Chặn 'cơn lốc' tín dụng đen

Vào Quảng Trị hoạt động cho vay tiền lãi suất cao, chỉ vài tháng sau, Nguyễn T.L. (sinh năm 1991), trú tại Thanh Trì, Hà Nội đã trở thành chủ nợ của nhiều người trên địa bàn huyện Cam Lộ. Phát hiện và tiến hành đấu tranh, lật tẩy thủ đoạn tinh vi của đối tượng, Công an huyện Cam Lộ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L. về tội 'Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự'. Đây cũng là vụ án đầu tiên về loại tội phạm này bị khởi tố điều tra, truy tố ra xét xử trước tòa trên địa bàn tỉnh, thể hiện quyết tâm của các lực lượng chức năng trong ngăn chặn hoạt động tín dụng đen đang len lỏi khắp từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn Quảng Trị.

 Công an Quảng Trị khám xét nơi ở của một đối tượng cho vay nặng lãi. Ảnh: BH

Công an Quảng Trị khám xét nơi ở của một đối tượng cho vay nặng lãi. Ảnh: BH

Những hợp đồng trá hình

Trên cơ sở điều tra, đã xác định được, từ giữa tháng 10/2018, L. từ Hà Nội vào thuê nhà nghỉ tại TP. Đông Hà để thực hiện hành vi cho người khác vay tiền với lãi cao. Không chỉ nhắm đến địa bàn trung tâm tỉnh lị, L. còn chuyển hướng lên huyện Cam Lộ tìm kiếm nguồn “khách hàng”. Bằng phương thức đơn giản in tờ rơi nội dung “Hỗ trợ người tiêu dùng” rồi đem dán trụ điện, rải ở khu vực đông dân cư kèm số điện thoại, trong lúc cần tiền lo việc gấp mà không xoay mượn được ai, nhiều người liền níu lấy “ngân hàng trụ điện” của L. với thủ tục nhanh chóng. L. trực tiếp gặp những người này nhưng dùng tên giả để trao đổi, giao dịch. Với thủ tục đơn giản, các khách hàng chỉ cần giao một số giấy tờ đảm bảo CNMD, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, bằng lái xe hoặc các loại giấy tờ khác (bản gốc hoặc phô tô). Cũng để che đậy hoạt động phi pháp, L. yêu cầu người vay viết và kí vào giấy vay tiền hoặc hợp đồng mua bán ĐTDĐ trả góp theo mẫu đã chuẩn bị sẵn. L. cho người vay với 2 hình thức trả góp cả gốc và lãi hằng ngày hoặc trả lãi hằng ngày không trả tiền gốc. Sau khi cho vay, mỗi ngày L. sẽ trực tiếp đến nhà hoặc điện thoại đến điểm hẹn để thu tiền. Địa điểm từ nơi trọ đến thị trấn Cam Lộ cũng chỉ 10 km nhưng L. tính thêm khoản phí xăng xe cao ngất khiến lãi vay đến mức “khủng”, từ 146% đến 365%/năm, tương đương cao gấp 7,3 lần đến 18,25 lần mức lãi suất cao nhất khi cho vay (20%/năm).

Biết lãi suất mức “cắt cổ” tuy nhiên nhiều người vẫn chấp nhận thỏa thuận, để rồi sau đó rơi vào vòng luẩn quẩn vay trả chồng chất. Trên cơ sở điều tra xác định được, ngày 27/3/2019, chị T.N. (32 tuổi), ở thị trấn Cam Lộ vay L. số tiền 30 triệu đồng, thỏa thuận trả 30 ngày, mỗi ngày 1 triệu. Khi đưa tiền, L. thu trước gồm tiền lãi 6,7 triệu đồng, kèm tiền phí xăng xe 700 ngàn đồng, tương đương mức lãi suất 270,1%/năm (0,74%/ngày), Trong khi đó, tiền lãi hợp pháp theo quy định cho khoản vay trên trong 30 ngày chỉ gần 500 ngàn đồng. 17 ngày sau, chị T.N. vay đáo hạn lần 2 với số tiền 10 triệu đồng, trả trong 30 ngày. Lần này, L. tính lãi 281,05%/năm, thu thêm 300 ngàn đồng tiền phí xăng xe. Gặp cảnh khó khăn, chị L.T.H. (42 tuổi), cùng trú tại thị trấn Cam Lộ cũng vay L. 30 triệu đồng vào cuối tháng 3/2019, thỏa thuận trả trong 30 ngày. L. thu trước tiền lời gồm lãi 6 triệu đồng và 1 triệu đồng phí tiền xăng xe, tương đương lãi suất 284,7%/năm. Đúng 17 ngày sau, chị H. vay đáo hạn lần 2 với số tiền 30 triệu đồng, mức lãi như lần trước.

