Cây sâm nam ở Mường Giôn

Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, đã phối hợp với Công ty cổ phần dược Nam Sơn, thành phố Sơn La, tuyên truyền, vận động bà con các bản trồng thử nghiệm cây sâm nam (đẳng sâm). Qua 1 năm triển khai cho thấy, cây sâm nam phù hợp với điều kiện tự nhiên và triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế.

Cán bộ Công ty cổ phần dược Nam Sơn kiểm tra mô hình trồng cây sâm nam tại bản Giôn, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai.

Cán bộ Công ty cổ phần dược Nam Sơn kiểm tra mô hình trồng cây sâm nam tại bản Giôn, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai.

Là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây sâm nam ở bản Giôn, thời điểm này, gia đình anh Bạc Cầm Toán bắt đầu thu hoạch củ. Anh Toán cho biết: Gia đình tôi cùng một số hộ gia đình khác đã đăng ký tham gia mô hình, được Công ty cổ phần dược Nam Sơn, thành phố Sơn La, hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ, thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Cây sâm nam chỉ trồng 1 vụ/năm và được Công ty cổ phần dược Nam Sơn bao tiêu sản phẩm.

Mô hình trồng thí điểm cây sâm nam được thực hiện tại bản Giôn từ tháng 5/2023, hiện nay bắt đầu cho thu hoạch. Giá thu mua củ sâm nam giao động từ 70.000-120.000 đồng/kg củ tươi, tùy kích cỡ củ và thời điểm thu mua. Ông Tòng Văn Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, cho biết: Việc trồng thí điểm cây sâm nam, giúp mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của xã. Dự kiến năng suất khi đưa vào trồng đại trà đạt khoảng 1 tấn củ/ha. UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân một số bản có địa hình đất dốc phù hợp để mở rộng diện tích.

Thời điểm trồng cây sâm nam tốt nhất vào tháng 5-6, đây là thời điểm độ ẩm cao, cây dễ sinh trưởng và phát triển tốt. Đất trồng cây sâm nam cần bảo đảm độ tơi xốp, đủ sáng, độ cao vùng trồng cây trung bình 600-700m so với mực nước biển. Sâm nam thuộc họ hoa chuông, là loài thân thảo, sống nhiều năm, các hoạt chất có trong củ sâm nam dùng làm thuốc giúp cho hoạt động trao đổi chất của cơ thể tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch. Trong đông y, sâm nam được coi là “Nhân sâm của người nghèo”, vì có thể dùng thay thế nhân sâm với các bệnh thiếu máu, da vàng; dùng làm thuốc bổ dạ dày, chữa ho, tiêu đờm, lợi tiểu.

Ông Hoàng Xuân Tâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần dược Nam Sơn, cho biết: Giống cây sâm nam do Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty gieo trồng tại Trung tâm Lâm nghiệp Tây Bắc từ tháng 3/2023. Chúng tôi đang thu hoạch khảo nghiệm để nhân giống cho các vùng trồng khác ở trong tỉnh.

Bước đầu cho thấy, cây sâm nam trồng thí điểm tại bản Giôn đang sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại tín hiệu vui cho bà con nông dân. Huyện Quỳnh Nhai tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển loại cây dược liệu này, nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhân dân.

Bài, ảnh: Văn Thiệu (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/cay-sam-nam-o-muong-gion-ialw7asIg.html