Cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung sắp về đích

Giữa những cồn cát trắng, cùng gió biển mặn mòi nằm bên cửa biển Thuận An và Hải Dương, đội ngũ kỹ sư, công nhân của các nhà thầu tăng tốc đưa dự án cầu vượt biển dài nhất miền Trung đến ngày hợp long.

 Nhà thầu Đạt Phương đang thi công trụ T27 - hạng mục khó nhất của DA bằng phương pháp đúc hẫng đối xứng cân bằng

Nhà thầu Đạt Phương đang thi công trụ T27 - hạng mục khó nhất của DA bằng phương pháp đúc hẫng đối xứng cân bằng

Tăng ca, tăng kíp

Chúng tôi có mặt cửa biển Thuận An mà tâm điểm là công trường xây dựng cây cầu vượt biển nối phường Thuận An với xã Hải Dương dài nhất miền Trung vào những ngày cuối tháng 6, khi thời tiết ở Huế nắng chang chát. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, nhà thầu Đạt Phương mỗi ngày vẫn sắp xếp bố trí phương tiện trang thiết bị, cần cẩu, xe xúc ủi đào và huy động toàn bộ anh em, kỹ sư công nhân ra công trường, làm ba ca liên tục.

Dẫn chúng tôi ra công trường, kỹ sư Nguyễn Nam Tùng, Chỉ huy trưởng Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho hay, đến thời điểm này, DA đã thi công đạt hơn 70% kế hoạch. Hiện nay, các đơn vị đang tập trung thi công trụ chính T27 và T26 nằm trên mặt biển theo phương án đúc hẫng cân bằng đối xứng, đồng thời chuẩn bị thi công hệ thống trụ tháp dây văng. Tất cả các tính toán ở đây đều phải chính xác tuyệt đối để bảo đảm chất lượng và an toàn trong suốt quá trình thi công.

 Công nhân nhà thầu Tân Nam đang tiến hành làm sắt tạo mặt bằng đúc Trụ T26

Công nhân nhà thầu Tân Nam đang tiến hành làm sắt tạo mặt bằng đúc Trụ T26

Theo kỹ sư Tùng, đây là hạng mục khó nhất của DA, bởi môi trường làm việc ở độ cao so với mực nước biển gần 40m, cao hơn cầu bình thường gần 19m; khổ thông thuyền lớn; phạm vi mặt bằng hẹp nên phải tập trung bơm chuyền nhiều trạm máy để đổ bê tông trực tiếp trên mặt cầu tại trụ này. Khoảng cách giữa trụ T27 cách trụ T26 (nhà thầu Tân Nam thi công) cách nhau khoảng 220m nên việc đúc hẫng cân bằng luôn được các kỹ sư túc trực, giám sát kiểm tra các thông số tránh sai sót để khi hợp long không xảy ra độ vênh...

Chúng tôi nhìn từ xa, những nhịp cầu từ mặt đất đã hoàn thiện chuẩn bị nối với trụ T27 và T26 như một con khủng long khổng lồ vươn ra đại dương bao la. Kỹ sư trẻ Ngô Văn Trường, Chỉ huy trưởng nhà thầu Công ty CP Xây dựng Tân Nam đang thi công DA tại khu vực xã Hải Dương chia sẻ, tất cả cán bộ, công nhân đơn vị đều có tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Bản thân anh cũng từng học nghiên cứu công nghệ xây cầu ở các nước tiên tiến và chỉ huy giám sát các công trình cầu vượt biển dài ở Việt Nam, như cầu Ông Điền (Quảng Nam), cầu Cửa Hội (Nghệ An)... nên vấn đề chất lượng công trình không có gì phải quan ngại, dù vẫn biết nó có độ khó nhất định, do vượt cửa biển dài nhất miền Trung.

“Lo cho DA là tiến độ, vì mặt bằng thi công bàn giao quá chậm, nhất khu vực đường dẫn đầu cầu mới bàn giao đầu tháng 6 vừa qua và đường công vụ phải nhờ đường dân sinh địa phương. Hơn nữa thời tiết ở Huế khắc nghiệt, có thời điểm phải dừng thi công cả tháng vì mưa bão” - kỹ sư Trường nói.

Không còn cách trở

Trong làn bụi mịt mù của cát và gió biển trên công trường, kỹ sư Đào Đại Nam, đại diện đơn vị giám sát thi công cầu vượt cửa biển Thuận An khu vực xã Hải Dương chia sẻ, DA cầu vượt cửa biển Thuận An đang được các nhà thầu tăng tốc thi công, phấn đấu hợp long vào cuối năm 2024. Khi DA hoàn thiện, các huyện Quảng Điền, Phú Vang, TP. Huế sẽ được kết nối thông thương nhờ cây cầu này. Với Hải Dương vào mùa mưa thường bị chia cắt với nhiều địa phương khác, sắp đến sẽ khắc phục được tình trạng này. Hiện tại từ Thuận An muốn sang công trường bên kia bờ Hải Dương hoặc ngược lại cũng mất hơn 20km, nhưng khi cầu vượt cửa biển Thuận An hoàn thành chỉ mất khoảng 3km. Điều này cho thấy cơ hội mở ra cho người dân sự giao thương, phát triển kinh tế.

Ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, TP. Huế thông tin, không riêng ở Thuận An, hay Hải Dương, khi cây cầu vượt biển nối nhịp, những vùng quê lân cận ven biển và dọc theo đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn về giao thương, du lịch biển. Đó cũng là cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch và sắp xếp mở rộng khu dân cư, phát triển không gian đô thị Huế năng động, hiện đại hơn. Đồng thời, tạo điểm nhấn kết nối triển khai tuyến đường ven biển Thừa Thiên Huế dài hơn 127km nằm trong quy hoạch tổng thể đường ven biển quốc gia theo Quyết định 129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tạo hơn 1.500ha quỹ đất lợi thế hai bên để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.

Theo kế hoạch, hai trụ chính T27 và 26 cùng hệ thống trụ tháp dây văng sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 7 này để tiếp tục thi công hệ đường dẫn hai đầu cầu. Theo các hướng chỉ tay của những kỹ sư tại công trường, chúng tôi đã thấy hình dáng cây cầu vượt cửa biển Thuận An giữa sóng biển xanh.

DA tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 2.400 tỷ đồng, thực hiện với thời gian 3 năm. Quy mô tuyến dài 7.785m; trong đó phần cầu dài khoảng 2,36km, mặt cắt ngang tuyến 26m; bề rộng cầu 20m, gồm 4 làn xe; bắt đầu từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao QL49A - QL49B thuộc phường Thuận An (TP. Huế). DA do Ban quản lý DA Đầu tư Xây dựng Giao thông tỉnh làm chủ đầu tư và liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/cau-vuot-cua-bien-dai-nhat-mien-trung-sap-ve-dich-142652.html