Cha mẹ càng can thiệp, con càng dễ thất bại: Bài học đắt giá từ một giảng viên đại học
Sau hơn một thập kỷ đứng lớp, tôi nhận ra: không phải áp lực học tập hay bài vở, chính sự can thiệp quá mức của cha mẹ mới là thứ khiến nhiều đứa trẻ trở nên tự ti, rối loạn và mất phương hướng.
Tôi là Meg Thompson, cựu giảng viên đại học tại Oklahoma, đồng thời cũng là một người mẹ. Sau 13 năm giảng dạy và tiếp xúc với hàng nghìn sinh viên, tôi nhận ra: không ít bạn trẻ thất bại không phải vì thiếu năng lực, mà vì cha mẹ đã "giúp quá nhiều".
1. Đừng nói thay con, nhất là khi con đã vào đại học
Tôi thường xuyên nhận được email từ phụ huynh hỏi han thay con. Lúc đầu tôi thấy buồn cười, sau đó là lo lắng.
Bởi khi một sinh viên trưởng thành vẫn cần mẹ cha "giao tiếp hộ" với giảng viên, thì con đường trưởng thành của đứa trẻ ấy còn xa lắm.
Cha mẹ không thể đi học thay con, và càng không thể là người phát biểu thay con suốt đời.
Trường học, đặc biệt là đại học, không chỉ dạy kiến thức, mà còn dạy cách tự lập, chịu trách nhiệm với lựa chọn cá nhân.
Một đứa trẻ được "quản lý hộ" sẽ không bao giờ đủ bản lĩnh trước cuộc đời.

Cha mẹ không thể đi học thay con, và càng không thể là người phát biểu thay con suốt đời. Ảnh minh họa
2. Hãy để con phạm sai lầm, vì đó là cách học hiệu quả nhất
Tôi đã quá quen với những sinh viên nói: "Em không biết viết gì nên hỏi mẹ." Những em như thế thường thiếu tự tin, bị động và không có tư duy phản biện.
Điều khiến tôi đau lòng hơn là nhiều em mắc rối loạn lo âu, ADHD hoặc chứng khó đọc nhưng không hề biết rằng nhà trường có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ mà các em có thể tự tiếp cận nếu biết tự tìm hiểu.
Nếu cha mẹ cứ làm thay con từ sớm, con sẽ không học được cách tự xoay xở khi gặp khó khăn. Đừng sợ con vấp ngã. Vấp ngã là điều tốt, miễn là để con tự đứng dậy.
3. Đại học không phải là con đường duy nhất
Khi hỏi sinh viên vì sao lại học đại học, tôi thường nhận được câu trả lời: "Vì cha mẹ muốn em vào." Và đó là vấn đề.
Không phải đứa trẻ nào cũng hợp với đại học. Một số bạn trưởng thành hơn, hiểu bản thân hơn khi trải nghiệm vài năm làm việc, đi học nghề, hoặc tạm nghỉ để định hình lại mục tiêu.
Tôi từng nói thẳng với sinh viên: "Nếu em chưa sẵn sàng, hãy nghỉ. Khi em quay lại, tôi vẫn ở đây."
Là người làm giáo dục, tôi tin vào giá trị học thuật. Nhưng là một người mẹ, tôi càng tin rằng điều con cần nhất là động lực nội tại và lòng tự trọng, chứ không phải là tấm bằng "được ép" để hài lòng người lớn.

Nếu cha mẹ cứ làm thay con từ sớm, con sẽ không học được cách tự xoay xở khi gặp khó khăn. Ảnh minh họa
Cha mẹ càng can thiệp, con càng dễ thất bại
Cha mẹ nào cũng mong điều tốt cho con, nhưng lòng tốt sai cách đôi khi lại tạo ra những đứa trẻ mệt mỏi, phụ thuộc và đánh mất chính mình.
Đừng nói thay con. Đừng chọn đường cho con. Và cũng đừng biến kỳ vọng của mình thành gánh nặng con phải gồng gánh cả đời.
Hãy để con tự tìm thấy đường đi dù đường ấy có quanh co, gập ghềnh. Bởi chỉ khi đó, con mới học được cách đứng vững bằng chính đôi chân của mình.
Theo Insider