Cấp thiết sửa đơn giá, định mức giao thông

Đơn giá định mức xây dựng cơ bản hiện nay còn những điểm bất cập và chưa sát thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án gặp khó khăn, nhà thầu nản lòng. Giải ngân đầu tư công chậm cũng có một phần nguyên nhân từ đây.

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng VN về giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp.

Chưa tính đúng, tính đủ, sát thực tế

Thông tư số 12/2021 về định mức xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2021. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sau một thời gian thực hiện?

Thông tư 12 đã tháo gỡ được một số bất cập. Tuy nhiên, đơn giá, định mức còn lạc hậu, một số định mức không có, nhất là định mức chuyên ngành giao thông.

Định mức lạc hậu là do khi khảo sát đã căn cứ vào công nghệ, máy móc thi công từ rất lâu để tính toán. Trong khi hiện nay công nghệ xây dựng đã hiện đại hơn nhiều lần. Nhìn chung, định mức không cập nhật được tình hình cụ thể của công nghệ, của năng suất lao động.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng cho biết, đầu năm 2024 sẽ sửa đổi thông tư ban hành định mức. Đơn giá thuộc trách nhiệm của địa phương, Bộ Xây dựng sẽ có hướng dẫn để nâng cao chất lượng công bố giá vật liệu.

Một ví dụ điển hình là định mức tiền lương rất thấp. Tiền lương kỹ sư theo đơn giá định mức chỉ 5 triệu đồng/tháng, trong khi thực tế lương kỹ sư công trường thực phải 14-15 triệu đồng/tháng. Khoản chênh lệch giữa định mức và thực tế này hiện nay doanh nghiệp phải tự chủ. Rồi lương công nhân, đơn giá định mức chỉ bằng 1/2 so với thực tế, đây là một vấn đề rất bất cập.

Bất cập nữa chính là công bố đơn giá vật liệu. Sở xây dựng các địa phương được giao trách nhiệm công bố đơn giá vật liệu, nhưng thường công bố chậm hơn 2-3 tháng, đơn giá sửa không bắt kịp với biến động giá vật liệu của thị trường.

Chưa kể, địa phương lại lấy đơn giá vật liệu thực hiện dự án cấp tỉnh trở xuống để xây dựng giá vật liệu thi công dự án trọng điểm quốc gia. Đây cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay, đơn giá vật liệu không được tính sát, tính đúng, tính đủ với tính chất, quy mô dự án.

Nhận diện được bất cập, với vai trò của mình, Hiệp hội đã có những kiến nghị cụ thể nào và đến nay đã được giải quyết đến đâu?

Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, trong đó kiến nghị muốn đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cần cập nhật kịp thời đơn giá, định mức, phù hợp thực tế, khắc phục tình trạng nhà thầu không mặn mà với các dự án xây dựng cơ bản. Bởi họ "không làm cũng chết, mà làm thì chết nhanh hơn".

Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp giải quyết một số nội dung trong phạm vi thẩm quyền. Viện Kinh tế xây dựng đã trực tiếp khảo sát tất cả những định mức chưa phù hợp.

Việc này đã được triển khai từ đầu năm 2023, đến nay mới được 40 - 50 định mức, chưa biết khi nào mới xong được hết. Do đó, hiệp hội kiến nghị, hết năm 2023, khảo sát được bao nhiêu thì công bố trước để áp dụng, không chờ đến khi xong hết, nếu không sẽ lại càng chậm.

Tất nhiên, với quy định cấp thông tư thì không phải thích ban hành là ban hành. Nhưng chờ đến khi xong cũng không biết đến khi nào. Vì thế cơ quan thẩm quyền cần có những đề xuất kịp thời, cụ thể.

Không để công bố giá vật liệu tùy tiện

Ông có nhắc đến việc công bố giá vật liệu của sở xây dựng các địa phương, thực tế đây cũng là vấn đề mà các nhà thầu giao thông kêu rất nhiều. Theo ông, nên giải quyết vấn đề này thế nào?

