Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thanh, thiếu niên

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe con người được tạo nên bởi 3 yếu tố thể chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến rối loạn sức khỏe tinh thần, nhất là trong thanh thiếu niên ngày càng gia tăng với nhiều biểu hiện đáng lo ngại như tự kỷ, trầm cảm, lo âu, thần kinh bị căng thẳng (stress)…

Đồng hành cùng trẻ trong quá trình học và sử dụng thiết bị điện tử giúp kiểm soát việc tiếp cận thông tin, tránh những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Ảnh Dương Hà

Đồng hành cùng trẻ trong quá trình học và sử dụng thiết bị điện tử giúp kiểm soát việc tiếp cận thông tin, tránh những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Ảnh Dương Hà

Mấy ngày nay, cậu con trai học lớp 5 của chị Nguyễn Thị Nga ở thành phố Vĩnh Yên được đến trường trở lại đã giúp không khí cả gia đình chị rộn rã hẳn lên, bản thân chị cũng cảm thấy đỡ lo hơn khi con được trở lại các hoạt động xã hội thông thường.

Sở dĩ vậy, bởi con chị Nga vốn bị tự kỷ từ nhỏ và phải học lớp can thiệp mấy năm mới có thể tái hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, hai năm gần đây vì dịch bệnh kéo dài, thời gian học online của con ở nhà nhiều hơn đến trường, trong khi vợ chồng chị vẫn phải đi làm cả ngày nên việc học tập và sinh hoạt của con chủ yếu là tự giác và nhờ vào sự trông nom của người giúp việc.

Cũng vì thế nên chị thấy con trai mình có nhiều dấu hiệu bệnh tự kỷ trở lại như lầm lì, không thích trò chuyện với bố mẹ, thích ở một mình. Nỗi ám ảnh đó làm chị Nga không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con. Chị Nga và chồng phải xin làm về sớm trong một thời gian để chăm sóc cho con trai, nhất là gần đây khi những thông tin tiêu cực về tình trạng thanh thiếu niên tự tử, trầm cảm ngày càng nhiều.

Những lo lắng của chị Nga đối với sức khỏe tinh thần của con trai cũng là điều dễ hiểu khi thời gian gần đây, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25% trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19 (theo một bản tóm tắt khoa học do WHO công bố ngày 2/3/2022), trong đó, thanh niên và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trên địa bàn tỉnh, do diễn biến phức tạp của dịch nên hai năm qua, các em học sinh phải nghỉ học nhiều và việc học online đã làm “đảo lộn” thói quen sinh hoạt cũng như tâm sinh lý của nhiều thanh thiếu niên.

Thay vì được tương tác, giao lưu và trải nghiệm các hoạt động xã hội, các em thường xuyên phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Một số gia đình, bố mẹ vẫn phải đi làm và việc học online hoàn toàn do con tự chủ thì ngoài thời gian học rất khó có thể kiểm soát việc trẻ tiếp xúc với đa dạng thông tin trong lúc giải lao.

Những nội dung tiêu cực như các video, hình ảnh kích động tự tử và hành vi tự làm hại mình hay nhiều nội dung sai lệch khác không phù hợp với lứa tuổi sẽ ảnh hưởng đến hành vi, tâm sinh lý của các em và gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề rối loạn tâm thần đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Trên địa bàn tỉnh, tuy chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng thanh thiếu niên tự tử nhưng thực tế số lượng người trẻ tìm đến cái chết và gặp những vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Hải, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh chia sẻ: “Trong hai năm gần đây, số lượng bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần tới thăm khám, tư vấn trực tiếp tại bệnh viện và qua tư vấn online tăng lên đáng kể, trong đó, thanh thiếu niên và người trẻ chiếm số lượng lớn.

Qua thăm khám và tư vấn, các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp có ý định tự tử. Nguyên nhân chủ yếu là do hậu Covid và các tác động kinh tế - xã hội khác. Những trường hợp do nguyên nhân hậu Covid thường chủ yếu gặp các rối loạn về ý thức hệ, trầm cảm, stress. Đối với thanh thiếu niên thì nguyên nhân chủ yếu gặp các rối loạn sức khỏe tâm thần là do mạng xã hội và áp lực học tập”.

Cũng theo các bác sĩ tại bệnh viện thì lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ trẻ em đang tuổi ăn tuổi lớn chỉ có ăn và chơi chứ không có nhiều áp lực. Tuy nhiên, trên thực tế thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề gây cho các em áp lực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe về thể chất và tinh thần của các em, đặc biệt là sự phát triển tâm lý, tinh thần khi ở lứa tuổi của các em rất dễ bị tác động, nhất là những yếu tố tiêu cực.

Bởi vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội cho thanh thiếu niên có vai trò quan trọng nhằm “thăm khám” và xử trí kịp thời các vấn đề phát sinh và hạn chế những tiêu cực hoặc hệ quả đáng tiếc xảy ra.

Thái Quỳnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75936/cham-soc-suc-khoe-tinh-than-cho-thanh-thieu-nien.html