Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình 50 năm xây dựng và phát triển

Thực hiện Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Cùng với sự xây dựng và phát triển của lực lượng Kiểm lâm trong cả nước, Kiểm lâm Ninh Bình cũng dần lớn mạnh cùng với ngành và đất nước. Trải qua 3 giai đoạn: Chi cục Kiểm lâm nhân dân Ninh Bình (1973 - 1976), Kiểm lâm nhân dân Hà Nam Ninh (1976 - 1992) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình (từ 1992 đến nay), lực lượng Kiểm lâm Ninh Bình đã không ngừng xây dựng và phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra, kiểm soát rừng khu vực Vân Long (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Cán bộ kiểm lâm tuần tra, kiểm soát rừng khu vực Vân Long (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Những năm đầu mới thành lập, tổ chức bộ máy của Kiểm lâm Ninh Bình mới chỉ có 25 công chức, viên chức, trong đó có 1 người trình độ đại học, 4 người trình độ trung cấp, số còn lại được điều động từ công nhân lâm nghiệp hoặc từ một số ngành khác sang. Đến nay, bộ máy tổ chức của Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã được kiện toàn và tinh gọn gồm 2 phòng chuyên môn, 5 đơn vị trực thuộc và 1 Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long với tổng biên chế được giao là 64 người; trong đó trình độ thạc sĩ là 18 người, trình độ đại học là 39 người; trình độ cao đẳng và trung cấp là 4 người, trình độ sơ cấp 3 người. Năng lực và trình độ của cán bộ, công chức, viên chức trong Chi cục dần được nâng lên đáp ứng được ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Ninh Bình là tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc bộ, có tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng 30.484 ha, chiếm hơn 20% diện tích tự nhiên của tỉnh; diện tích có rừng toàn tỉnh là 27.209,18 ha, tỷ lệ che phủ là 19,62%, có đủ 3 loại rừng là đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Diện tích rừng của Ninh Bình tuy không nhiều nhưng có vai trò và giá trị rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngoài các giá trị về phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học..., rừng còn là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch sinh thái với Dự án khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư - cơ sở quan trọng của quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được sách kỷ lục guinness công nhận là nơi có quần thể Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam (năm 2010); năm 2019 được thế giới ghi danh là khu Ramsa thứ 2360 của thế giới và thứ 9 của Việt Nam; ngày 18/9/2020 Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu đã chính thức phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh cho Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Khu rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn - một phần của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.

Kết quả trên là sự nỗ lực và đóng góp của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình qua nhiều thế hệ. Trong mỗi giai đoạn phát triển, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn.

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về bảo vệ và phát triển rừng, nổi bật trong các năm qua là: xây dựng đề án tổng quan nông, lâm, công nghiệp tỉnh Ninh Bình, xây dựng và tổ chức triển khai Dự án Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư, xây dựng và tổ chức triển khai Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tham gia xây dựng Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình.

