Chelsea chi 2 tỷ euro để hoang mang

Chelsea dưới thời Todd Boehly đã chi gần 2 tỷ euro cho chuyển nhượng, xây dựng đội hình đông đảo đến mức thừa thãi.

 Chelsea dưới thời Todd Boehly đã chi gần 2 tỷ euro cho chuyển nhượng, xây dựng đội hình đông đảo đến mức thừa thãi.

Chelsea dưới thời Todd Boehly đã chi gần 2 tỷ euro cho chuyển nhượng, xây dựng đội hình đông đảo đến mức thừa thãi.

Ba năm đã trôi qua kể từ khi Todd Boehly và quỹ đầu tư Clearlake Capital tiếp quản Chelsea. Gần 2 tỷ euro được chi cho chuyển nhượng. Một đội hình đông đảo tới mức có thể chia làm hai CLB. Một mô hình tài chính “sáng tạo” khiến UEFA phải đau đầu.

Và rồi, sau tất cả, người ta vẫn phải đặt ra một câu hỏi cũ rích nhưng chưa bao giờ cần thiết đến thế: Rốt cuộc, Chelsea đang làm gì?

Ba giai đoạn của một cuộc thử nghiệm

Nếu nhìn tổng thể, kỷ nguyên Boehly - Clearlake có thể chia thành ba giai đoạn rõ rệt.

Giai đoạn đầu là “mùa hè và mùa đông của Todd” - khi ông chủ người Mỹ kiêm luôn vai trò giám đốc thể thao. Khi ấy, Chelsea đi săn bất kỳ cái tên nào từng xuất hiện trên mặt báo, miễn là có tiếng tăm. Raheem Sterling, Kalidou Koulibaly, Mykhailo Mudryk, Pierre-Emerick Aubameyang… thậm chí còn suýt ký với Cristiano Ronaldo đã 37 tuổi. Kết quả: gần 630 triệu euro được chi ra, và Chelsea… về đích ở nửa dưới bảng xếp hạng.

Giai đoạn tiếp theo, Chelsea chuyển hướng sang mô hình “tài năng trẻ toàn cầu”. Hơn 400 triệu euro đổ vào thị trường cầu thủ tuổi đôi mươi. Dù thất bại nhiều, đội bóng cũng tìm thấy hai viên ngọc quý: Cole Palmer và Moises Caicedo - những trụ cột đích thực trong hành trình kết thúc mùa 2023/24 ở vị trí thứ sáu.

Và đến mùa hè năm ngoái, Chelsea bắt đầu mua những cầu thủ “trẻ nhưng có kinh nghiệm”, như Joao Felix hay Kiernan Dewsbury-Hall. Không ai là món hời, nhưng đội hình bắt đầu có chiều sâu. Kết quả? Chelsea vô địch UEFA Conference League và xếp thứ tư tại Premier League, chỉ kém Arsenal đúng 4 điểm - tức là họ thực sự đã đi đúng hướng.

 Bước vào hè 2025, Chelsea có đội hình trẻ, sâu, giàu tiềm năng và trở lại Champions League.

Bước vào hè 2025, Chelsea có đội hình trẻ, sâu, giàu tiềm năng và trở lại Champions League.

Bước vào hè 2025, Chelsea có đội hình trẻ, sâu, giàu tiềm năng và trở lại Champions League. Đây là thời điểm vàng để mua sắm tinh gọn, mang về những cái tên thật sự đẳng cấp nhằm nâng trần đội bóng. Nhưng Chelsea lại hành xử như thể... chẳng có chiến lược nào cả.

Ba bản hợp đồng lớn họ thực hiện tính đến thời điểm này đều mang đậm tính “đầu tư mạo hiểm”, chứ không phải gia cố sức mạnh đội hình. Liam Delap, 22 tuổi, ghi 10 bàn (không tính penalty) cho đội rớt hạng Ipswich. Chelsea chi 35,5 triệu euro. Anh nhanh, khỏe, nhưng chưa chứng minh được gì ngoài tiềm năng.

João Pedro, 23 tuổi, đá hay ở Brighton nhưng không ở đẳng cấp Champions League. Anh pressing tốt, xử lý thông minh, nhưng ghi bàn và kiến tạo thì rất hạn chế. Giá? 63,7 triệu euro.

