Chặng đường 20 năm đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ của Học viện Biên phòng

Năm 2000, Học viện Biên phòng (HVBP) đã có bước ngoặt mới quan trọng trong chặng đường đào tạo, khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cao học theo Quyết định số 1973/QĐ-BGDĐT ngày 17-5-2000, gồm 3 chuyên ngành: Quản lý biên giới, Quản lý cửa khẩu và Trinh sát biên phòng. Sau gần 10 năm đào tạo cao học, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, năm 2009, HVBP được giao trọng trách đào tạo trình độ Tiến sĩ theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 1-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 8895/QĐ-BGDĐT ngày 21-12-2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

HVBP tổ chức lễ tốt nghiệp đào tạo Tiến sĩ Quân sự khóa I, chuyên ngành quản lý biên giới và cửa khẩu. Ảnh: Triệu Quang

HVBP tổ chức lễ tốt nghiệp đào tạo Tiến sĩ Quân sự khóa I, chuyên ngành quản lý biên giới và cửa khẩu. Ảnh: Triệu Quang

Khái quát về chặng đường 20 năm HVBP đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc HVBP chia sẻ, khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao trọng trách, Đảng ủy, Ban Giám đốc HVBP đã nhanh chóng thực hiện các bước, đưa công tác đào tạo sau đại học đạt hiệu quả cao với những chuyên ngành sát với thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Kết quả, giai đoạn 2000 - 2020, HVBP tổ chức đào tạo 20 khóa cao học với 512 học viên; trong đó, đào tạo 4 khóa cao học cho Quân đội nhân dân Lào; 1 khóa cho Quân đội Hoàng gia Campuchia và tạo nguồn cho 11 khóa, 73 học viên nghiên cứu sinh. Công tác tạo nguồn sau đại học được HVBP chủ động tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng, nhất là về kiến thức ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong quá trình đào tạo cao học, HVBP đã có những bước chuẩn bị cơ bản về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho việc đào tạo Tiến sĩ, nên khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ, HVBP đã chủ động về mọi mặt, thực hiện công tác xét tuyển nghiên cứu sinh chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP đề ra. Công tác xét tuyển nghiên cứu sinh luôn được HVBP đổi mới nhằm nâng cao chất lượng xét tuyển đầu vào. Từ năm 2010 đến 2020, có 42 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

“Sau 20 năm đào tạo sau đại học, HVBP đã có 101 giảng viên có trình độ Tiến sĩ; trong đó, 21 đồng chí có học hàm Phó Giáo sư, 1 đồng chí có học hàm Giáo sư, đáp ứng yêu cầu hướng dẫn nghiên cứu sinh” - Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc, Phó Giám đốc HVBP cho biết, Đảng ủy, Ban Giám đốc HVBP đã quán triệt, bám sát sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự chỉ đạo của Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP để cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, chặt chẽ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Nhà trường kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo, hoàn chỉnh các quy chế, quy định về tổ chức đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức thực hiện luận văn, luận án.

HVBP còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm tốt công tác bồi dưỡng tạo nguồn tuyển sinh sau đại học; tổ chức tuyển sinh cao học nghiêm túc, đúng quy chế, từng bước nâng cao chất lượng đầu vào các khóa cao học và xét tuyển nghiên cứu sinh. Đồng thời, tích cực xây dựng, hoàn thiện chương trình khung, đề cương chi tiết các môn học, đảm bảo cập nhật, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo và bám sát tình hình thực tiễn chiến đấu, công tác của BĐBP trên các tuyến biên giới, vùng biển.

"Việc tự đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong xây dựng đội ngũ cán bộ BĐBP có chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về công tác biên phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Kết quả đào tạo sau đại học đã khẳng định vị thế, cũng như sự phát triển về mọi mặt của HVBP. Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu khoa học, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác biên phòng; cung cấp cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng đề ra các chủ trương, đối sách bảo vệ biên giới quốc gia, cũng như chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị vận dụng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia...” - Đại tá Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, trong thời gian tới, HVBP tiếp tục nghiên cứu đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo sau đại học theo hướng tăng kiến thức thực tiễn và kiến thức chỉ huy tham mưu cho các chuyên ngành. Chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về những vấn đề lý luận, thực tiễn mới đã và đang đặt ra trên các tuyến biên giới, vùng biển. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo sau đại học.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chang-duong-20-nam-dao-tao-thac-si-tien-si-cua-hoc-vien-bien-phong-post435069.html