Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước

Thực hiện Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu về nội dung phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Công thương tại Phiên chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công thương tại Phiên chất vấn

Năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí nội địa còn yếu kém

Báo cáo về tình hình phát triển ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng hơn 25.000 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo. Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành về ngành chế tạo. Đồng thời, đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực. Một số phân ngành cơ khí đã chế tạo được các sản phẩm chất lượng khá tốt, đạt tiêu chuẩn khu vực thậm chí quốc tế (như Máy biến áp nguồn ba pha 500kV - 467MVA, Hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhà máy nhiệt điện, Giàn khoan tự nâng độ sâu 90m nước...).

Bên cạnh đó, hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng theo Bộ trưởng tình hình phát triển ứng dụng cơ khí chế tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sản phẩm cơ khí Việt Nam có rất ít thương hiệu trong nước. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí nội địa yếu kém. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu trong nước. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 - 3 thế hệ. Tỷ lệ sử dụng máy tính để điều khiển quá trình gia công chế tạo thấp, chỉ khoảng 20% (máy CNC), dao động từ 8,3% (trong phân ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn), 16,7% (trong phân ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác). Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phổ biến là quy mô nhỏ, trình độ hạn chế, hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí nội địa không có năng lực tự nghiên cứu, thiết kế sản phẩm.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này có nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, việc ban hành và triển khai các chính sách để thực hiện chiến lược của Đảng, Chính phủ về phát triển ngành cơ khí còn chậm và thiếu hiệu quả; Việc bố trí các nguồn lực để triển khai các chính sách phát triển ngành cơ khí chưa phù hợp với thực trạng và trình độ doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Còn đối với nguyên nhân từ phía doanh nghiệp và ngành thì trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực cho ngành cơ khí còn thấp. Công tác nghiên cứu, phát triển chưa được các doanh nghiệp chủ động quan tâm, đặc biệt là thiếu lực lượng tư vấn, thiết kế công nghệ và thiết kế chế tạo; Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho các ngành cơ khí.

Đại biểu Phan Viết Lượng chất vấn

Đại biểu Phan Viết Lượng chất vấn

Đề nghị có biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo trong nước

Quan tâm đến vấn đề phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp, đại điểu Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho rằng công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, vì vậy Quốc hội đã có nghị quyết riêng về vấn đề này. Tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân trách nhiệm về hạn chế nêu trên và giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề đại biểu Phan Viết Lượng quan tâm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có sự quan tâm và có rất nhiều chính sách để phát triển. Tuy nhiên có một số nguyên nhân làm cho công việc hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu cũng như kỳ vọng. Thứ nhất, do trình độ phát triển kinh tế và sự tương tác trong các quan hệ lẫn nhau với các nền kinh tế khác và lợi thế cạnh tranh nên phần lớn các ngành công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu và chưa có đủ điều kiện để đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách công nghiệp hỗ trợ, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội việc triển khai thực hiện các việc hoàn thiện cơ chế chính sách vẫn còn chậm. Mặc dù đã có Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ vào cuối năm 2018, nhưng cho đến nay việc triển khai trong các cơ chế ưu đãi và các chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là những nguồn hỗ trợ từ ngân sách trong hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đổi mới công nghệ cũng như trong tiếp cận thị trường.

Bộ cho rằng, có ba nguyên nhân lớn vẫn còn đang vướng mắc, chưa giiar quyết triệt để: công tác về thị trường; doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với tín dụng để phục vụ cho đầu tư phát triển, kể cả việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất trong công nghiệp hỗ trợ cũng còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ khác về nguồn nhân lực cũng như đổi mới công nghệ và trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn chưa có một cơ chế đủ mạnh.

Xuất phát từ những vấn đề này, Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết về phát triển nghiệp hỗ trợ, trong đó định hướng một số nội dung cơ bản bao gồm: tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển; về dài hạn, tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ của chúng ta có điều kiện phát triển; tranh thủ những điều kiện của các FTA và các hiệp định tương tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới; tục xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta tiếp cận. Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu công nghệ ở tại ba vùng để doanh nghiệp hỗ trợ có điều kiện tiếp cận.

Cũng chất vấn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, chỉ ra vấn đề gần đây có hiện tượng các tập đoàn, một số công ty của nước ngoài về lĩnh vực sản xuất công nghiệp ôtô, sản xuất phân phối sản phẩm cơ khí chế tạo. Khi thấy thời điểm thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt và đủ lớn thì đang có kế hoạch gây sức ép cho các doanh nghiệp liên doanh, hợp tác của Việt Nam chuyển nhượng cổ phần, nhượng lại các lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước đang làm tốt. Bộ trưởng có những biện pháp gì để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo trong nước và các doanh nghiệp của Việt Nam?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, thời gian vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng vị thế của mình và sự phát triển của thị trường đang tìm cách ép hoặc tìm cách mua lại cũng như để sáp nhập các phần đối tác của Việt Nam trong các liên doanh của các doanh nghiệp này. Bộ cho rằng đây là một hiện tượng tương đối phổ biến của kinh tế thị trường, nhưng chúng ta có một số bộ luật quan trọng về vấn đề này: Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Cạnh tranh. Bộ trưởng đưa ra một ví dụ đơn cử như câu chuyện liên quan đến việc mua lại hoặc sáp nhập phần vốn của doanh nghiệp đầu tư trong nước thì Luật Cạnh tranh có những quy định rất cụ thể, nếu những doanh nghiệp tiếp tục tích tụ và tập trung kinh tế đến mức độ có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường và tạo ra những hành vi và môi trường phản cạnh tranh thì chúng ta có thể báo cáo và có những cơ chế và tố tụng cạnh tranh để xử lý những vấn đề này. Mặt khác Luật Đầu tư của chúng ta cũng có rất nhiều các quy định để bảo vệ cho những lợi ích chung của các nhà đầu tư bao gồm cả nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng với một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần thì chúng ta cũng phải tự nghiên cứu và tiếp tục sẽ có biện pháp để tiếp tục bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, từ thực tế của đại biểu phản ánh sẽ nghiên cứu sâu hơn để từ đó có những khuyến nghị và hỗ trợ bằng cả pháp lý, chính sách cho các doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42740