Jamie Bynoe-Gittens, 20 tuổi, hai mùa ở Dortmund chỉ đạt chỉ số kỳ vọng bàn thắng và kiến tạo ở mức trung bình (0,38 mỗi 90 phút). Nhưng Chelsea vẫn trả 64,3 triệu euro, như thể đây là một ngôi sao đã thành danh.

Tổng cộng, hơn 160 triệu euro đổ vào ba cầu thủ... không làm đội mạnh hơn rõ rệt. Trong khi họ đã có sẵn chiều sâu, điều Chelsea cần là đẳng cấp - không phải số lượng.

Chưa dừng ở đó, Chelsea còn sẵn sàng để Noni Madueke - một trong số ít thương vụ thành công dưới thời Boehly - ra đi. Madueke mới 23 tuổi, có chỉ số kỳ vọng rất tốt (0,61 xG+xA), là mẫu cầu thủ có thể bùng nổ mạnh mẽ nếu chỉ số thực tế theo kịp tiềm năng.

Và điểm đến tiềm năng? Arsenal - đối thủ trực tiếp trong cuộc đua Top 4. Chelsea muốn tự chọc thủng chính mình chăng?

Chiến lược thật sự là gì?

Dưới thời Boehly - Clearlake, Chelsea có hai “sáng tạo” lớn. Họ kéo dài hợp đồng cầu thủ để khấu hao chi phí chuyển nhượng - giúp tránh rắc rối với UEFA. Nhưng lợi thế này nhanh chóng bị triệt tiêu nếu phải gia hạn sớm như với Palmer.

CLB thành London biến Strasbourg thành “đội B” - nơi các cầu thủ trẻ được phát triển theo ý đồ riêng của Chelsea, nhưng chơi tại một giải đấu chuyên nghiệp thực thụ (Ligue 1). Về mặt hệ thống, đây là bước đi khôn ngoan.

Nhưng sau tất cả, câu hỏi vẫn là chiến lược tổng thể là gì? Mục tiêu cuối cùng là gì?

 Chelsea hiện vẫn lỗ hơn 1 tỷ euro dù đã bán cầu thủ rất nhiều.

Chelsea hiện vẫn lỗ hơn 1 tỷ euro dù đã bán cầu thủ rất nhiều.

Khác với Roman Abramovich - người tiêu tiền để chiến thắng - Boehly và Clearlake là nhà đầu tư tài chính. Họ không đến để vui, cũng không để xây dựng di sản bóng đá. Họ đến để tạo lợi nhuận.

Nhưng vấn đề là bóng đá không giống các môn thể thao Mỹ - nơi có mức lương trần, nhượng quyền thương mại, không có xuống hạng, và giá trị CLB tăng đều đều. Ở bóng đá châu Âu, giá trị đội bóng gắn chặt với thành tích trên sân. Phải thắng, phải vào Champions League, phải có danh hiệu, mới có thể tăng giá trị.

Chelsea hiện vẫn lỗ hơn 1 tỷ euro dù đã bán cầu thủ rất nhiều. Họ không thể tăng giá trị nếu không chiến thắng. Và muốn chiến thắng, cần chiến lược bóng đá - không phải chiến lược tài chính.

Chelsea hiện tại giống một bảng Excel khổng lồ hơn là một đội bóng. Mỗi cầu thủ là một con số. Mỗi thương vụ là một “deal”. Họ không nhìn cầu thủ là mắt xích trong hệ thống chiến thuật, mà là tài sản trong danh mục đầu tư.

“The Blues” dường như đang né tránh điều quan trọng nhất - làm sao để thắng trận. Và đó là lý do dù đã chi nhiều hơn bất kỳ ai, Chelsea vẫn chưa thể thuyết phục người hâm mộ rằng họ thực sự biết mình đang làm gì.

Xem FIFA Club World Cup 2025 trực tiếp và duy nhất tại Việt Nam trên FPT Play, tại http://fptplay.vn

Di Cầm

Nguồn Znews: https://znews.vn/chelsea-chi-2-ty-euro-de-hoang-mang-post1567130.html