Đơn giá định mức xây dựng cơ bản hiện còn những điểm bất cập, chưa sát thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án gặp khó khăn, nhà thầu nản lòng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua Quảng Trị). Ảnh: Duy Lợi.

Đơn giá định mức xây dựng cơ bản hiện còn những điểm bất cập, chưa sát thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án gặp khó khăn, nhà thầu nản lòng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua Quảng Trị). Ảnh: Duy Lợi.

Hiệp hội đã kiến nghị, Bộ Xây dựng là đơn vị ban hành hoặc quản lý cách thức ban hành đơn giá xây dựng. Hiện việc này đang giao cho các địa phương, nếu không kiểm tra, kiểm soát có thể khiến các sở xây dựng làm tùy tiện.

Ví dụ giá thép, xi măng, cát vừa rồi tăng phi mã, đáng ra cần có cơ quan trung ương đứng ra chỉ đạo chung, chứ mỗi địa phương lại công bố một mức giá chênh lệch khác nhau, thời điểm khác nhau thì rất bất cập.

Với định mức tiền lương thì sao, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, tiền lương cần đưa vào khoản, mục dự toán phát sinh không lường trước được về công lao động. Như vậy mới bù đắp được phần nào cho các nhà thầu. Dài hơi hơn cần tính đến chuyển đổi số, làm sao số hóa đơn giá định mức để việc cập nhật được thường xuyên, chính xác.

Theo Thông tư 13, có 3 phương pháp để xây dựng định mức mới. Trong đó, phương pháp tổ chức khảo sát, thu thập số liệu từ thi công thực tế được đánh giá khả quan hơn cả, nhưng đòi hỏi cần có công địa thực hiện, mất rất nhiều thời gian.

Thực tế cho thấy nhiều định mức mới, định mức điều chỉnh trùng lặp ở nhóm các công việc thuộc các công trình, dự án. Để đáp ứng tính kịp thời, theo ông có cần thiết ban hành một quy định làm cơ sở để các chủ đầu tư có thể lấy định mức mới, định mức điều chỉnh có tính chất tương tự ở dự án trước áp dụng cho dự án sau?

Tôi cho rằng việc này sẽ giải quyết được vấn đề về thời gian, nhanh chóng hơn nhưng không đảm bảo khách quan. Do đó vẫn cần một cơ quan nhà nước kiểm soát. Vì nếu chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất lên, sau đó được áp dụng sẽ dễ phát sinh lợi ích nhóm, thiếu minh bạch.

Bổ sung nhiều định mức lĩnh vực giao thông

Theo rà soát của cơ quan chuyên môn, Thông tư 12 vẫn thiếu định mức cho công tác thi công một số hạng mục như cầu dây văng, nhiều định mức liên quan lĩnh vực hàng không (đường cất hạ cánh, sân đỗ), đường thủy… Việc bổ sung những định mức này có ý nghĩa thế nào trong việc triển khai các dự án giao thông?

Đơn giá định mức xây dựng cơ bản hiện nay còn những điểm bất cập và chưa sát thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án và các nhà thầu gặp khó khăn (Trong ảnh: Thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô). Ảnh: Tạ Hải.

Đơn giá định mức xây dựng cơ bản hiện nay còn những điểm bất cập và chưa sát thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án và các nhà thầu gặp khó khăn (Trong ảnh: Thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô). Ảnh: Tạ Hải.

Với hàng không, ngày 5/12, hiệp hội sẽ có chương trình làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không VN – ACV. Chúng tôi sẽ khảo sát trực tiếp sân bay Long Thành, nắm nguyện vọng, mong muốn của chủ đầu tư, nhà thầu tham gia thi công gói thầu sân đỗ và nhà ga hành khách, trong đó có cả vấn đề về đơn giá định mức. Từ đó, hiệp hội tổng hợp lại, kiến nghị bổ sung.

Tương tự, với cầu dây văng, trước kia chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ làm được cầu dây văng, bây giờ làm được thì cần xây dựng bổ sung định mức. Nhưng phải thừa nhận việc này hiện nay còn đang lúng túng, bởi chưa có nhiều các công trình tương tự để khảo sát, xây dựng định mức.

