Châu Âu chi trả toàn bộ khí tài Mỹ viện trợ cho Ukraine

Các nước NATO sẽ thanh toán 100% chi phí mua thiết bị quân sự từ Mỹ, phần lớn chuyển tới Ukraine.

Ngày 23/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý chi trả toàn bộ chi phí mua khí tài từ Mỹ. Phát biểu tại một hội nghị về trí tuệ nhân tạo ở thủ đô Washington, ông Trump nhấn mạnh phần lớn số khí tài này sẽ được chuyển tới Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Theo thông báo, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu, theo đó Washington sẽ cung cấp các thiết bị quân sự còn các nước châu Âu sẽ chịu toàn bộ chi phí. Tổng thống Trump cho biết vũ khí đã bắt đầu được chuyển giao cho Ukraine từ hơn một tuần trước.

Cùng ngày, Chính phủ Mỹ phê duyệt thương vụ bán vũ khí mới trị giá 322 triệu USD cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không và xe chiến đấu bọc thép. Đây là thương vụ thứ hai trong vòng ba tháng, sau gói hỗ trợ hơn 310 triệu USD được công bố đầu tháng 5 nhằm phục vụ hoạt động huấn luyện phi công và bảo dưỡng tiêm kích F-16.

Trong một động thái tương tự, Chính phủ Đức cũng đã thông qua dự luật nhằm đẩy nhanh quá trình mua sắm quốc phòng, giữa bối cảnh Berlin đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội để tăng cường an ninh khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết luật mới sẽ đơn giản hóa đáng kể thủ tục thanh toán cho các doanh nghiệp quốc phòng, trong đó các hợp đồng dưới 443.000 Euro sẽ được miễn toàn bộ quy trình mua sắm hiện hành. Đối với các dự án xây dựng, ngưỡng miễn quy trình được nâng lên 1 triệu Euro.

Bộ trưởng Pistorius gọi đây là “bước nhảy vọt” cho quân đội Đức, giúp tháo gỡ khoảng 12.000 quy trình mua sắm bị đình trệ. Ông khẳng định thay đổi này sẽ giải quyết “mớ hỗn độn quy định” vốn cản trở tốc độ tăng cường năng lực phòng vệ quốc gia.

Bộ trưởng Kinh tế Katherina Reiche cũng nhấn mạnh rằng Đức cần “mạnh mẽ hơn về công nghệ và công nghiệp” để đảm bảo giữ gìn hòa bình. Tuy nhiên, dự luật vẫn cần được Quốc hội Đức thông qua trước khi có hiệu lực.

Từ năm 2022, Đức đã đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa quân đội, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi châu Âu tự chủ hơn trong phòng vệ. Thủ tướng Friedrich Merz từng cam kết xây dựng “lực lượng vũ trang truyền thống mạnh nhất châu Âu”. Theo kế hoạch hiện tại, ngân sách quốc phòng của Đức sẽ đạt 162 tỷ Euro vào năm 2029, cao gấp hơn ba lần so với trước thời điểm nổ ra xung đột tại Ukraine.

Theo VTV.vn

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/chau-au-chi-tra-toan-bo-khi-tai-my-vien-tro-cho-ukraine-54952.htm