Cây mai còi và năm tờ vé số

Lão Bảy vé số, qua buổi trưa còn lòng vòng quanh chợ hoa. Buổi sáng, lão đã chọn được một cây mai thế nhỏ xíu, bông nở rộ, giá có hai trăm ngàn. Mai này xong ba ngày Tết là cánh rụng gần hết, nhưng vừa túi tiền người nghèo như lão.

Ngày cuối năm. Những vẻ mặt lo lắng, tất bật, những nụ cười mãn nguyện, phấn chấn. Chợ hoa vẫn còn ngồn ngộn những chậu cúc vàng, mấy cây mai thưa thớt bông, lả tả. Giờ tới chiều ba mươi không bán hết, coi như bỏ, chủ vựa còn về lo nồi bánh tét, bàn thờ tổ tiên.

Lão Bảy vé số, qua buổi trưa còn lòng vòng quanh chợ hoa. Buổi sáng, lão đã chọn được một cây mai thế nhỏ xíu, bông nở rộ, giá có hai trăm ngàn. Mai này xong ba ngày Tết là cánh rụng gần hết, nhưng vừa túi tiền người nghèo như lão.

Lão còn lòng vòng ở đây là muốn chờ mai xuống sập giá sàn, để mua một cây nho nhỏ nữa, đem tặng bà Mười Hạ nhà dưới chân cầu Gò Chén. Mụ giá hiền lành đó, vừa nhận được túi quà Tết của Hội Phụ nữ xã, nhưng vẫn không có tiền để mua một cành mai chưng Tết. Lão Bảy vé số động lòng trắc ẩn, quyết định mua tặng người bạn già một cây mai. Chẳng gì bà Mười cũng tốt với lão, mỗi khi trời nắng đi bán vé qua nhà, bả đều kêu vô mời ly trà đá.

Thấy lão Mười đi quanh cây mai còi cả chục vòng, chủ vựa hối.

- Chú có mua tui bán rẻ cho, rồi còn về mà lo Tết!

Lão vẫn chắp tay sau đít, dòm cây mai. Lão không gấp, việc lo Tết ở nhà đã có bà vợ với con Út làm rồi. Từ từ lão bán hết tập vé này rồi về.

- Cây này bán nhiêu?

Cuối cùng “cóc đã mở miệng”.

- Thôi chú đưa tôi năm chục. Cây này tuy nhỏ nhưng thế nghinh phong rất đẹp. Thường tui bán hai trăm rưỡi đó!

Lão Bảy xòe tay đếm. Tập vé số còn đúng năm tấm, liền chìa ra cho chủ vựa.

- Tui đổi năm tấm vé này được hông? Chứ giờ này ế nhệ rồi!

Chủ vựa ném mẩu thuốc lá xuống kênh, đưa tay nhận mấy tấm vé. Ừ thì đổi! Nếu vô độc đắc nhớ kêu tui nha.

Bà Mười đang loay hoay soạn mấy thứ quà Tết. Gạo, mì gói, nước tương, bột ngọt, bánh kẹo lỉnh kỉnh. Đón cây mai nhỏ từ tay lão Bảy, bà lúng túng.

- Cám ơn anh Bảy nhen. Chúc anh năm mới phát tài!

- Xời ơi! Mai mới mùng một bà ơi! Chúc chi sớm vậy?

Bà Mười cười móm mém:

- Thì tui cứ chúc trước vậy! Mai mốt lỡ ông không ghé qua làm sao?

Bà Mười chưa tới sáu mươi, mà răng cỏ rụng đâu hết. Ngày xưa bà cũng có chút nhan sắc, giỏi việc ruộng vườn. Nhưng từ năm ông chồng già, bệnh liên miên rồi đi “bán muối”, bỏ lại cho bà đứa con gái tàng tàng, mát mát, thì đời bà xuống dốc không phanh. Bà quanh năm làm mướn, cũng chỉ đủ tiền cơm thuốc cho hai mẹ con.

Đứa con gái, lâu lâu lại lăn đùng giữa nhà, chân tay co giựt, miệng sùi bọt nhớt. Mười tám tuổi rồi mà bưng chén cơm ăn còn rớt bể. Nhà bà Mười thuộc diện nghèo “bền vững” của ấp, nên hay được nhận đồ cứu trợ. Lão Bảy một lần theo mấy ông trong họ đạo tới thăm mẹ con bả, nên mới biết hoàn cảnh. Từ đó họ quen nhau, lão đi bán vé số qua nhà, thường được mời nước.

Lão Bảy không biết chạy xe máy. Đi đâu lão cũng kẽo kẹt chiếc xe đạp cũ, nó kêu than dọc đường như thương lão chủ có cái chân tập tễnh từ năm lão là chiến sĩ tham gia chống giặc Pol Pot ở biên giới Tây Nam.

