'Chạy' và sự khác biệt của Wowy sau 8 năm

'Chạy' mở đầu và khép lại với tiếng trống dồn dập. Nó mang theo số phận của thằng Ròm.

Xem xong Ròm, đọng lại trong cảm quan của không ít người là hành động: chạy. Thằng Ròm như chạy từ đầu phim đến cuối phim: chạy băng qua đường xe tắc nghẹt, chạy trong khu chung cư nghèo, chạy ở dãy hành lang, chạy trên mái nhà, chạy trên sông, chạy qua những đòn roi, qua “tuổi thơ dữ dội”, chạy trong hành trình tìm cha mẹ, chạy vì giành giật và đói nghèo.

Như một sự tương hợp, Chạy cũng là tên của ca khúc nhạc phim do Wowy sáng tác và thể hiện. Một bản rap dồn dập tiếng trống, trong diện mạo của những ca từ chân thực và đường phố nhất, được cho là không thể phù hợp hơn với tác phẩm điện ảnh đầu tay của Trần Thanh Huy.

Diện mạo mới của Chạy

Chạy thực tế đã được sinh ra cách đây 8 năm, là bản rap của sự kết hợp giữa Wowy và Karik, cùng phần thể hiện điệp khúc của LDleKing SouthGanz. Sản phẩm khi đó được thực hiện theo cách thô mộc nhất cả về âm nhạc lẫn hình ảnh.

So với Khu tao sống hay Hai thế giới, ở thời điểm ra mắt, Chạy không hẳn là cú bắt tay quá lan tỏa giữa Wowy và Karik. Song, sáng tác cũng được một bộ phận khán giả trong underground yêu mến nhờ thông điệp khơi dậy tinh thần mạnh mẽ, vượt qua những nặng lòng, gian truân của cuộc sống để hướng về phía trước.

Wowy chia sẻ với Zing rằng chính lời bài Chạy đã tạo cảm hứng để đạo diễn Trần Thanh Huy chấp bút và hoàn thiện kịch bản Ròm. Trong khi Trần Thanh Huy khẳng định trong quá trình làm kịch bản phim, anh luôn nghe Chạy vì nhận thấy sự đồng cảm đến ngạc nhiên giữa tinh thần ca khúc và chủ đề bộ phim.

Khi chính thức được chọn làm nhạc phim cho Ròm, Chạy được khoác áo mới. Phần lyrics (ca từ) gốc có một chút thay đổi trong phiên bản nhạc phim. Ngoài ra, Wowy cũng viết thêm một vài câu để phù hợp hơn với câu chuyện của nhân vật Ròm.

Nhưng đáng chú ý nhất, bản rap đã được nâng cấp về mặt âm nhạc với bàn tay của Tôn Thất An. Là người từng làm nhạc phim cho một số tác phẩm điện ảnh, trong đó có Song Lang, Tôn Thất An đã mang đến diện mạo mới cho Chạy với những đặt để âm thanh sáng tạo trong phối khí, khắc phục những hạn chế về âm nhạc của bản gốc.

Trọng tâm của bản phối là tiếng trống cái, đây cũng là điểm khác biệt hoàn toàn so với Chạy của Wowy và Karik năm 2012. Tiếng trống xuất hiện ngay phần intro, là một solo instrumental (độc tấu nhạc cụ) ấn tượng.

Tiếng trống cái dồn dập, điểm với tiếng hẹn giờ đồng hồ đeo tay, tiếng gõ bàn phím, tiếng kéo cửa và âm thanh của những bước chân đang chạy đã mở ra không gian điện ảnh trong âm nhạc ngay ở phần mở đầu bản rap.

 Wowy cho biết Chạy là nguồn cảm hứng để đạo diễn Trần Thanh Huy hoàn thiện kịch bản Ròm. Ảnh: Phương Lâm.

Wowy cho biết Chạy là nguồn cảm hứng để đạo diễn Trần Thanh Huy hoàn thiện kịch bản Ròm. Ảnh: Phương Lâm.

Wowy sau đó cất giọng với đoạn (verse) đầu tiên. Đây cũng là đoạn gần như được giữ nguyên so với bản gốc. Ngoài ra, chất giọng và flow (nhịp rap) của anh cũng không có nhiều thay đổi so phiên bản cách đây 8 năm.

