi triều cường và ảnh hưởng của bão nhiệt đới diễn ra hằng năm. Các nhà khoa học dự báo đa số khu vực phía Đông nằm cạnh sông Sài Gòn sẽ sớm trở thành nơi khó sinh sống do triều cường và mưa bão. Đặc biệt, những khu vực của Thủ Thiêm, vốn là đầm lầy trũng thấp, dễ có nguy cơ ngập hoàn toàn dưới nước trước năm 2030. Trong khi đó, khu trung tâm của thành phố có thể duy trì lâu hơn, nhưng có nguy cơ bị tê liệt nghiêm trọng trong mùa mưa bão cực đoan.

Bên cạnh đó, TP.Bangkok (Thái Lan) hiện chỉ ở độ cao 1,5 mét so với mực nước biển. Với kết cấu là đất sét đặc, mềm cũng như phải hứng chịu nhiều hậu quả của ngập lụt, thủ đô Thái Lan có thể bị ngập cục bộ. Một số báo cáo cho rằng năm 2030, hầu hết khu vực ven biển Tha Kham, Samut Prakan và sân bay quốc tế Suvarnabhumi có thể ngập trong biển nước. Lượng mưa lớn liên tục, mực nước dâng cao và việc khai thác nước ngầm trong nhiều năm cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan, thủ đô nước này đang ở trong tình trạng đáng báo động trong 15 năm tới. Các nhà khoa học cảnh báo Bangkok sẽ chìm hoàn toàn trong thế kỷ tới.

Một số thành phố trên thế giới dễ bị ngập hơn những thành phố khác vì nhiều lý do như vị trí thấp, ven biển hoặc các khu vực thường xuyên xảy ra mưa lũ, do biến đổi khí hậu… Dù nhiều thành phố đã chuẩn bị ứng phó cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ, nhưng vẫn đối mặt với hậu quả của xu hướng nóng lên toàn cầu liên tục và các tác động tự nhiên của tình trạng này.

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8, khả năng tiến vào Biển Đông

Hồi 13 giờ ngày 21/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 123,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 km. Đến 13h ngày 22/10, vị trí tâm áp thấp vào khoảng 19,8N-118,3E; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Khu vực chịu ảnh hưởng: phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Dự báo trong 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20 km. Đến 13h ngày 23/10, vị trí tâm áp thấp vào khoảng 18,7N-114,3E; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Khu vực chịu ảnh hưởng: Bắc Biển Đông.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ ít thay đổi.

Do tác động của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 21/10, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 3,0-5,0m.

Phát động Chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng tại Việt Nam, Lào, Campuchia

Để giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa ra mắt “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị”. Trong đó nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt, đó là rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Theo đó, chiến dịch sẽ bao gồm nhiều hoạt động gồm trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng, đặc biệt những loài như cầy hương, khỉ và tê tê - những loài hay bị tiêu thụ nhiều nhất.

Được biết, Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia cho thấy mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Buôn bán động vật hoang dã góp phần gây ra các thảm họa, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường và các loài hoang dã, mà còn tới sức khỏe và an toàn của chính con người.

 Phát động “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị”.

Phát động “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị”.

Với mục tiêu xây dựng một chiến dịch dựa vào động cơ của người tiêu dùng, Chiến dịch hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng và công chúng nói chung hiểu ra rằng tiêu thụ thịt thú rừng không đáng để họ đánh cược sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người".

Theo lãnh đạo WWF Việt Nam, ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động. Trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gen quý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này.

Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.

Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.

Động đất ngoài khơi tỉnh Fukushima, không có cảnh báo sóng thần

Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) cho hay một trận động đất với độ lớn ban đầu 5,1 đã xảy ra khu vực ngoài khơi tỉnh Fukushima ở Đông Bắc nước này ngày 21/10.

Theo JMA, trận động đất xảy ra vào khoảng 15h19 theo giờ địa phương (tức 13h19 giờ Việt Nam), tâm chấn ở độ sâu khoảng 30km.

JMA nêu rõ trận động đất ở mức thấp hơn cấp độ 5 theo thang động đất 7 cấp độ của Nhật Bản. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại do trận động đất trên.

Cơ quan giám sát hạt nhân Nhật Bản cho biết chưa phát hiện bất thường tại bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào, bao gồm nhà máy Fukushima số 1.

Australia tăng đầu tư cho công tác bảo tồn rạn san hô Great Barrier

Chính phủ Australia đã công bố khoản tài trợ bổ sung để tăng cường công tác bảo tồn rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier.

Bộ trưởng Môi trường và Nước Tanya Plibersek ngày 21/10 đã thông báo kế hoạch của Chính phủ Australia về bảo vệ rạn san hô trên trước những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong kế hoạch này có khoản tài trợ bổ sung 204 triệu AUD (128,1 triệu USD) để giải quyết những thiếu hụt nghiêm trọng trong quỹ bảo tồn rạn san hô Great Barrier trong dài hạn.

 Australia tăng đầu tư cho công tác bảo tồn rạn san hô Great Barrier.

Australia tăng đầu tư cho công tác bảo tồn rạn san hô Great Barrier.

Với khoản tiền bổ sung này, tổng số tiền mà Chính phủ Australia cam kết đầu tư cho công tác bảo tồn rạn san hô trên trong giai đoạn từ năm 2014-2015 đến năm 2029-2030 đã tăng lên 4,4 tỷ AUD.

Theo Bộ trưởng Plibersek, kế hoạch này sẽ giúp giảm lượng trầm tích dưới đáy biển và phục hồi rừng ngập mặn cũng như thảm cỏ biển. Quỹ đầu tư trên cũng sẽ giúp bảo đảm các mục tiêu về chất lượng nước, nâng cao hiểu biết về hệ sinh thái carbon xanh và hỗ trợ công tác quản ký đất cũng như nước biển.

Trong quỹ này, 20 triệu AUD sẽ được đầu tư để giúp san hô phát triển nhanh hơn và thích nghi với môi trường thay đổi, 15,3 triệu AUD sẽ được trao cho Đại học Central Queensland để thành lập Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái biển.

Bộ trưởng Plibersek cho rằng: "Nếu chúng ta bảo vệ rạn san hô là chúng ta bảo vệ tương lai của mình."

Great Barrier là rạn san hô lớn nhất thế giới và cũng là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất của Australia. Hồi tháng 3 năm nay, rạn san hô này đã trải qua đợt tẩy trắng trên diện rộng lần thứ 6 do nhiệt độ nước biển tăng cao.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cap-nhat-tin-tuc-moi-truong-noi-bat-ngay-2110-bien-dong-chuan-bi-don-ap-thap-nhiet-doi-72516.html