Hiện giá vật liệu được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng. Nhưng với dự án áp dụng cơ chế đặc thù, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào thỏa thuận với chủ sở hữu đất và chưa thống nhất, chênh lệch lớn. Giải pháp nào đang được tính đến để giải quyết thực trạng này?

Thật sự trước đây chúng ta đã trót làm chưa chuẩn, khi cho đấu giá rất nhiều mỏ cho tư nhân khai thác, giờ phải mua lại với giá cao. Tôi cho rằng, tới đây Nhà nước nên xem xét mua lại các mỏ để bàn giao cho nhà thầu tự khai thác, tự cung, tự cấp.

Về lâu dài, phải tính đến nguồn chi phí trong tổng kinh phí của đầu tư công. Đồng thời phải đưa vào quy hoạch, quản lý các mỏ vật liệu thông thường. Dự án trọng điểm triển khai xây dựng khu vực nào thì giao mỏ vật liệu cho nhà thầu khu vực đó khai thác.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Với các dự án như đường bộ cao tốc có tính chất kỹ thuật phức tạp, yêu cầu cao hơn so với đường thông thường. Theo ông có cần ban hành bộ đơn giá định mức đặc thù cho nhóm công trình này? Và nếu có, việc xây dựng đơn giá, định mức sẽ được xây dựng theo nguyên tắc nào?

Kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo là định mức, đơn giá của Nhật Bản, Hàn Quốc, vì có nhiều điểm tương đồng với ta.

Chúng tôi đang quan tâm hợp tác với Hiệp hội Nhà thầu Hàn Quốc, Nhật Bản để học tập, xây dựng đơn giá, định mức của họ. Thực tế nguyên tắc xây dựng của họ hiệu quả, nhà thầu hai nước này cũng đã vào Việt Nam nhiều, rõ ràng họ làm cũng tốt.

Sau đường bộ, tới đây công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tập trung vào đường sắt tốc độ cao/đường sắt đô thị. Song hiện bộ đơn giá, định mức cho các công trình này chưa có. Vậy việc cần làm là gì, thưa ông?

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam mục tiêu là trục giao thông xương sống, có ý nghĩa rất lớn tới phát triển kinh tế xã hội. Nhưng định mức chưa có và cũng rất khó khăn trong xây dựng định mức vì chưa có những công trình tương tự để thực nghiệm, tham chiếu.

Để chuẩn bị đầu tư, chắc chắn phải bổ sung định mức này. Để làm được điều đó, không còn cách nào khác là phải hình dung được tất cả những diễn biến về đơn giá, định mức, trên cơ sở đó xây dựng tổng mức đầu tư.

Việc xây dựng đơn giá định mức cần phải học tập các nước khác có điều kiện tương ứng như Trung Quốc, Singapore, từ đó xây dựng và điều chỉnh dần phù hợp với điều kiện trong nước.

Cảm ơn ông!

Ông Cao Việt Hùng, Phó giám đốc Ban QLDA 2 (Bộ GTVT):

Chi phí quản lý dự án mới đáp ứng mức tối thiểu

Hiện nay, chi phí cho ban quản lý dự án đang được tính toán dựa trên giá trị xây dựng và thiết bị nhân với tỷ lệ phần trăm quy định tại Thông tư 12.

Với góc độ là cơ quan được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chúng tôi nhận thấy chi phí này mới đang đáp ứng mức tối thiểu cho công tác quản lý dự án của đơn vị.

Khó ở chỗ, chi phí quản lý dự án hiện nay tính cả từ lúc chuẩn bị dự án đến khi quyết toán dự án hoàn thành.

Ví dụ, dự án QL45 - Nghi Sơn đơn vị được giao chuẩn bị từ đầu năm 2017, theo kế hoạch, đến năm 2024 mới hoàn thành toàn bộ công tác hoàn trả đường dân sinh, quyết toán công trình. Nghĩa là từ lúc nghiên cứu dự án đến khi hoàn thiện toàn bộ các thủ tục mất đến 8 năm.

