Chấn chỉnh việc đăng tải nội dung độc hại trên môi trường số: Bước đi cần thiết của EU

Lần đầu tiên trong lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra khung quy định chung về truyền phát nội dung đối với các nền tảng trực tuyến liên quan tới phát ngôn thù địch và các nội dung có hại. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh hàng loạt các quan ngại về bảo mật, cũng như bê bối liên quan tới nội dung truyền tải trên các mạng xã hội đang gây nhức nhối tại các nước thành viên EU.

Khung quy định mới sửa đổi vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố đã mở rộng các tiêu chuẩn của EU về nội dung bất hợp pháp và có hại trên các nền tảng chia sẻ video như Facebook, YouTube, Twitter và nhiều mạng xã hội khác. Điều này đồng nghĩa rằng những đơn vị truyền thông trực tuyến trên các nền tảng số cũng phải chấp hành các quy định tương tự như những hãng truyền thông truyền thống, qua đó giúp người dùng tránh phải tiếp xúc với các phát ngôn thù hận, cũng như bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại.

Các dịch vụ truyền phát trực tuyến ngày càng phát triển, nhưng cũng mang đến nhiều nguy cơ về nội dung độc hại.

Theo quy định mới, các nền tảng truyền thông trực tuyến sẽ phải có biện pháp ngăn chặn những nội dung bị gắn cảnh báo, kích động bạo lực, thù hận, khủng bố, đồng thời bảo đảm quảng cáo hợp lý và chọn lọc sản phẩm ở các chương trình dành cho thiếu nhi.

Động thái của châu Âu diễn ra vào thời điểm làn sóng kích động nhắm vào các vấn đề sắc tộc, người nhập cư kéo theo các nguy cơ về bạo động, khủng bố đang trở thành vấn nạn của môi trường mạng. Nhà chức trách nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng về mức độ nguy hiểm của các nội dung độc hại liên quan đến cổ xúy bạo lực, giết người, tự sát… xuất hiện tự do trên các nền tảng trực tuyến thời gian qua.

Mặc dù một số nước thành viên châu Âu đã có những quy định riêng để kiểm soát tình hình, nhưng thường không đủ hiệu quả để áp chế các công ty đa quốc gia. Điển hình là việc Tòa án Tối cao EU ra phán quyết cho phép các tòa án trong EU có thể yêu cầu Facebook phải loại bỏ những nội dung bất hợp pháp hay các phát ngôn thù hận, nhưng những quy định của các nước vấp phải sự phản đối của mạng xã hội này với lập luận một quốc gia không có quyền áp đặt quyền tự do ngôn luận đối với một quốc gia khác.

Trong khi đó, những thông tin sai lệch lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội đã để lại nhiều hậu quả tai hại. Đơn cử như thời gian gần đây, những lời khuyên như: Uống chất tẩy có thể ngăn chặn được vi rút SARS-CoV-2, hay một video trên YouTube được cho đã quay ở Vũ Hán (Trung Quốc) có hình ảnh một phụ nữ mặc đồ bảo hộ y tế khẳng định vi rút SARS-CoV-2 có biến thể và có thể lây nhiễm cùng lúc 14 người đã xuất hiện tràn lan tại châu Âu… Điều này gây hoang mang rất lớn cho người dân và ảnh hưởng đến các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, vì theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca lây nhiễm từ một người mang vi rút chỉ là 1,4 đến 2,5.

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), tin giả có tỷ lệ được đăng lại cao hơn 70% so với các nội dung thật, trong khi các thông tin chính xác được chia sẻ chậm hơn 6 lần so với nội dung giả mạo. Riêng trong năm 2019, các chuyên gia an ninh ước tính, các chiến dịch tung tin giả đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không chỉ làm tổn hại lợi ích của các cá nhân, tổ chức mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và trật tự quốc tế.

Phó Chủ tịch chuyên trách số hóa của EC Margrethe Vestager cho rằng, các quy định mới hứa hẹn trở thành công cụ pháp lý hỗ trợ việc kiểm soát các nội dung độc hại, giả mạo, đồng thời tạo cơ hội công bằng hơn để các doanh nghiệp truyền thông châu Âu sản xuất và quảng bá các nội dung có chất lượng, bảo đảm khán giả có thể thưởng thức sự đa dạng về văn hóa và có nhiều lựa chọn dịch vụ, sản phẩm có ích.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/971840/chan-chinh-viec-dang-tai-noi-dung-doc-hai-tren-moi-truong-so%C2%A0buoc-di-can-thiet-cua-eu