'Cầu thủ Việt Nam e dè trong việc tiếp nhận sự góp ý'
Xoay quanh câu chuyện thủ môn Nguyễn Filip sốc trước những phản ứng của đồng đội, HLV Bae Ji-won cho rằng sự e dè trong việc tiếp nhận góp ý, nhất là trên sân cỏ, vẫn là vấn đề lớn với cầu thủ Việt Nam.

HLV Bae Ji-won nhận định các cầu thủ Việt Nam e dè trong việc tiếp nhận sự góp ý từ người khác.
“Ở châu Âu, chuyện cầu thủ la hét, góp ý, thậm chí tranh cãi trên sân là điều quá bình thường. Ai cũng muốn tập thể thi đấu tốt, nên nếu cần thiết, họ sẽ lớn tiếng nhắc nhở nhau. Nhưng ở Việt Nam, điều đó lại rất khác. Có lần tôi lớn tiếng với đồng đội vì lỗi vị trí trong một pha bóng. Một số người tỏ ra khó chịu, thậm chí cãi lại tôi ngay trên sân”, thủ môn Nguyễn Filip chia sẻ với At The Top (podcast) của kênh YouTube 28Unique.
Với những cầu thủ từng trưởng thành từ môi trường bóng đá châu Âu như Nguyễn Filip, việc nhắc nhở, tranh luận trên sân là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam thi đấu, anh nhận ra sự khác biệt lớn về tư duy và cách giao tiếp trên sân giữa hai nền bóng đá.
Trước những chia sẻ của thủ thành đang khoác áo CAHN, HLV Bae Ji-won, người từng có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, Thái Lan, Hong Kong và Hàn Quốc, cho rằng vấn đề của Filip không phải cá biệt. Theo ông, đây là vấn đề chung mà bóng đá châu Á, trong đó có Việt Nam, thường gặp phải.
“Tôi đã làm việc ở cả châu Á lẫn châu Âu. Mặc dù môi trường bóng đá khác nhau, nhưng những mâu thuẫn, va chạm trong đội, nhất là giữa thủ môn và hậu vệ, đều rất phổ biến. Thủ môn là người nắm rõ toàn bộ chuyển động trên sân, có trách nhiệm bao quát hàng thủ và chỉ đạo đồng đội. Do đó, việc hậu vệ phải tuân thủ yêu cầu của thủ môn là chuyện đương nhiên”, cựu HLV của Thể Công Viettel nói với Tri Thức - Znews.

Nguyễn Filip bị sốc trước những phản ứng của cầu thủ Việt Nam. Ảnh: CAHN.
Ông phân tích, các cầu thủ châu Âu được dạy từ nhỏ về vai trò của thủ môn trong hệ thống phòng ngự. Những lời nhắc nhở, thậm chí quát mắng của thủ môn đều xuất phát từ trách nhiệm chuyên môn và phải được tôn trọng. Một chút bất đồng hay thiếu gắn kết giữa thủ môn và hậu vệ có thể khiến đội bóng trả giá ngay lập tức. Đó là điều tối kỵ.
Theo nhà cầm quân người Hàn Quốc, tại các đội bóng châu Âu hoặc Hàn Quốc, quy định nội bộ rất nghiêm khắc. Nếu cầu thủ không tuân thủ chỉ đạo chiến thuật, gây mất đoàn kết hoặc không hợp tác với thủ môn, họ có thể bị phạt nặng, thậm chí loại khỏi đội hình.
Trở lại với trường hợp của Nguyễn Filip, HLV từng làm việc ở các đội tuyển quốc gia Việt Nam thời HLV Park Hang-seo cho rằng đây là khác biệt về môi trường bóng đá và văn hóa giao tiếp trên sân. “Cầu thủ Việt Nam đa phần trưởng thành trong môi trường bóng đá khép kín, ít cơ hội cọ xát quốc tế nên còn e dè trong việc góp ý hoặc tiếp nhận sự góp ý từ người khác”, ông phân tích.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng khi các cầu thủ có nền tảng tư duy khác nhau, mâu thuẫn và va chạm là chuyện dễ xảy ra. Tuy nhiên, vai trò của HLV rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề.
“Nếu một cầu thủ có nhận thức chưa đúng, HLV cần kịp thời chỉnh sửa, hướng dẫn. Tinh thần hợp tác giữa thủ môn và hậu vệ là điều bắt buộc. Khi mối quan hệ này đổ vỡ, đội bóng sẽ thất bại trước cả khi bóng lăn”, ông Bae Ji-won khẳng định.

HLV Bae Ji-won cho rằng trường hợp mà Nguyễn Filip gặp đến từ sự khác biệt về văn hóa. Ảnh: FBNV.
Với Nguyễn Filip, tất cả chỉ đơn giản là sự thẳng thắn trong thi đấu. “Tôi không có ý xúc phạm ai khi lớn tiếng trên sân. Đó là cách chúng tôi thi đấu ở châu Âu, để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tôi cũng hiểu rằng không dễ để các cầu thủ Việt Nam thay đổi ngay lập tức”, thủ môn Việt kiều bày tỏ.
HLV Bae Ji-won nhìn nhận sự khác biệt này là điều bóng đá Việt Nam cần chấp nhận trên hành trình hội nhập. “Ở châu Âu, các cầu thủ hiểu rằng hợp tác với thủ môn là vì lợi ích tập thể, vì chiến thắng chung. Họ không coi những lời nhắc nhở trên sân là sự xúc phạm. Nhưng ở Đông Nam Á, môi trường bóng đá còn hạn chế, sự va chạm như Filip gặp phải vẫn thường xảy ra”, ông nói.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc kết luận: “Nếu bóng đá Việt Nam muốn phát triển, các cầu thủ cần học cách lắng nghe, mở lòng hơn với sự khác biệt văn hóa và tư duy thi đấu. Quan trọng nhất, các HLV cần đóng vai trò trung gian, giúp cầu thủ hiểu rằng sự thẳng thắn trên sân không phải để hạ bệ nhau, mà để giúp cả đội tốt hơn”.
Câu chuyện của Nguyễn Filip, từ một tình huống trên sân, đã mở ra góc nhìn lớn hơn về hành trình hội nhập của bóng đá Việt Nam, nơi khác biệt về văn hóa không chỉ thể hiện ở chiến thuật, mà còn từ những lời nhắc nhau trong trận đấu.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-thu-viet-nam-e-de-trong-viec-tiep-nhan-su-gop-y-post1567414.html