Trong khi đó, chi phí quản lý dự án chỉ được 24 tỷ đồng để chi trả từ bộ máy của ban, cán bộ công trường cùng các chi phí khác như thành lập văn phòng hiện trường, phương tiện đi lại, công tác phí… Chi phí không cao, hiện ban mới duy trì mức lương hệ số 1 đối với cán bộ văn phòng tại Hà Nội và hệ số 1,5 với cán bộ công trường.

Ở thời điểm hiện tại, tiền lương bình quân tại Ban QLDA 2 chỉ hơn 7 triệu đồng/người. So với cán bộ của nhà thầu, tư vấn, mức chi trả này còn tương đối thấp.

Chúng tôi mong tỷ lệ chi phí quy định hiện nay được đẩy lên để bình quân hệ số lương của cán bộ, công nhân viên có thể tăng và đạt được 14 - 15 triệu đồng/tháng. Có như vậy, đơn vị mới giữ được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tiến độ thi công các dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và gấp rút về tiến độ như hiện nay.

Ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT):

Nhiều định mức cần xem xét điều chỉnh, bổ sung

Thực tế cho thấy, định mức chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình giao thông đang thấp nhất trong các loại công trình. Ước tính chỉ bằng 0,6 - 0,7 lần so với công trình dân dụng; 0,4 - 0,6 lần so với công trình công nghiệp; 0,7 - 0,8 lần định mức công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khi chưa nhân hệ số.

Định mức chi phí thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông cũng đang ở mức thấp nhất trong các công trình.

Về hệ số điều chỉnh, hiện tại định mức chi phí thiết kế của các công trình hầm, cải tạo đường sắt, nút giao, công trình cải tạo sửa chữa đường sắt, công trình khu bay được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng.

Song, các công trình giao thông được thiết kế có kết cấu mới; công trình có kết cấu phức tạp như cầu dây văng, dây võng, cầu vòm, công trình cải tạo nâng cấp cảng, đường thủy, đường cần nhiều thời gian và chi phí so với các công trình thông thường lại chưa có hệ số điều chỉnh và rất cần được nghiên cứu bổ sung.

Một điểm chưa hợp lý nữa là hiện nay, các công trình dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp và công trình hạ tầng kỹ thuật đều có định mức tỷ lệ và hướng dẫn xác định chi phí thiết kế phần thiết bị. Riêng các công trình giao thông không có định mức và hướng dẫn.

Có hành lang pháp lý vẫn khó xác định dự toán vật liệu

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định, giá vật liệu sử dụng để xác định dự toán được xác định theo công bố giá vật liệu của địa phương.

Trường hợp công bố giá của địa phương không phù hợp với yêu cầu sử dụng vật liệu của công trình, không đáp ứng tiến độ, khối lượng cung cấp cho dự án; thời điểm lập, mặt bằng giá thị trường tại nơi xây dựng công trình hoặc vật liệu chưa có trong công bố giá thì giá vật liệu được xác định trên cơ sở: lựa chọn mức giá phù hợp giữa các báo giá của nhà sản xuất/nhà cung ứng vật liệu đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu của công trình theo tiến độ dự kiến, khối lượng cung cấp, tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật của vật liệu; tham khảo giá của loại vật liệu xây dựng có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự đã được sử dụng ở công trình khác.

Chủ đầu tư xác định giá trị dự toán xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định; phù hợp với giá trị tổng mức đầu tư; yêu cầu kỹ thuật, công nghệ xây dựng, điều kiện thi công, biện pháp thi công định hướng, tiến độ thi công công trình và mặt bằng giá thị trường.

Tuy nhiên, chưa có các quy định chặt chẽ để bảo vệ việc quyết định áp dụng, sử dụng các báo giá của nhà cung cấp, tham khảo giá vật liệu tương tự ở công trình khác khi đã có công bố giá của địa phương nhưng chưa phù hợp.

Nguyễn Hùng

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cap-thiet-sua-don-gia-dinh-muc-giao-thong-19223120110321121.htm