Chắp cánh khởi nghiệp cho học sinh

Không chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà còn vì cộng đồng, sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm với môi trường sống, các ý tưởng khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường tại tỉnh Đắk Lắk đã chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Đưa lý thuyết vào thực tiễn

Học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (thành phố Buôn Ma Thuột) thành lập Dự án “Quy trình tạo dung dịch bảo quản trái cây tươi từ củ cây sâm đất và vitamin C”.

Học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (thành phố Buôn Ma Thuột) thành lập Dự án “Quy trình tạo dung dịch bảo quản trái cây tươi từ củ cây sâm đất và vitamin C”.

Xuất phát từ thực tế trái cây mùa nóng nhanh hỏng, thời gian bảo quản ngắn, nhất là chuối và xoài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của tiểu thương, hai em Nguyễn Xuân Nhi và Nguyễn Phan Bảo Ngân, lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Phan Bội Châu (thành phố Buôn Ma Thuột) đã tìm hiểu và thành lập Dự án “Quy trình tạo dung dịch bảo quản trái cây tươi từ củ cây sâm đất và vitamin C”.

Em Nguyễn Xuân Nhi chia sẻ, qua tìm hiểu, em nhận thấy nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến bảo quản trái cây có chất pectin. Pectin có trong các loại củ có chất nhờn, trong đó có cây sâm đất đang được trồng khá phổ biến tại quê em (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) nên em đã đề xuất với cô giáo bộ môn về dự án này.

Em Nguyễn Phan Bảo Ngân cho biết, tháng 6/2023, hai em bắt đầu thực hiện dưới sự trợ giúp của giáo viên hướng dẫn và người nhà để hoàn thiện quy trình: xay nhỏ củ sâm đất tươi để ngâm với chanh; sau đó lọc lấy nước cốt và cô đặc, tạo kết tủa bằng cồn; sấy sản phẩm kết tủa để thu bột pectin… Khi có bột pectin thì pha với nước thành dung dịch và thử nghiệm bảo quản trên quả chuối. Sản phẩm làm ra có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người dùng, dễ sử dụng, chi phí phù hợp.

Với mục đích kêu gọi mọi người cùng bảo vệ môi trường, các em học sinh trường Trung học Phổ thông Thực hành Cao Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột) đã thành công nghiên cứu là tạo ra Dự án “Bộ kit trồng cây từ giá thể bã cà phê”.

Em Huỳnh Bảo Hân, lớp 12A1 cho biết, trong lần đi uống cà phê, chứng kiến bã cà phê phin sau khi pha bị đổ đi thành rác rất lãng phí. Trong khi đó, Đắk Lắk là địa phương có cây cà phê dồi dào. Vận dụng kiến thức đã học cùng sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường, em cùng các bạn học sinh đã nghiên cứu thành công sản phẩm. Bã cà phê là nguyên liệu chính. Từ đó, các em sẽ trộn những chất cần thiết giúp bã cà phê phân hủy dễ dàng để tạo thành giá thể có thể hỗ trợ cho cây sinh trưởng, giúp phát triển bộ rễ để cây dễ dàng hấp thụ dưỡng chất.

Với mong muốn lan tỏa và quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc Tây Nguyên ra khắp vùng miền, nhóm học sinh lớp 10 đến từ Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đông Du (thành phố Buôn Ma Thuột) đã sáng kiến Dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên - Muối Amrêč”. Sản phẩm được tạo nên từ những nguyên liệu sẵn có ở vùng đất đỏ bazan huyền thoại là ớt sim xanh.

Theo em Phạm Anh Thư, học sinh 10A1 chia sẻ, trong một lần được thưởng thức muối chấm đặc sắc văn hóa của người Tây Nguyên. Nhận thấy, trên thị trường hiện nay chưa có sản phẩm tương tự nên em cùng các bạn đã đi khảo sát tại các bản làng của người Ê đê, các quán ăn ẩm thực Tây Nguyên. Từ đó, nhận thấy công thức gốc khá cay so với khẩu vị của người ăn. Với thành phần chính trong sản phẩm là muối Amrêč (ớt sim xanh), nhóm đã tinh chỉnh công thức phù hợp, giảm độ cay, mặn, thêm vào các loại rau, lá đặc trưng của người Tây Nguyên để mang đậm bản sắc, phù hợp khẩu vị người tiêu dùng.

“Chúng em mong muốn lan tỏa bản sắc văn hóa ẩm thực của người Tây nguyên đến mọi miền đất nước và cho mọi người biết học sinh hiện nay không chỉ biết học mà còn có nhiều sáng kiến, sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo”, em Phạm Anh Thư chia sẻ.

Thầy Phan Vũ Nguyên, giáo viên Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đông Du – người hướng dẫn dự án chia sẻ, để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, thầy và các học sinh đã cùng nhau thay đổi tỷ lệ công thức, đưa ra thử nghiệm, đánh giá, để khảo sát tính khả thi. Từ đó, đưa ra công thức chung nhất cho người tiêu dùng.