Hồi nằm điều trị ở bệnh xá tiền phương, khi có lệnh giải ngũ, lão mừng húm, vội vàng mang ba lô, đi bộ một lèo hai chục cây số ra cửa khẩu, đón xe đò về Tây Ninh, quên luôn cả việc lấy giấy tờ bệnh án. Nên tới giờ, dù mảnh đạn thù còn nằm trong bắp vế, lão vẫn chưa được công nhận là thương binh.

Thương vợ và hai đứa con vất vả ruộng nương, chăn nuôi đàn bò, lão chọn việc đi bán vé số. Có lẽ người ta thương lão tật nguyền, lại thích cái miệng dẻo đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, mà chịu mua vé ủng hộ.

Siêng năng, chịu cực mưa, nắng, mỗi ngày cũng bán được hơn hai trăm tấm vé. Đủ tiền chợ phụ vợ con. Có bữa lão nổi hứng, đạp xe từ Cẩm Giang qua cầu Bến Đình sang bán vé bên Bến Cầu. Trong tiệm Đắng có đôi vợ chồng già ngồi uống cà phê, thấy lão tập tễnh thì kêu tới, mua cặp vé rồi hỏi thăm:

- Chú có bộ đội hả?

- Dạ, cũng gần ba năm, bị thương rồi về.

- Cái xe đạp cùi bắp này mà đi dữ vậy? Thay xe khác đi!

Lão Bảy cười méo xẹo. Ăn còn không đủ, xe pháo gì.

Bà vợ có khuôn mặt chữ điền như đàn ông, tướng vâm váp, nhìn lão Bảy tỏ ý thương xót.

- Hay là vầy! Chú chịu cực tới nhà tụi tui chơi? Tui có món quà muốn tặng chú.

Thấy vẻ ái ngại, đề phòng của lão Bảy, ông chồng cười hiền.

- Đừng sợ! Vợ chồng tui cũng từng là bộ đội, không lừa chú đâu.

Hóa ra nhà họ cách tiệm cà phê chừng ba trăm mét. Bà vợ bảo chồng chặt dừa mời lão Bảy, còn mình vô nhà dắt ra một chiếc xe đạp màu trắng bạc, còn mới tinh.

- Xe này ông già nhà tui đòi mua về đạp xe buổi sáng, ai ngờ bị tai biến, bỏ cả năm nay. Chiếc xe hai triệu rưỡi trùm mền. Giờ tui tặng lại chú lấy chân đi làm. Bỏ chiếc xe cùi bắp đi!

Lão Bảy tưởng mình nằm mơ, ú ớ chỉ vào chiếc xe đạp cũ.

- Còn…còn…nó?

Bà vợ bấm điện thoại, lát sau một phụ nữ trung niên chạy xe máy tới.

- Xe nào đâu cô Năm?

- Đó! Mày coi được nhiêu mua giùm chú này.

- Thiệt cô Năm, xe này con mua kịch giá một trăm ngàn thôi.

- Được không chú?

Lão Bảy ngập ngừng gật đầu.

Từ bữa được tặng xe mới, lão Bảy mở rộng địa bàn bán vé số. Chiếc xe hiệu Martin tuy hơi cao nhưng đạp nhẹ tênh. Có lúc vui chân, lão đạp xe tuốt lên Châu Thành, sang cả Suối Đá. Nhớ tới ân nhân, một tuần, nửa tháng lão lại sang Bến Cầu thăm vợ chồng chị Năm, biếu họ mấy trái gấc chín đỏ hoặc túi chanh vườn nhà.

- Chú đừng đem cho nữa! Vợ chồng tui đều có lương hưu. Chú ráng làm phụ vợ con nhen.

Tất bật mấy ngày cuối năm, chuẩn bị cho cái Tết, nhưng người ta chẳng muốn dành thời gian vui chơi bao nhiêu. Ngày mùng một Tết, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, các tiệm cà phê, ăn sáng đông nghịt khách. Lão Bảy ngồi nhà, lo mâm cơm cúng ông bà xong là nhấp nhổm, sốt ruột.

Mấy người cùng nghề đã thấy bươn bả khắp nơi, tay cầm tập vé len lỏi từ công viên tới quán ăn, quán nhậu. Mà lạ thiệt, mấy bợm nhậu sao không chịu ngồi mâm cỗ Tết ở nhà, mà kéo nhau hết ra quán? Có lẽ vì tụ tập ở quán vui hơn, cho có không khí Tết. Nhậu sừng sừng vô là kêu vé số tới, cầu lộc đầu xuân.