Nhưng flow trở nên hiệu quả hơn nhờ nền nhạc và cách sắp đặt âm thanh của Tôn Thất An. Bản rap vốn đã có tiết tấu nhanh, qua bàn tay của nhạc sĩ phối khí, nhịp của Chạy càng trở nên dồn dập, nối tiếp không ngừng.

Mặt khác, ở phiên bản này, Chạy cũng thể hiện màu sắc âm nhạc khác của Wowy. Nam rapper vốn có nhiều bản rap với flow chậm, trong khi Chạy lại có nhịp nhanh như sự thúc giục, thậm chí truy đuổi.

Chạy, do vậy, còn được coi là bản rap mà Wowy thể hiện nhiều kỹ thuật hơn. Trong khi phần đa những sáng tác khác của anh vốn tạo chất riêng vì ca từ đời sống, đường phố chân thật nhưng đôi khi gặp hạn chế về flow, thủ pháp chơi chữ và kỹ thuật gieo vần.

Sự thúc giục của số phận

Chạy được viết theo cách dân dã, underground, ngay trong cách xưng hô "mày - tao" của phần lời. Bài hát cũng hướng đến mục tiêu cổ vũ tinh thần luôn tiến về phía trước, mạnh mẽ vượt qua những gai góc của cuộc sống, bất chấp những thử thách và khó khăn cản trở.

Phần lyrics có nhiều câu ấn tượng như: “Không được đứng, không được dừng, đừng đứng lại / Đạp đôi chân không phân vân vững trên sân” hay “Chạy vì miếng ăn chạy vì nhà cửa / Chạy vì một nửa và vì gia đình, cha mẹ tương lai”.

Từ “chạy” nhiều lần lặp lại trong các đoạn như tinh thần chủ đạo của ca khúc. Chạy “như tên bay áo tao ướt mồ hôi”, bất chấp “trời có tối hay là bão tao vẫn chạy vậy thôi”.

Nhưng không phải chạy vì đam mê, vì tranh tài, nhân vật trong ca khúc chạy vì cuộc sống mưu sinh, vì sự bế tắc cùng cực cần vươn lên và trốn thoát. Hơn cả, chạy vì một tương lai có thể tốt đẹp hơn.

“Đơn giản bởi vì tao không có đường nào để lùi / Quá khứ vết phấn đen không có thời gian để chùi / Buồn tủi là từng hơi mà tao hết vào trong mũi / Và tương lai động lực duy nhất nhắc tao không được buông xuôi”.

 Ca khúc như vòng lặp của tiếng trống, trong khi Ròm cũng bế tắc trong số phận của mình.

Ca khúc như vòng lặp của tiếng trống, trong khi Ròm cũng bế tắc trong số phận của mình.

Ngoài những vần đơn đan khá khéo léo, bản rap có phần hook (điệp khúc trong rap) bắt tai. Giai điệu được đẩy lên trong khi chất giọng LDleKing SouthGanz ẩn hiện đằng sau: “Vì thời gian vẫn không ngừng trôi / Và mưa vẫn chưa ngừng rơi / Chạy nước rút cho cuộc đời / Đến khi tao thấy mặt trời”.

Đoạn sau của Chạy là những thay đổi đáng kể so với phần lời của bản gốc. Tuy nhiên, cách thi triển của flow và giọng đọc không ấn tượng như phần đầu. Nền nhạc của phần sau quá mạnh, lấn át cách xử lý của rapper.

Tuy nhiên, phần lời trong đoạn kết được cho là phù hợp với nội dung của phim. Ròm đã chạy trong cả cùng cực của số phận, những tranh chấp mưu sinh, những giận hờn, lọc lừa phẫn uất của cuộc sống, lẫn khát khao tìm được gia đình. Nhưng đáng tiếc phim kết thúc trong bế tắc và hụt hẫng của số phận. Không có cánh cửa nào được mở ra với Ròm.

Chạy khép lại với tiếng trống như một vòng lặp. Nó vẫn dồn dập và thúc giục như lời tự nhủ của Ròm… chạy, chạy đi, cố chạy đi, chạy nữa đi. Nhưng chạy về hướng nào, về nơi nào, dường như, không ai biết.

Quang Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chay-va-su-khac-biet-cua-wowy-sau-8-nam-post1137736.html