Chết cho màu cờ

Là tác giả nổi tiếng với các tác phẩm nghiên cứu về địa – chính trị như 'Những tù nhân của địa lý', 'Chia rẽ', 'Quyền lực của địa lý'; qua 'Chết cho màu cờ', Tim Marshall sẽ đưa độc giả vào cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa của những biểu tượng, từ đó nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai của các vùng đất.

Cuốn sách được chia làm 9 phần riêng, theo từng nhóm khu vực liền kề về mặt địa lý. Như Marshall chia sẻ, ông không đi theo từng quốc gia một, bởi đó là một công trình cần nhiều công sức. Vì vậy Chết cho màu cờ là một tác phẩm về những nhóm địa lý có chung đặc điểm lịch sử và văn hóa, hơn là đi vào chi tiết một cách riêng biệt.

Do đó ta sẽ có “sao và vạch” của Mỹ, cờ liên hiệp của Vương quốc Anh, sau đó là nhóm các quốc gia châu Âu, Bắc Phi, Mỹ Latin, Bắc Á, Trung Đông… cũng như biểu tượng của những tổ chức có nhiều thành viên như Liên hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Olympic và cờ lục sắc của cộng đồng LGBT...

Là một ký giả chuyên về tin tức đối ngoại, trong tác phẩm này, Marshall vẫn sẽ mang đến một vốn kiến thức ngồn ngộn mà ông có dịp gặp gỡ cũng như tiếp xúc trong nhiều năm làm nghề. Xung quanh lịch sử, cuốn sách cũng sẽ chứa đựng rất nhiều trải nghiệm mang tính cá nhân, với cách biểu đạt hài hước cũng như tiết lộ những cuộc “đụng độ” với các nhân vật đặc biệt, từ đó làm nên tác phẩm có nhiều thông tin.

Tác giả Tim Marshall. Ảnh: The Times

Tác giả Tim Marshall. Ảnh: The Times

Tiếng nói đoàn kết

Không hẳn không có lý do mà Marshall cấu trúc nên cuốn sách bằng việc nghiên cứu về các khu vực. Trong mỗi chương sách, ông đã cho thấy các “nền tảng chung” được các quốc gia cùng nhau thể hiện. Trong khi quốc kỳ khu vực Trung Đông thường mang màu xanh lục như đại diện cho đạo Hồi và công cuộc bảo vệ đức tin, thì ở châu Phi, nó lại đại diện cho hàm ý cây cối tốt tươi, mong mỏi một cuộc sống mới sau những tàn dư của chủ nghĩa thực dân. Trong đó màu đen được ví như màu đại diện, thể hiện một sự tương đồng đối với sắc da và nguồn khoáng sản vô cùng phong phú của vùng đất này.

Ở châu Âu, ông cũng cho thấy được sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo lên các đất nước ở vùng Scandinavia, cũng như motif “tam tài” của vùng trung tâm. Ở đây màu đỏ thường xuyên xuất hiện, và đặc biệt nhất là ý nghĩa của nó không hề thay đổi trên toàn thế giới, khi luôn đại diện cho một thông điệp “máu đã đổ xuống để giành độc lập”. Trong khi màu trắng thường đại diện cho hòa bình, hòa hợp (ở châu Phi, châu Mỹ) thì tại châu Âu, nó là biểu trưng cho tuyết núi Alps. Xanh lam trong cờ Phần Lan là màu vạn hồ, nhưng ở nước khác thì lại ngầm ý cho sự tự do…

Sự đa nghĩa này cũng đã tạo ra rất nhiều tình huống trớ trêu. Chẳng hạn cờ của các quốc gia Scandinavia vẫn thường chứa đựng những dấu chữ thập, dù đây là nơi có cư dân ít theo nhà thờ nhất trên thế giới. Nhưng với đạo Hồi thì đó là một lựa chọn hoàn toàn ngược lại, mang tính bất di bất dịch.

Sự giống nhau về màu sắc này cũng được Marshall ngược dòng lịch sử để chứng minh rằng nó cũng đại diện cho những góc nhìn hướng về thế giới đại đồng. Chẳng hạn các sọc ngang màu đỏ - trắng - đen trên cờ Ai Cập, Syria và Iraq ban đầu tượng trưng cho lý tưởng về một Cộng hòa Ả Rập Thống nhất; trong khi ba màu xanh - trắng - xanh của El Salvador, Honduras và Guatemala phản ánh một giai đoạn thống nhất ngắn hạn sau khi người Tây Ban Nha bị đánh đuổi khỏi khu vực Trung Mỹ.

Bao quát rộng hơn, bộ vàng - xanh lam - trắng của Bolivia, Ecuador, Colombia và Venezuela thì lại nhắc về quá khứ của Simón Bolívar – người lãnh đạo phong trào giành độc lập ở Nam Mỹ - trong nỗ lực tạo ra một siêu quốc gia Nam Mỹ. Và Nam Tư với các sọc ngang đỏ - trắng - xanh vẫn còn trường tồn trên các quốc kỳ của Serbia, Slovenia và Croatia như một di sản. Từ đó có thể thấy rằng những lá cờ lâu bền nhất thường có xu hướng thuộc về quốc gia rất ít thay đổi về mặt chế độ, chẳng hạn như Đan Mạch...

