CHẤT XÁM CHO CUỘC SỐNG XANH

Đáng lẽ những ngày này, Cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của tuổi trẻ và giới khoa học-công nghệ cả nước; rồi Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 (IP Day) đáng lẽ cũng được diễn ra rộng khắp, tôn vinh các nhà sáng tạo, thu hút sự quan tâm của xã hội đối với việc quản lý và phát triển trí tuệ khoa học, kỹ thuật…

Nhưng vì phòng, chống dịch Covid-19, tất cả những hoạt động đó đều không được tổ chức vì tránh tập trung đông người. Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu sáng tạo vốn sâu lắng như dòng chảy ngầm trong cuộc sống vẫn diễn ra sôi động, thậm chí rất khẩn trương để dâng hiến cho cuộc sống những thứ phù sa, đặc biệt là các sản phẩm giàu chất xám, trí tuệ.

 Cán bộ làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Y dược Học viện Quân y.

Cán bộ làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Y dược Học viện Quân y.

Ngay trong những ngày dịch bệnh đang hoành hành, những bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam đã ra mắt, những máy trợ thở, rồi robot bệnh viện, robot công nghiệp cũng xuất hiện từ khối óc, bàn tay người Việt. Mới nhất, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với một trường đại học ở Nhật Bản nghiên cứu, chế tạo thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm chẩn đoán nhanh được nhiều nước đang sử dụng. Theo đánh giá của Bộ Y tế, sinh phẩm “Made in Vietnam” này có nhiều ưu điểm là dễ sử dụng cho tất cả các tuyến y tế và có độ nhạy, độ đặc hiệu đạt đến khoảng 95%, trong khi nhiều sản phẩm ở các nước khác chỉ đạt 70-75%. Giá thành của sinh phẩm Việt Nam lại rẻ hơn nhiều so với nhập ngoại, chỉ khoảng 5USD/kit xét nghiệm. Đó là những lý do Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao sản phẩm của Việt Nam và chúng ta đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể…

Với các sản phẩm sáng tạo mới cùng hệ thống 112 phòng xét nghiệm Realtime-PCR hiện có, năng lực và hiệu quả xét nghiệm của y tế Việt Nam đã có thể chủ động sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm Covid-19. Rộng hơn, mục tiêu bảo đảm trang thiết bị phòng, chống dịch đã cơ bản đạt được.

Có thể nhiều người Việt Nam không biết đến thông điệp “Đổi mới sáng tạo-Vì một tương lai xanh” của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, song những ngày tháng qua, việc giao dịch, mua sắm, đi chợ tại nhà, làm việc, học tập trực tuyến đã và đang trở nên phổ biến, quen thuộc đối với mỗi gia đình. Trước đó, những ứng dụng công nghệ làm nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, tưới nước nhỏ giọt… đã đem lại những hiệu quả kép cả trong an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế. Cùng với đó là những bước đi tạo lập nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử đã và đang đưa con người Việt Nam, ngay cả những người bình dân nhất, đến gần với các hoạt động trí tuệ, công nghệ hiện đại.

Vậy là muốn có kinh tế xanh, cuộc sống xanh, chất xám, trí tuệ xã hội phải mở lối, đi đầu. Trí tuệ nhận thức cho chúng ta nhìn nhận rõ và chính xác hơn những thay đổi của khí hậu, những hạn chế và tác động tiêu cực của lối canh tác, lối sống trong xã hội nông nghiệp, công nghiệp, thương mại truyền thống, đồng thời giúp chúng ta có những giải pháp phù hợp, cách ứng xử tích cực, thân thiện với môi trường thiên nhiên và xã hội.

Còn là những chặng đường gian nan phía trước, nhưng các hoạt động khoa học trí tuệ trừu tượng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã không còn quá lạ lẫm, xa xôi. Để mọi người dân được hưởng lợi từ đổi mới sáng tạo trí tuệ, tri thức phải ra khỏi những "tháp ngà", phải có thể thương mại hóa, phải trở thành những mạch máu của cuộc sống. Và đương nhiên, chất xám phải được cả xã hội nuôi dưỡng, trọng thị, đặc biệt cần phải được bảo vệ. Quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, chiếm dụng tràn lan, con người sẽ mất động lực đổi mới sáng tạo.

ANH NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chat-xam-cho-cuoc-song-xanh-616555