'Chấm điểm' cán bộ thuế, hỏi thẳng: Người dân có phải 'bôi trơn'?

Ngành thuế triển khai đo lường sự hài lòng của người nộp thuế. Một trong những tiêu chí khảo sát 'hỏi thẳng' người nộp thuế, có phải chi trả các khoản chi phí không chính thức hoặc ngoài quy định cho cơ quan, công chức thuế.

Từ tháng 7 này, cơ quan thuế thực hiện khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế đối với công chức và kết quả giải quyết công việc theo các nội dung, tiêu chí tại 4 mẫu, đánh giá về công tác hỗ trợ, quản lý; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuế; công tác kiểm tra thuế, và công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý phản ánh, kiến nghị.

Thang đo gồm 5 mức điểm tương ứng với mức độ hài lòng từ thấp đến cao, từ “rất không hài lòng” đến “rất hài lòng". Khảo sát đảm bảo bảo mật thông tin của người tham gia.

Để triển khai việc đo lường sự hài lòng của người nộp thuế, Cục Thuế cho biết đã chỉ đạo thuế tỉnh, thành phố phổ biến tới toàn thể lãnh đạo, công chức. Công chức thuế được yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, sẵn sàng tiếp nhận góp ý.

“Nghiêm cấm công chức thuế tác động, can thiệp vào quá trình khảo sát, làm sai lệch kết quả đánh giá”, Cục Thuế yêu cầu.

 Khảo sát thực hiện trên ứng dụng eTax Mobile và trang thông tin điện tử của Cục Thuế.

Khảo sát thực hiện trên ứng dụng eTax Mobile và trang thông tin điện tử của Cục Thuế.

Mẫu phiếu khảo sát là hệ thống các câu hỏi. Khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế đối với công tác hỗ trợ, quản lý thuế của cơ quan thuế đánh giá trên 8 tiêu chí. Người nộp thuế đánh giá toàn bộ, hoặc 1 trong các tiêu chí về cung cấp, phổ biến thông tin chính sách, tra cứu dễ dàng, thuận tiện, hay thái độ, tác phong của công chức thuế có lịch sự, tôn trọng người dân…

Khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế đối với việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại cơ quan thuế dựa trên 7 tiêu chí chính, đánh giá việc nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế có thuận tiện, dễ dàng; nộp hồ sơ theo hình thức điện tử có dễ thực hiện; yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ của cơ quan thuế có đúng quy định, phù hợp; thời gian, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…

Thái độ, tác phong, giao tiếp của công chức thuế khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ, và năng lực chuyên môn cũng sẽ được người nộp thuế đánh giá.

Ngành thuế còn khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với công tác kiểm tra thuế. Người nộp thuế được mời đánh giá theo 7 tiêu chí chính: thực hiện đúng quy định, yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu phù hợp, đúng quy định; giải trình, kiến nghị của người nộp thuế được tiếp nhận, xem xét công bằng, khách quan; cách thức công bố kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) có đúng quy định; hỗ trợ sau kiểm tra; thái độ, tác phong, năng lực chuyên môn công chức kiểm tra thuế…

Khảo sát sự hài lòng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý phản ánh, kiến nghị dựa trên 5 tiêu chí. Việc gửi thông tin khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đến cơ quan thuế có dễ dàng, thuận tiện; thời gian xử lý; kết quả giải quyết; thái độ, tác phong và năng lực chuyên môn của công chức thuế .

Ngoài đánh giá theo thang điểm, người nộp thuế có thể ghi ý kiến cụ thể về những nội dung “rất không hài lòng”, hoặc phản ánh tình trạng gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu của công chức thuế…

Dự kiến từ tháng 10, Cục Thuế sẽ thực hiện khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế. Tiêu chí đánh giá tập trung vào 3 nội dung chính: Công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách thuế, quản lý thuế; việc cung ứng dịch vụ công của cơ quan thuế; nhu cầu, mong đợi của người nộp thuế với cơ quan thuế. Các nội dung này chia làm 44 tiêu chí đánh giá.

Đặc biệt, tiêu chí 45 “hỏi thẳng” người nộp thuế, có phải chi trả các khoản chi phí không chính thức hoặc ngoài quy định cho cơ quan thuế, công chức thuế khi giải quyết công việc, hoặc thực hiện thủ tục hành chính.

Kết quả khảo sát sẽ được tổng hợp, xác định vấn đề tồn tại để cơ quan thuế thực hiện các biện pháp quản lý nội bộ, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công. Đây cũng là một trong những thông tin được sử dụng để xem xét trách nhiệm người đứng đầu, đánh giá, xếp loại hoạt động của cơ quan thuế, công thức thuế; đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công việc phù hợp với trình độ, thái độ, năng lực của công chức.

Ngày 1/7, bộ máy đơn vị hành chính 2 cấp đi vào hoạt động đã ghi dấu một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Để đáp ứng việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ngành Thuế đã sắp xếp lại 20 Chi cục Thuế khu vực thành 34 Thuế tỉnh, thành phố.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cham-diem-can-bo-thue-hoi-thang-nguoi-dan-co-phai-boi-tron-post1763256.tpo