Mahatma Gandhi – “Cha già dân tộc” của Ấn Độ đã từng nói rằng: “Lá cờ là điều cần thiết cho mọi quốc gia. Hàng triệu người đã chết vì nó. Chắc chắn đấy là một kiểu thờ thần tượng mà việc hủy bỏ nó sẽ là tội lỗi.” Do đó nhìn vào những sự tương đồng cũng như khác biệt của mỗi hình thù, thì tại đó, lịch sử của một khu vực cũng sẽ hiện ra. Từ đây quốc kỳ cho thấy ý nghĩa nhiều hơn của bản thân nó, không chỉ mang tính đại diện nhất thời, mà còn là cuốn sách sử và là điềm báo hướng đến tương lai.

Bìa sách Chết cho màu cờ. Ảnh: Nhã Nam

Bìa sách Chết cho màu cờ. Ảnh: Nhã Nam

Thế lưỡng nan ẩn trong ý nghĩa

Tuy vậy bên cạnh dụng ý đoàn kết, thì Marshall cũng đã chứng minh những lá quốc kỳ cũng có khả năng chia rẽ chúng ta. Và tính lưỡng nan của cảnh huống này thường được đan cài một cách uyển chuyển như những tấm vải tung bay. Điều này tương đối dễ thấy ở cờ Union Jack của Vương quốc Liên hiệp. Những tưởng là sự kết hợp của các lãnh thổ Bắc Ireland, Scotland và Anh, thế nhưng khía cạnh “Đại Anh” (nghiêng về phía Anh) sẽ luôn là một khái niệm có phần phức tạp với các mong muốn được độc lập, thoát ly của những cấu phần thuộc tổng thể chung.

Không chỉ khác biệt trong việc lựa chọn Brexit hay không, mà các thành viên của Liên hiệp này cũng đang cho thấy phản ứng khác nhau về sự thống nhất hay là chia rẽ, dựa trên bản chất của câu hỏi đó mang tính tích cực hay là tiêu cực. Chẳng hạn Marshall đã dẫn ra rằng chỉ có 15% người Anh “gắn” cờ Đại Anh với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan, nhưng ở Scotland, thì con số này là khoảng 25%. Còn khi được hỏi về sự tự hào và lòng ái quốc mà lá cờ chung có thể thể hiện, thì tình thế này hoàn toàn ngược lại, khi 80% người Anh đồng ý thấy mình hãnh diện, thì ở xứ Wales tỉ lệ giảm xuống chỉ còn 68% và Scotland là 56%.

Cờ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland được tạo thành từ cờ của 3 thành phần khác nhau. Việc chữ thập ở trước khi đường chéo ở trước cũng từng là một lựa chọn có phần khó khăn. Nguồn Sketchplanations

Một điểm cũng độc đáo khác mà Marshall chỉ ra nằm ở hai nước là Đức và Nhật. Dù cho cùng phe trong Đệ nhị thế chiến, thế nhưng lịch sử quốc kỳ của hai nước này tương đối khác biệt. Nhật Bản giữ vững quốc kỳ từ giữa thế kỷ 19, khi chính quyền Minh Trị thời kỳ đầu bắt đầu nhận ra mình cần gây dựng tinh thần đoàn kết ở trong dân chúng, dẫn đến sắc lệnh cờ mặt trời mọc sẽ được sử dụng làm cờ hải quân đã được đưa ra.

Và hình ảnh này cũng theo sát Nhật Bản từ đó cho đến Đệ nhị Thế Chiến, giai đoạn khắc phục chiến tranh và cả tương lai sau này. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc vẫn giữ nguyên lá cờ của đất nước này với những tội ác đã từng gây ra tại khắp châu Á cũng chẳng khác nào “những con quỷ dữ” mang chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã. Nhưng Marshall cũng dành cái nhìn trung dung khi chứng minh rằng, không giống Đệ tam đế chế, “cỗ máy chiến tranh” Nhật Bản chỉ được tạo ra trong thời gian ngắn và không hủy diệt theo kiểu hệ thống có lớp có lang các sắc dân khác chỉ bằng độc tôn một ý thức hệ.

Một điều khác nữa là do lá cờ Nhật Bản đã có từ giai đoạn đầu khi nó xuất hiện, chứ không phải từ thập niên 1940 như Đức Quốc xã vẫn luôn được coi như là đại diện cho khoảng thời gian cụ thể, có ý thức riêng và cần xóa bỏ trong giai đoạn mới. Vì vậy yêu cầu xóa bỏ cả lịch sử dài của riêng Nhật Bản là khá phi lý, và nếu đòi hỏi phải có cờ mới trong một giai đoạn thuộc lịch sử mới, thì cờ Anh, Pháp, Bỉ… cũng phải đổi theo, bởi đây từng là đế chế thực dân với các thuộc địa trải dài rộng khắp.

Vì vậy có thể thấy rằng những sự phân tích giữa điểm tương đồng cũng như khác biệt chính là điểm nhấn rất đáng chú ý của tác phẩm này. Nó là những điểm vụt sáng, nếu so với phần lớn tác phẩm khi Tim Marshall đang quá sa đà vào những dấu mốc lịch sử, dẫn đến luận điểm thiếu sự sắc sảo, đáng nhớ và mới mẻ. Điều này còn chưa nói đến tác phẩm hầu như bỏ qua vùng Caribe, Trung Phi, Đông Nam Á và châu Đại Dương. Dù vậy không thể phủ nhận là Tim Marshall có kiến thức rộng cũng như bao quát. Trong sự thiếu sót cũng sẽ mở ra những khả thể khác, từ đó độc giả ít nhiều có được thông tin cơ bản, mở đường cho việc tự mình khám phá và tìm tòi thêm những sợi dây liên kết bền chặt hơn nữa.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chet-cho-mau-co-40338.html