Chàng trai khiếm thị không đầu hàng số phận

Chàng trai có dáng người mảnh khảnh, nước da ngăm đen, khuôn mặt hiền hậu, với nụ cười thân thiện, đó là Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Đakrông. Vượt lên số phận, chàng trai khiếm thị ấy đã trở thành một tấm gương nỗ lực, không đầu hàng số phận.

 Trại chăn nuôi lợn

Trại chăn nuôi lợn

Chúng tôi đến thăm Hội Người mù Đakrông trong một ngày cuối tháng 6/2019. Dưới cái nắng gay gắt và gió Tây Nam thổi mạnh, một thanh niên khiếm thị đang mò mẫm hong nắng cho từng bó hương trầm tự tay anh vừa làm xong. Đó là công việc mà chàng thanh niên khiếm thị Trần Tuấn Anh làm để kiếm thêm thu nhập từ thời gian rảnh rỗi ngoài công tác hội. Nghe có tiếng bước chân, Tuấn Anh dừng lại chào khách và nở nụ cười hiền hậu. Sau vài phút làm quen, Tuấn Anh chia sẻ về những tháng ngày gian khổ đã qua và những dự định sắp tới. Bị mù bẩm sinh từ nhỏ do di truyền từ bà ngoại và mẹ, cuộc sống của Tuấn Anh gặp rất nhiều khó khăn và gian truân. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã có trong tay tấm bằng cử nhân ngành công tác xã hội sau nhiều năm miệt mài đèn sách. Tuấn Anh cởi mở: “Cuộc sống phía trước dẫu còn nhiều chông gai, nhưng tôi tin mình sẽ vượt qua tất cả”.

Sinh năm 1984 tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, từ nhỏ cậu bé khiếm thị Tuấn Anh rất muốn được đi học nhưng không thể. Năm 15 tuổi, anh được vào học hòa nhập tại Hội Người mù tỉnh. Khao khát được sống và cống hiến như một người bình thường càng lúc càng cháy bỏng trong anh. Phải làm gì đó để thay đổi số phận, quyết tâm ấy nhân lên từng ngày trong lòng cậu bé khiếm thị. Vì vậy Tuấn Anh đã rất nỗ lực và học rất giỏi. Năm 2009, Tuấn Anh trở thành chàng trai khiếm thị đầu tiên ở Quảng Trị thi đậu đại học ngành Công tác xã hội, Đại học Khoa học Huế. 4 năm vừa học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, năm 2014, Tuấn Anh được về công tác tại Hội Người mù huyện Đakrông và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội. Thấu hiểu nỗi bất hạnh mà mình đã trải qua, anh dành nhiều thời gian để động viên, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như cho mượn vốn, truyền kinh nghiệm làm nghề truyền thống, tạo niềm tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Bởi vậy, mỗi lúc anh đến nhà hội viên, ai cũng quý mến và dành cho anh những tình cảm thân tình. Năng nổ, nhiệt tình và làm việc hiệu quả là những nhận xét mà mọi người dành cho anh. Anh Hồ Văn Năm, ở khóm A Rồng, thị trấn Krông Klang chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm. Cả gia đình 6 miệng ăn mà chỉ chờ vào đồng tiền làm thuê, làm mướn của tôi. Năm 2016, tôi được Hội Người mù huyện tạo điều kiện cho vay 6 triệu đồng, đặc biệt là ông Phó Chủ tịch Hội Trần Tuấn Anh luôn động viên và bày vẽ tôi cách làm kinh tế. Tôi đã làm theo hướng dẫn là khai hoang đất trồng sắn và trồng rừng, nuôi thêm lợn bản. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả rất nhiều. Không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều gia đình hội viên người mù khác đều rất yêu mến ông Tuấn Anh”.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Tuấn Anh bộc bạch: “Trong những người khuyết tật, người mù có cuộc sống khó khăn và thiệt thòi nhất. Tôi sẽ cùng với ban lãnh đạo hội tìm ra các giải pháp để các hội viên của mình có việc làm phù hợp, không còn là gánh nặng cho xã hội, gia đình, vừa tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập cho cá nhân và gia đình hội viên. Bên cạnh đó, trong quá trình lao động phục hồi một số chức năng cơ bản như định hướng đi lại, tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày giúp người mù quên đi mặc cảm tự ti, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho người mù hòa nhập cộng đồng”.

Lâm Phương- Văn Tiến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140432