'Cây cầu lận đận' ở TP.HCM hoàn thành sau 8 năm

Sau 8 năm bị đình trệ, cuối cùng người dân huyện Nhà Bè (TP.HCM) cũng được đi trên chiếc cầu Phước Lộc mới.

Sáng 7/1, ông Huỳnh Văn Kết thong thả tản bộ, vẫy tay chào những người hàng xóm khi đặt những bước chân đầu tiên lên cầu Phước Lộc mới. Họ đã khấp khởi nghĩ về một cây cầu mới khi những chiếc cần cẩu và tốp công nhân đào từng xúc đất đầu tiên. Không ai nghĩ cây cầu này phải mất tới 8 năm mới hoàn thành.

8 năm, cũng ngần ấy thời gian ông Kết chứng kiến xe đưa rước hàng trăm đám cưới, đám hỏi phải đi vòng vèo hết đường này đến đường khác để qua bờ bên kia, mặc dù khoảng cách chỉ chừng 100 m. Với chiếc cầu Phước Lộc cũ, việc một xe cấp cứu đi qua cũng là điều không thể.

Ngóng cầu sau 8 năm dang dở

Cầu Phước Lộc khởi công năm 2012, nhưng sau hơn 1 năm, dự án phải ngừng vì vướng giải phóng mặt bằng. Sau 7 năm dang dở, đến tháng 6/2020, toàn bộ diện tích xây cầu được huyện Nhà Bè bàn giao.

Cầu Phước Lộc do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) làm chủ đầu tư, có ít nhất 3 lần ngừng thi công vì chậm giải phóng mặt bằng. Cầu chỉ vừa khởi công trở lại và xúc tiến hoàn thành sau 5 tháng thi công cho đến nay.

Sau 8 năm trắc trở, niềm vui có cầu mới lan tỏa đến từng người dân hai bên bờ sông. Cuối cùng, cầu Phước Lộc mới đã đi vào hoạt động, thay thế cầu Phước Lộc hiện hữu nối đôi bờ 2 xã Phước Lộc, Phước Kiển của huyện Nhà Bè,TP.HCM.

 Cầu Phước Lộc được thông xe sau 8 năm thực hiện. Ảnh: Thư Trần.

Cầu Phước Lộc được thông xe sau 8 năm thực hiện. Ảnh: Thư Trần.

Chị Huỳnh Thị Dễ, ngụ trên đường Đào Sư Tích, huyện Nhà Bè, TP.HCM, nở nụ cười mãn nguyện khi lần đầu sải những bước chân đầu tiên trên cầu Phước Lộc mới. Từ hôm nay, người phụ nữ này không còn phải băng qua chiếc cầu cũ ọp ẹp để đi chợ hay vào nội thành đón con.

Khác với mọi ngày, chị Nguyễn Thị Xuyến (sống gần dạ cầu Phước Lộc) không còn sợ trễ giờ khi phải chen chúc qua cầu Phước Lộc cũ để đi làm. Chị Xuyến chuyển đến huyện Nhà Bè được hơn 1 năm cũng là lúc cầu Phước Lộc mới vừa vực dậy tiến độ sau hàng năm dài ngừng xây dựng.

"Cầu mới xây vừa đẹp vừa thoáng, người dân ở đây ai cũng phấn chấn tinh thần vì không còn đi chiếc cầu chật hẹp. Từ ngày cây cầu thành hình, xung quanh đây như hiện đại lên hẳn", chị Xuyến nói.

Ngày cầu Phước Lộc mới được thông xe cũng là lúc bà con huyện Nhà Bè tạm biệt cầu Phước Lộc cũ. Cây cầu vỏn vẹn dài 72 m, không có lề bộ hành và đã xuống cấp trầm trọng sau hàng chục năm sử dụng. Theo chủ đầu tư, cầu này sẽ được tháo dỡ sau khi cầu Phước Lộc mới hoạt động, nhằm tiết kiệm diện tích khu vực và tận dụng khơi thông đường thủy cho tàu thuyền dễ dàng qua lại.

Trong niềm vui đón cầu mới, chị Nguyễn Thị Bé Hai, người dân địa phương xúc động nhìn về cây cầu Phước Lộc cũ kỹ. Tải trọng cầu Phước Lộc cũ không quá 0,5 tấn, thế nhưng chiếc cầu chứa nhiều kỷ niệm của người phụ nữ này trong những ngày còn nhỏ.

