Chạy đua tới Paris

Tính đến ngày 19-5, thể thao Việt Nam mới sở hữu 10 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024, trong khi Thái Lan đã có 38 suất, Indonesia (21 suất), Malaysia (18 suất)...

Cụ thể, 10 suất chính thức được giành bởi các vận động viên (VĐV): Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông); Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng); Nguyễn Huy Hoàng (bơi); Nguyễn Thị Thật (xe đạp); Trịnh Văn Vinh (cử tạ); Võ Thị Kim Ánh (boxing); Nguyễn Thị Hương (canoeing) và Phạm Thị Huệ (rowing).

 Các vận động viên điền kinh Việt Nam sẽ dự Giải vô địch tiếp sức điền kinh châu Á 2024. Ảnh: PHÚC HẢI

Các vận động viên điền kinh Việt Nam sẽ dự Giải vô địch tiếp sức điền kinh châu Á 2024. Ảnh: PHÚC HẢI

Những ngày qua, nhiều VĐV thuộc các đội thể thao quốc gia đang tích cực tham gia thi đấu quốc tế nhằm giành thêm suất tham dự Thế vận hội. Dù bắn súng Việt Nam đã giành được 2 suất chính thức đi Olympic, nhưng xạ thủ được kỳ vọng nhất là Phạm Quang Huy-đương kim vô địch Đại hội thể thao châu Á ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam lại không thể vượt qua vòng loại Olympic. Lần đầu tiên sau 20 năm, thể dục dụng cụ Việt Nam không giành được vé chính thức tham dự Thế vận hội. Tương tự, các môn đấu kiếm, taekwondo, bóng bàn... không có VĐV đạt chuẩn Olympic.

Hiện Võ Thị Mỹ Tiên là VĐV nữ duy nhất của Việt Nam đủ điều kiện nhận suất đặc cách của môn bơi tham dự Olympic Paris 2024, khi vượt chuẩn và tham dự giải bơi vô địch thế giới 2023. Trong trường hợp điền kinh không có vé chính thức thì cũng sẽ có thêm một vé đặc cách. Ngoài ra, bắn cung và judo cũng đang có cơ hội lớn để giành vé chính thức dự Thế vận hội.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh, Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: Đội tiếp sức 4x400m nữ của điền kinh Việt Nam đang tập huấn và chuẩn bị thi đấu Giải vô địch tiếp sức điền kinh châu Á 2024 tại Thái Lan. Thông qua giải này, đội 4x400m tiếp sức nữ Việt Nam muốn cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng tranh suất chính thức Olympic Paris 2024. Thành tích chuyên môn cao nhất ở đội tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam là 3 phút 31 giây 61. Để có cơ hội chạm tay vào một suất Olympic, thông số kỹ thuật của các VĐV phải trong khoảng 3 phút 27 giây.

Theo kế hoạch, các VĐV boxing Việt Nam sẽ tham dự vòng loại Olympic tại Thái Lan từ ngày 23-5 đến 5-6. Bắn cung Việt Nam có 3 cơ hội tranh vé tới Paris, khi tham dự World Cup bắn cung tại Hàn Quốc từ ngày 21 đến 26-5, vòng loại Olympic tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 15 đến 16-6 và World Cup bắn cung tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 18 đến 23-6. Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao bày tỏ, nếu mọi thứ theo tính toán, thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu giành từ 12 đến 15 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Cơ hội cạnh tranh của thể thao Việt Nam tại các giải đấu vòng loại Olympic diễn ra trong tháng 5 và tháng 6 là 50-50. Vì vậy, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nơi có VĐV làm nhiệm vụ hướng đến Olympic cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc phục hồi sau tập luyện, luôn cử đội ngũ bác sĩ, y tế theo sát quá trình tập luyện thi đấu của VĐV nhằm hạn chế tối đa xảy ra những chấn thương không đáng có.

PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chay-dua-toi-paris-777618