Vì vậy mà vé số bị cháy hàng liên tục. Chiếc xe đạp của lão Bảy đã dựng ngoài sân từ sáng sớm, nhưng cứ nằm im đó. Lão Bảy nhờ thầy coi ngày, thấy mùng Hai mới được giờ xuất hành, nên bấm bụng chờ. Cho nên mới sớm mùng Hai, lão đã vội lau mặt sơ qua rồi tất tả đi lấy vé số. Vừa bước ra khỏi đại lý, lão đã bị chặn lại.

- Đài nào bữa nay xổ vậy?

- Dà! Đài Tiền Giang; đài Tây Ninh; Khánh Hòa… mua đi thím Hai.

Bà già lựa mười vé 32. Lại 32- con rắn. Rắn thì đi, quy (rùa) thì ở lại. Ngày ba mươi Tết đài Tiền Giang cũng về giải tám số 32. Lão dắt xe đạp quẹo vô hẻm có tiệm cà phê Đắng, hai chân bước nhịp chân sáo y như con nít. Ông thầy pháp coi hay thiệt, tuổi lão hạp ngày mùng Hai.

Tiếng chuyện trò ồn ào, tiếng cười nói rộn rã từ trong tiệm cà phê vọng ra.

- Tao mới đi chúc tết ông bà ngoại chiều mùng một. Bữa nay mới chạy về ông bà nội.

- Ha ha ha! Thằng này mê hàng ngoại…

- Hôm qua thằng Tuấn “đầu đất” nướng mười triệu vô chiếu bầu cua. Con vợ nó khóc như đám chết.

- Bà nội nó chớ, ngày xuân chơi vui thôi, cay cú là chết!

Hình như có cả ông chủ vựa cây bữa trước, ngồi lẫn trong đám đông. Ổng cũng bất ngờ nhìn thấy lão Bảy.

- Nè! Vé số! Vé số! Có đổi vé trúng hông?

Lão Bảy mừng rỡ bước vô.

- Chúc mừng năm mới! Phát tài phát lộc! Vé trúng đâu ông em?

- Năm vé 32 bữa ba mươi Tết, tui vẫn chờ chú để đổi nè.

Ồ! Có năm trăm ngàn, lão dư sức trả mà. Ông chủ vựa cây hên. Cây mai bán năm chục ngàn, giờ nở ra gấp mười lần.

- Cây mai còi bữa đó còn sống hông?

- Sống chớ!Tui dặn mụ Mười tưới nước hằng ngày mà.

- Chớ còn mụ Mười nào nữa cha?

- Bà giá ở chân cầu Gò Chén á! Mẹ con mụ nghèo quá, nên tui mua tặng.

Chủ vựa tròn mắt ngạc nhiên. Nhận năm trăm ngàn từ tay lão Bảy, rồi mua thêm mười tấm vé số, cất tờ hai trăm ngàn vô bóp, còn tờ kia đưa lão Bảy.

- Tui gửi ông hai trăm ngàn lì xì cho mẹ con bà Mười nhen.

- Ủa! Em cũng biết bả hả?

- Biết đâu! Thấy chú nói bả nghèo, tui công đức chút xíu.

Đám đông cà phê thấy chuyện lạ, nhao nhao hỏi mua vé số. Mỗi người mấy tấm, hết vèo xấp vé. Lão Bảy tính quay lại đại lý lấy thêm hai trăm vé nữa. Bữa nay đẹp ngày, chắc bán được. Sau đó tới chúc Tết, lì xì cho mẹ con bà Mười.

Căn nhà nhỏ lợp tôn lụp xụp đóng kín cửa, mẹ con bà Mười không có nhà. Trên chiếc bàn ván mốc xỉn ngoài hiên, cây mai còi đã được đưa vô chậu, nở lác đác vài bông vàng nhỏ xíu. Lão Bảy cảm thấy lòng vui vẻ, lâng lâng. Ít ra món quà của lão cũng có ý nghĩa với một thân phận nghèo khó. Bà hàng xóm kêu lão vô, mua một cặp vé số.

- Bà Mười đưa con gái vô bệnh viện! Đêm qua nó bị đau bụng. Chắc ăn nhiều bánh kẹo quá! Tội nghiệp con nhỏ! Tui đang hóng có ai đi ngang bệnh viện huyện, thì gởi cơm cho mẹ con bả.

Lão Bảy lật đật quay xe.

- Cơm đâu? Tiện đường đi bán vé, tui mang giùm.

Từ đây lên bệnh viện huyện gần mười cây số. Lão đạp xe chưa tới một giờ. Thiệt khổ hết biết. Lão đã khổ còn có người khổ hơn. Ngày mai lão sẽ bán vé số gần chùa, vô ông thầy trụ trì, xin bao gạo, đem về cho mụ Mười. Giờ mang hai trăm ngàn vô viện, cho mẹ con bả có tiền mà mua cơm.

P.P.Q

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cay-mai-co-i-va-nam-to-ve-so--a166545.html