Cháy rừng và kinh nghiệm rút ra từ Tả Van, Sa Pa

Vụ cháy rừng xảy ra tại hai thôn Séo Mý Tỷ và Dền Thàng thuộc xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai từ ngày 19 đến ngày 22-2-2024 đã gây thiệt hại khoảng 4ha rừng trồng và 31ha rừng chưa có trữ lượng, chủ yếu là thảm cỏ, cây bụi, cây tái sinh rải rác.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm và đông đảo nhân dân, nhiều kinh nghiệm chữa cháy được rút ra, trong đó công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện.

Ngay sau khi xảy ra cháy rừng, chính quyền, lực lượng chức năng đã vào cuộc triển khai ngay các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”: Kịp thời huy động lực lượng tại chỗ đến tăng cường, chủ công là các tổ bảo vệ rừng, dân quân, bộ đội, công an, kiểm lâm, cán bộ và nhân dân trên địa bàn, với gần 3.000 lượt người tham gia. Công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy kịp thời, quyết liệt ngay từ đầu, đảm bảo nhận định, đánh giá sát tình hình; huy động, bố trí lực lượng, phương tiện hợp lý; tổ chức xử lý tình huống và áp dụng các biện pháp chữa cháy phù hợp; cung cấp hậu cần đầy đủ; thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt giữa Sở chỉ huy với các lực lượng tham gia chữa cháy.

 Cháy rừng xảy ra tại hai thôn Séo Mý tỷ và Dền Thàng thuộc xã Tả Van, thị xã Sa Pa.

Cháy rừng xảy ra tại hai thôn Séo Mý tỷ và Dền Thàng thuộc xã Tả Van, thị xã Sa Pa.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Việc di dời người dân ra khỏi vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được địa phương của tỉnh tính toán trong thời gian trước. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn chưa được tuyệt đối với lý do người dân đã sống rất lâu đời trong khu vực này, khi tỉnh bố trí tái định cư xa nơi ở cũ thì liên quan đến phong tục tập quán và công tác tuyên truyền vận động mất khá nhiều thời gian. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục thực hiện việc di dời người dân ở các khu vực vùng lõi ra khu vực sắp xếp dân cư mới”.

Qua việc tổ chức chữa cháy tại xã Tả Van những ngày vừa qua có thể rút ra các bài học kinh nghiệm: Phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đó là: Huy động kịp thời, phân công hợp lý, sử dụng tối đa lực lượng tại chỗ gồm dân quân tự vệ, các tổ bảo vệ rừng và nhân dân ở tại thôn xã nơi xảy ra cháy rừng là những người hiểu, thông thuộc địa hình có sức khỏe tốt; Kịp thời, quyết liệt ngay từ đầu, trong đó người chỉ huy chữa cháy hiện trường phải am hiểu tình hình thực tế có kiến thức và khả năng tổ chức, chỉ đạo lực lượng chữa cháy; Huy động tốt phương tiện, dụng cụ chữa cháy, trong đó chú trọng khai thác sử dụng một số trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, đồng thời huy động, sử dụng tối đa các loại dụng cụ, phương tiện tại chỗ sẵn có trong dân phục vụ chữa cháy; Bảo đảm hậu cần tại chỗ có ý nghĩa lớn đối với thành công việc tổ chức chữa cháy có quy mô lớn, dài ngày, đảm bảo người tham gia chữa cháy có đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa.

Đồng thời thực hiện tốt phương châm “3 kịp thời”, đó là: Phát hiện đám cháy sớm, việc phát hiện đám cháy sớm khi đám cháy còn nhỏ nên lực lượng huy động sẽ ít hơn; Huy động lực lượng chữa cháy nhanh, ngay khi phát hiện, xác định quy mô đám cháy phải huy động ngay lực lượng có mặt gần nhất và nhanh nhất để kịp thời tiếp cận đám cháy trong thời gian sớm nhất; Chữa cháy triệt để, các đám cháy có thể xuất phát từ những tàn lửa hoặc là những đám lửa rất nhỏ cho nên sau khi khống chế đám cháy xong, các lực lượng chữa cháy phải xử lý triệt để các tàn lửa trong các gốc cây, đám than còn sót lại tránh việc khi có gió to sẽ mang vật liệu cháy từ nơi này sang nơi khác và tránh việc đám cháy lại.

Ông Giàng A Sèo, người dân thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van đang cố gắng lật từng gốc cây, xử lý tàn dư của cháy rừng.

Ông Giàng A Sèo, người dân thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van đang cố gắng lật từng gốc cây, xử lý tàn dư của cháy rừng.

Đặc biệt trong đó là phải dựa vào lực lượng quần chúng nhân dân và huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân từ việc huy động lực lượng, phương tiện đến huy động công tác hỗ trợ, bảo đảm hậu cần. Công tác tuyên truyền vận động người dân cũng như phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, Ban công tác Mặt trận thôn luôn được chú trọng để ý thức bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được mỗi người dân coi trọng và phát huy tinh thần xung kích của mình. Ông Hạng A Tráng, Trưởng thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van chia sẻ: “Sau đợt cháy này, tôi sẽ vận động bà con nhân dân trong thôn có ý thức bảo vệ rừng hơn nữa, không tự ý đốt nương hay mang vật dụng có thể gây cháy rừng nhất là vào những ngày thời tiết hanh khô… cùng nhau quyết tâm bảo vệ rừng”.

Cháy rừng xảy ra tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa đi qua đã để lại nhiều bài học sâu sắc về công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực mang ý nghĩa trọng điểm của hệ sinh thái tại vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Qua đó, giúp mỗi người dân thêm trân trọng từng cánh rừng đã trở thành sinh kế của bao thế hệ người dân tộc Mông sinh sống tại hai thôn Séo Mý Tỷ và Dền Thàng để cùng quyết tâm bảo vệ rừng, giữ mãi màu xanh cho quê hương.

Bài, ảnh: PHẠM QUỲNH – TUẤN NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chay-rung-va-kinh-nghiem-rut-ra-tu-ta-van-sa-pa-766643