“Dự án được các em ấp ủ khá lâu với ý tưởng của các em là chuẩn hóa công thức và đưa ra hương vị phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vì muối truyền thống chỉ sử dụng trong ngày, các em hướng đến sản phẩm có thời gian bảo quản lâu (sử dụng 1 năm). Quá trình nghiên cứu các em thể hiện sự tích cực tìm tòi, học hỏi và tâm huyết trong dự án để đưa ra sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tích cực”, thầy Phan Vũ Nguyên chia sẻ.

“Chắp cánh” ước mơ khởi nghiệp

Nhóm học sinh lớp 10 đến từ THCS & THPT Đông Du (thành phố Buôn Ma Thuột) nghiên cứu thành công Dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên - Muối Amrêč”.

Nhóm học sinh lớp 10 đến từ THCS & THPT Đông Du (thành phố Buôn Ma Thuột) nghiên cứu thành công Dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên - Muối Amrêč”.

Từ tháng 6/2023 đến nay, sản phẩm muối đồng bào vùng Tây Nguyên của nhóm học sinh Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đông Du được phát hành. Để sản phẩm có mặt trên thị trường rộng rãi và tiếp cận với người tiêu dùng nhanh nhất, các em đã quảng bá cho phụ huynh, học sinh, giáo viên trong trường; phân phối đến các gian hàng ẩm thực địa phương, cửa hàng lưu niệm trong thành phố, trong tỉnh và cả trên các nền tảng mạng xã hội. Đến nay, sản phẩm muối được bán trên 1.500 sản phẩm cho các đối tác và gian hàng trên địa bàn tỉnh.

Em Phạm Anh Thư, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đông Du chia sẻ, từ khi sản phẩm ra mắt trên thị trường đến nay đã được 2 năm và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng là độ mặn, cay phù hợp. Nhóm em đã phát triển và cho ra thêm 2 loại sản phẩm là cay ít, cay nhiều nhằm đáp ứng hơn nữa khẩu vị người tiêu dùng. Trong tương lai nhóm sẽ tiếp tục duy trì và phát triển dự án nhằm lan tỏa và giới thiệu sản phẩm rộng khắp.

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu sản phẩm, các em học sinh Trường Trung học Phổ thông Thực hành Cao Nguyên đã quyết tâm đưa sản phẩm bộ kit trồng cây từ giá thể bã cà phê ra thị trường qua các hình thức bán hàng online trên các trang mạng xã hội, xây dựng trang web cho sản phẩm…

“Thời đại 4.0, bọn em muốn bắt kịp xu thế nên thành lập website với 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, Anh, Trung và Pháp với mong muốn tiếp cận nhiều khách hàng trên thế giới. Bên cạnh đó, nhóm còn đưa sản phẩm ra thị trường qua các hình thức bán hàng online trên các trang mạng xã hộ như thành lập các fanpage, tiktok… Từ 12/2023 đến nay, các em đã bán được 30 sản phẩm giá thể trồng cây từ bã cà phê và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng”, em Huỳnh Bảo Hân, lớp 12A1 chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Tiến Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thực hành Cao Nguyên, thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các phong trào khởi nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật được nhà trường đẩy mạnh. Các thầy cô cũng đầu tư nhiều công sức thay đổi phương pháp dạy và học. Từ đây, phong trào ngày càng phát triển và thu về tín hiệu đáng mừng.

Để động viên học sinh, nhà trường đã tạo ra nhiều sân chơi, các tiết học bộ môn Khoa học kỹ thuật được lồng ghép hoạt động STEM, trải nghiệm. Nhà trưởng cũng tổ chức các cuộc thi Khoa học kỹ thuật khởi nghiệp cấp trường nhằm phát hiện, động viên tạo sân chơi để các em phát triển ý tưởng… Qua đó, các sản phẩm của học sinh không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà đi vào thực tiễn và được các em bán trên các trang mạng xã hội, có doanh thu để tiếp tục tái đầu tư sản phẩm.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, để ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã nâng cao nhận thức, phát động phong trào tạo điều kiện cho học sinh tham gia phong trào khởi nghiệp trên ghế nhà trường; dạy học lồng ghép hướng nghiệp, khởi nghiệp trong các môn học, hoạt động giáo dục; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, có sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội để gắn kết tạo điều kiện cho các em.

“Đắk Lắk là tỉnh miền núi, đa văn hóa, sắc tộc, nơi tiềm năng nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật từ những sản phẩm nông nghiệp, dược liệu gắn với bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Có nhiều dự án của các em đã gắn với thực tiễn như thiết kế máy hút chanh dây; sản xuất bột sinh học từ trái Thanh Long… đây là những kết quả đáng tự hào của ngành Giáo dục tỉnh nhà”, ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ.

Bài và ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/chap-canh-khoi-nghiep-cho-hoc-sinh-20240705230551851.htm