"Ngày xưa, bạn bè đồng lứa tôi vẫn đạp xe đi qua nó hàng ngày để đi học. Kỷ niệm thì rất nhiều, tắm mưa tắm nắng, chạy qua chạy lại qua cầu để hẹn hò, ăn uống với bạn bè bên bờ xã Phước Lộc. Không có cây cầu này, chắc học sinh bọn tôi muốn gặp nhau phải cách trở lắm", chị Hai kể.

 Cầu Phước Lộc cũ. Ảnh: Duy Hiệu.

Cầu Phước Lộc cũ. Ảnh: Duy Hiệu.

Mở bung cửa ngõ phía Nam

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá việc hoàn thành cầu Phước Lộc đã góp phần hình thành các tuyến kết nối liên quận, huyện, từ các trục đường hướng tâm của TP như Lê Văn Lương, đặc biệt là trục bắc nam qua đường Đào Sư Tích, kết hợp cầu Cây Khô. Trong tương lai, dự án còn vươn xa khi kết nối đường Phạm Hùng, quận Bình Chánh, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi và an toàn hơn.

Ông Bình nhận định cầu Phước Lộc là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM. Cây cầu không chỉ mang ý nghĩa về giao thông đường bộ, mở ra nhiều tiềm năng kết nội hạ tầng cho cửa ngõ phía nam mà còn thúc đẩy giao thông vận tải đường thủy.

Tĩnh không thuyền của cầu Phước Lộc mới được nâng lên, giúp khai thông và nâng cao năng lực vận tải của một trong số các tuyến đường thủy quan trọng của TP là tuyến Rạch Ông Lớn 2, sông Phước Kiển, rạch Mương Chuối, phát huy thế mạnh giao thông vận tải đường thủy nội địa, góp phần chỉnh trang đô thị, giảm tải áp lực giao thông.

Để tiếp nối hiệu quả của công trình, ông Bình đề nghị Sở GTVT, Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND huyện Nhà Bè, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Đĩa, cầu Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương kết nối với tỉnh Long An nhằm sớm hoàn thiện giao thông khu vực cửa ngõ phía nam thành phố.

 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình phát biểu tại lễ thông xe cầu Phước Lộc. Ảnh: Hiền Đức.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình phát biểu tại lễ thông xe cầu Phước Lộc. Ảnh: Hiền Đức.

Để đạt được điều này, lãnh đạo TP cho rằng đã có rất nhiều người dân đã hy sinh lợi ích riêng trong quá trình triển khai dự án.

"Tôi trân trọng cảm ơn bà con vì đã thấu hiểu, chấp nhận di dời nơi ở cũ để bàn giao mặt bằng xây dựng cầu. Nhất là bà con xã Phước Lộc và Phước Kiển. Tôi cũng biểu dương lãnh đạo huyện Nhà Bè, cùng các đơn vị liên quan đã hỗ trợ chủ đầu tư vượt qua những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, góp phần để công trình hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân TP", ông Bình nói.

 Đoàn lãnh đạo TP và lãnh đạo sở, ban, ngành, huyện Nhà Bè thực hiện nghi thức cắt băng thông xe cầu Phước Lộc. Ảnh: Thư Trần.

Đoàn lãnh đạo TP và lãnh đạo sở, ban, ngành, huyện Nhà Bè thực hiện nghi thức cắt băng thông xe cầu Phước Lộc. Ảnh: Thư Trần.

Cách cầu Phước Lộc không xa, cầu Long Kiểng năm trên trục đường Lê Văn Lương - Nhà Bè, cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiểng, nối 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức, cũng được kỳ vọng hơn 20 năm qua.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, với quy mô dài 318 m, rộng 15 m, tổng vốn hơn 557 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, cầu Long Kiểng mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình giao thông, giúp Nhà Bè kết nối thông suốt với quận 7, trung tâm quận 1 và các khu vực lân cận.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết đặc thù của huyện là có nhiều kênh rạch, hệ thống cầu hiện nay chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn đi lại và hạn chế luân chuyển hàng hóa. Trong thời gian tới, ông Tùng nói các dự án giao thông trên địa bàn sẽ được huyện phối hợp đẩy nhanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

Cầu Phước Lộc mới dài 386 m, rộng gần 11 m, gồm 2 làn xe, khi hoàn thành sẽ thay cầu Phước Lộc cũ. Phần đường dẫn đầu cầu phía xã Phước Kiển dài 143 m, phía xã Phước Lộc dài 180 m. Tổng vốn đầu tư 405 tỷ đồng.

Cầu Phước Lộc cũ là cầu liên hợp dầm thép, dài 72 m, rộng 2,9 m, không có lề bộ hành và đã xuống cấp trầm trọng.

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cay-cau-lan-dan-o-tphcm-hoan-thanh-sau-8-nam-post1170830.html