Còn chị L.T.M. (41 tuổi), trú tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ vay số tiền 10 triệu đồng, thỏa thuận trả trong 30 ngày. Lúc nhận tiền, chị T.M. chỉ nhận được 7,5 triệu đồng do L. thu trước tiền lời gồm tiền lãi 2 triệu đồng và 500 ngàn đồng phí xăng xe, tương đương lãi suất lên đến 302,95%/năm. 12 ngày sau, chị M. đáo hạn lần 2 vay thêm 30 triệu đồng, L. thu trước tiền lời 7 triệu đồng gồm 1 triệu đồng phí xăng xe và 6 triệu đồng tiền lãi, tương đương mức lãi suất 284,7%/năm... Tuy cho vay với lãi suất rất cao nhưng số người có nhu cầu vay tìm đến L. ngày một đông.

Chặn cơn lốc tín dụng đen

Trong tháng 3 và tháng 4/2019, L. đã cho 14 trường hợp cư trú tại địa bàn huyện Cam Lộ vay với 22 giao dịch. Tổng số tiền vay là 483 triệu đồng, thu lợi bất chính gần 70 triệu đồng. Tính đến thời điểm Công an huyện Cam Lộ triệt xóa hoạt động phạm pháp của L. thì nhiều “khách hàng” vẫn đang gồng mình trả góp, còn nợ tiền gốc. Nhiều người cũng rơi vào cảnh nợ trước dồn vay sau, đắng cay đắng chìm trong nợ nần. “Khách hàng” lâm vào cảnh bi đát, còn ông chủ “ngân hàng trụ điện” thì hình phạt đích đáng nào chờ đợi?

TAND huyện Cam Lộ đã đưa vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” ra xét xử. Trước HĐXX, L. thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình với thái độ thành khẩn, ăn năn. Áp dụng các quy định của pháp luật, Tòa đã tuyên L. 15 tháng cải tạo không giam giữ; phạt bổ sung 35 triệu đồng. Giao bị cáo L. cho chính quyền nơi cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Về biện pháp tư pháp, Tòa áp dụng Bộ Luật Tố tụng Hình sự, buộc L. nộp ngân sách nhà nước hơn 370 triệu đồng và trả lại số tiền thu lợi bất chính. Ngoài ra, Tòa còn tuyên buộc 9 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp ngân sách nhà nước, đây là các “khách hàng” còn nợ L. tiền gốc. Bản án thấu tình đạt lí, không có kháng cáo, kháng nghị. Người dân cũng đồng tình cao với kết quả xét xử này.

Được biết, sau phiên tòa đầu tiên xét xử về tội danh trên tại huyện Cam Lộ, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã khởi tố 1 vụ án/1 bị can. Theo Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh, tín dụng đen xuất hiện tại 9/10 huyện, thị, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ), rải khắp từ đồng bằng lên miền núi, từ đô thị về nông thôn và Công an các địa bàn đã tiến hành xử phạt hành chính nhiều trường hợp. Thực trạng này còn cho thấy bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt triệt xóa hoạt động tín dụng đen còn cần những biện pháp, giải pháp khác như tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, tạo việc làm ổn định...

B.Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=145518