'Cầu nối' giữ biên cương

Được ví như những 'cầu nối' giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương, thời gian qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Điện Biên đã góp phần tuyên truyền, vận động dân bản chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên biên giới thêm vững chắc.

Điểm tựa của dân bản

Vẻ bề ngoài mộc mạc, giản dị nhưng lời nói đi đôi với hành động, am hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, đó là nhận xét của nhiều người về già làng Phá Nhìa Ly ở bản Đoàn Kết, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Ông Phá Nhìa Ly là già làng tiêu biểu năm 2020 được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 379, Quân khu 2 và Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên biểu dương trong hội nghị gặp mặt vừa qua.

Chuyện trò với chúng tôi, già làng Phá Nhìa Ly cho biết: Đoàn Kết là bản mới thành lập, hơn 40 hộ dân, đa số là hộ nghèo. Trong bản có hai hệ tôn giáo, các thế lực thù địch thường xuyên lôi kéo người dân gây chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các nhóm đạo; xuyên tạc đường lối của Đảng, quy định của địa phương, lôi kéo bà con di cư tự do, đi theo tà đạo; việc xâm canh, xâm cư vẫn diễn ra. Là trưởng nhóm đạo, sau các buổi sinh hoạt nhóm đạo, già làng Phá Nhìa Ly cùng với cấp ủy, chi bộ bản, chỉ huy Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 5 thuộc Đoàn KTQP 379 đến từng hộ gia đình gặp gỡ để tuyên truyền vận động dân bản không nghe theo lời kẻ xấu, tham gia tố giác tội phạm, nhờ đó kịp thời đấu tranh, giải quyết kịp thời các vụ việc, không ai theo tà đạo. Bản thân già làng Phá Nhìa Ly cũng thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn dân bản thực hiện nếp sống văn minh, dần bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới hỏi, tang ma, đoàn kết, hướng dẫn nhau trồng cây gây rừng, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, trong bản có 36 con trâu, 156 con dê, 58 con lợn, bà con yên tâm an cư, sản xuất và tin theo Đảng.

Về xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, chúng tôi thấy người dân địa phương hết lời khen ngợi ông Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu-người cán bộ đảng viên gương mẫu, có tư duy đổi mới phát triển kinh tế, giúp bà con cách làm ăn hiệu quả, thoát nghèo. Ông Pờ Dần Xinh là gương điển hình của xã trong phát triển mô hình ao cá, cây sa nhân tím, cây ăn quả và nuôi trâu vỗ béo. Không chỉ hướng dẫn dân bản cách chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ gia đình khó khăn còn được ông hỗ trợ cho vay vốn, cây giống về trồng. Mới đây, Đoàn KTQP 379 tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho dân bản, ông Xinh cũng tham gia hướng dẫn các hộ dân về phương pháp chăm sóc gia súc, gia cầm tận tình, chu đáo. Vốn là người con của dân tộc Hà Nhì, chứng kiến cảnh văn hóa dân tộc bị mai một, ông Xinh trăn trở lắm. Từ những năm 2000, ông Xinh bắt tay vào việc sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng của người Hà Nhì, những phong tục, tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý, lễ cúng bái Hà Nhì cổ... Sau nhiều năm lặn lội, ông đã ghi chép và hoàn thành bản thảo về văn hóa của dân tộc Hà Nhì và truyền dạy lại cho thế hệ con cháu trong dòng họ và dân bản. Việc làm của ông Xinh được dân bản trân trọng, cảm phục, bản thân ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực văn hóa dân gian.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên trò chuyện cùng già làng Hạng Dụ Chúng, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên trò chuyện cùng già làng Hạng Dụ Chúng, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà.

Phát huy vai trò giữ vững biên giới

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc, có đường biên giới giáp nước Lào và Trung Quốc, với 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 4 huyện nghèo, 29 xã biên giới, gồm 19 dân tộc, đồng bào DTTS chiếm hơn 81% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, dân tộc, tôn giáo luôn được giữ vững. Có được kết quả trên phải kể đến vai trò, sự đóng góp của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các DTTS.

Theo ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên: Các già làng, trưởng bản, người uy tín gồm nhiều thành phần, độ tuổi, dân tộc khác nhau, song vốn am hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nắm rõ phong tục, tập quán địa phương nên họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bằng lời nói, hành động giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, thôn, bản. Họ là lực lượng quan trọng, luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong lĩnh vực an ninh trật tự, các già làng trưởng bản, người có uy tín luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nhất là phối hợp với các lực lượng quân đội, công an tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn, bản; tham gia phòng, chống truyền đạo trái pháp luật, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý. Riêng năm 2020, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các huyện, xã biên giới, phát huy vai trò của người có uy tín tuyên truyền vận động 63 hộ dân với 377 khẩu không di cư tự do, ổn định cuộc sống; phối hợp tổ chức hơn 290 đợt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; tham gia giải quyết 10 vụ việc phức tạp, vận động nhân dân tố giác tội phạm 38 vụ/57 đối tượng... Ðặc biệt, người có uy tín còn đi đầu trong vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bằng những việc làm thiết thực, như: Hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa; góp ngày công lao động... Các già làng, trưởng bản, người uy tín cũng là nhân tố quan trọng trong phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng, đặc biệt là tham gia xây dựng, thực hiện quy ước của cộng đồng; làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể để nắm tình hình trong dân cư. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, những người uy tín trong cộng đồng DTTS đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng...

Có thể thấy, bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, các già làng, trưởng bản, người uy tín ở tỉnh Điện Biên đã thực sự trở thành “cầu nối” vững chắc góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/cau-noi-giu-bien-cuong-657917