Câu chuyện về những chiếc lồng đèn ngày thơ ấu

Mới đây mà đã gần đến tết Trung thu nữa rồi. Những ngày này, nhìn đâu đâu cũng rực rỡ sắc đỏ. Cái thu hút tôi chính là những gian hàng bán lồng đèn trung thu. Lồng đèn bây giờ đủ kiểu hết, nào lồng đèn điện tử với đủ hình dạng, màu sắc lấp lánh. Còn có cả lồng đèn giấy xếp, lồng đèn giấy kiếng nữa. Nhưng mà nó rất khác so với những cái lồng đèn hồi nhỏ tôi chơi.

Ngày xưa, mỗi lần tới Trung thu thì bọn con nít xóm tôi lại xúm nhau đi ra mấy bụi trúc ngoài bờ ruộng để chặt trúc về làm lồng đèn. Hồi đó quê xa cách chợ, cũng không có ai bán nhiều lồng đèn như bây giờ, tất cả những món đồ chơi đều do tụi tôi tự mày mò làm lấy. Để làm được lồng đèn, trúc được chọn phải thật già và chắc thịt. Rồi cứ sau mỗi giờ cơm, tụi tôi trốn ngủ trưa họp nhau ở bụi rơm nhà thằng Tí để chuốt trúc. Muốn làm lồng đèn to hay nhỏ, đèn ông sao hay đèn con thỏ, con bướm... mà chuốt cây trúc cho phù hợp. Chúng tôi thường làm lồng đèn ông sao vì dễ làm.

Chuốt trúc xong thì tay đứa nào đứa nấy xước và phồng rộp hết cả lên, nhưng chẳng đứa nào chịu bỏ ngang. Từng thanh trúc chuốt xong được gắn kết với nhau để thành bộ khung hình ngôi sao. Nhìn cái nào cái nấy no căng, rất thích mắt. Tới đây, chúng tôi nghỉ ngơi xíu rồi rủ nhau đi chợ xã mua giấy kiếng, hồ dán, để “khoác” cho lồng đèn cái áo bên ngoài. Có mấy đứa khoe mẹ cho thêm tiền mua màu nước, dây kim tuyến để điểm tô chiếc lồng đèn thêm phần khác biệt. Cùng nguyên liệu làm ra nhưng mỗi đứa có cách trang trí lồng đèn khác nhau theo tiêu chí “độc nhất vô nhị”.

Lồng đèn xe lon là kỷ niệm tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em mỗi dịp Trung thu. Ảnh: HOÀNG LỘC

Lồng đèn xe lon là kỷ niệm tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em mỗi dịp Trung thu. Ảnh: HOÀNG LỘC

Cha tôi cũng làm lồng đèn theo cách riêng. Cha nhặt mấy vỏ lon nước ngọt hay mấy cái hộp thiếc về chất đầy cả nhà. Cứ chiều chiều đi mần về là thấy cha ngồi ở hàng ba cắt gọt mò mẫm. Chút xíu thì thấy cha khoe đã làm xong cái lồng đèn lon nhìn lạ đời thiệt chứ. Trên thân lon, cha cắt ngang nhiều chỗ, ở miệng đục hai lỗ để xỏ dây, phía dưới là để cắm đèn cầy. Cha dùng tay ép cái lon bia cho nó phồng ra, tròn quay như quả bí ngô. Còn có cái lồng đèn cha làm từ lon sữa bò sao cho khi cái lon phía dưới lăn thì cái lon phía trên xoay tròn theo, nhìn cũng lạ mắt dữ lắm. Chưa hết đâu, bà ngoại còn khéo léo khía trái bưởi thành 5 cánh rồi lấy vỏ bưởi treo lên làm lồng đèn.

Thoắt cái tới ngày rằm tháng 8. Trong khi người lớn bận sắp xếp mâm cúng thì bọn con nít tụi tôi cũng nhộn nhịp từ chiều. Trời sập tối, cha tôi treo mấy cái lồng đèn tự chế lên trước cửa, bỏ đèn cầy vào rồi thắp lên. Đám con nít cũng bắt đầu “lên đèn” đi rước ông trăng. Mấy chiếc đèn ông sao hôm trước đã được gắn vào một cây trúc dài làm tay cầm, bên trong là ngọn đèn cầy cháy sáng. Chúng tôi đi vòng quanh xóm, cũng là thi nhau coi lồng đèn ai sáng lâu hơn.

Đó là câu chuyện của tuổi thơ tôi vào mười mấy năm về trước. Mấy đứa nhỏ năm đó bây giờ cũng có gia đình hết rồi. Gần Trung thu, trẻ con ít khi xúm xít tự làm lồng đèn mà thường được cha mẹ chọn mua lồng đèn điện tử có nhạc, có đèn màu chớp tắt. Nhiều khi tôi cũng thấy tiếc nuối những niềm vui tuổi thơ đó ít thấy hiện nay. Nhưng sự thay đổi cho hợp với thời đại là điều tất yếu. Chỉ mong rằng vào những ngày rằm Trung thu, gia đình luôn hạnh phúc và khỏe mạnh để quây quần với nhau bên ấm trà nóng, sống trọn vẹn trong cái Tết đoàn viên.

TIẾN ĐẠT

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/cau-chuyen-ve-nhung-chiec-long-den-ngay-tho-au-67754.html