Tham mưu thực hiện các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Ninh Bình, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua chính sách tạo mối liên kết bền vững giữa chủ rừng, người nhận khoán (người cung ứng dịch vụ môi trường rừng) và tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Lợi ích từ rừng được nâng lên sẽ nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời tái đầu tư cho phát triển rừng.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng, Chi cục Kiểm lâm đã quán triệt, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức hội nghị triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "bốn tại chỗ"; rà soát khoanh vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện xây dựng hệ thống đường băng cản lửa phòng cháy rừng tại các khu rừng dễ cháy; cấp phát trên 1.000 dụng cụ chữa cháy rừng các loại và nhiều dụng cụ, phương tiện khác phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, tổ chức thường trực 24/24 giờ đối với những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên. Do vậy, số vụ cháy rừng xảy ra ngày càng giảm, nhiều năm qua không có vụ cháy lớn xảy ra.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình còn triển khai áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các sáng kiến trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có công tác phòng cháy, theo dõi diễn biến rừng, phát triển rừng như: khai thác sử dụng phần mềm phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng từ ảnh vệ tinh theo thời gian thực; phần mềm Gis về cơ sở dữ liệu quản lý và bảo vệ rừng, phát hiện sớm cháy rừng và chỉ huy chữa cháy rừng, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm thường xuyên và đổi mới phương thức nhằm tăng đối tượng tiếp cận tới các thông tin, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong 10 năm gần đây, Chi cục đã tổ chức 113 cuộc tuyên truyền lưu động, 17 cuộc diễn tập chữa cháy rừng, phối hợp xây dựng 27 phóng sự truyền hình; mở 30 lớp tập huấn, hội nghị; tổ chức 11 cuộc tuyên truyền cho học sinh, hàng chục cuộc thi tìm hiểu pháp luật lâm nghiệp, hàng trăm lớp tập huấn về các nội dung bảo vệ rừng, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng; viết tin, bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Với chức năng bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, lực lượng Kiểm lâm luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Từ năm 1992 trở lại đây, lực lượng Kiểm lâm Ninh Bình đã phát hiện, xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 3.973 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý lâm sản, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự trên 65 vụ. Tổng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản là trên 54 tỷ đồng; tịch thu trên 7.557m3 gỗ các loại, 7 ô tô, 12 mô tô và gần 100 tấn động vật hoang dã; 3 xác hổ, xương báo, chân gấu, hàng nghìn con chim, tắc kè, trên 3.000 kg dầu Re và nhiều loại lâm đặc sản khác như: vỏ quế, than hầm, măng tươi... Tổ chức thả vào Vườn Quốc gia Cúc Phương, các trung tâm cứu hộ hàng nghìn kg động vật hoang dã quý hiếm như: Báo gấm, Rắn Hổ mang chúa, Khỉ, Cầy vằn, Cầy hương, Gà lôi, Rùa vàng, Gấu, Chồn, Tê-tê, Rắn ráo, Cú mèo...

Đến nay, rừng trên địa bàn tỉnh không còn điểm nóng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng thay thế được thực hiện nghiêm túc. Các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, đến nay đã thu được hơn 23 tỷ đồng. Hàng năm, các địa phương, tổ chức được giao kế hoạch trồng rừng thay thế tổ chức trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Trong giai đoạn 2017 - 2022, đã thực hiện trồng được 295,3 ha (trong đó 24 ha rừng đặc dụng; 217,5 ha rừng phòng hộ; hỗ trợ 53,8 ha rừng sản xuất).

Cùng với các nhiệm vụ công tác trên, Chi cục Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác thỏa thuận hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ về các lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học như: Tổ chức VCF, GEF, FZS…, trong đó có sự hợp tác bền vững từ năm 2001 đến nay với Hội Động vật học Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (FSZ) về bảo vệ loài Voọc mông trắng, loài thú quý hiếm đặc hữu của Việt Nam. Thông qua sự hợp tác với FSZ, số lượng cá thể Voọc mông trắng đã sinh trưởng và phát triển tốt, năm 2010 được Trung tâm kỷ lục sách Việt Nam công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là "Nơi có số lượng cá thể Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam"...

Rừng được bảo vệ, hệ sinh thái ngày càng đa dạng, phong phú cả về số lượng cá thể và thành phần loài. Riêng về thực vật kết quả điều tra năm 2022 cho thấy, trong tổng số 966 loài thực vật tại vùng núi đá vôi tỉnh Ninh Bình có 711 loài có ích (chiếm 73,60% tổng số loài của hệ thực vật), có nhiều loài cây cho nhiều công dụng khác nhau nên tổng số lượt loài có ích lên tới 1.009 lượt loài, trong đó số loài cây làm thuốc có 548 loài, chiếm 56,73% tổng số loài của toàn hệ, bao gồm các loài: Kim tuyến đá vôi, Hài xoăn, Trà hoa vàng, Cốt toái bổ, Tắc kè đá, Khôi tía, Củ dòm... Trong số 23 loài dược liệu quý, hiếm và đặc hữu phải kiểm soát do Bộ Y tế ban hành có 13 loài được phân bố tại tỉnh Ninh Bình.

Hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng từ rừng trên núi đá vôi, rừng ngập nước, rừng gò đồi và đan xen lẫn nhau tạo nên điểm đặc trưng có ý nghĩa to lớn không chỉ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn đối với hoạt động khai thác du lịch sinh thái khi Ninh Bình được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023.

Ghi nhận sự cố gắng và những kết quả đã đạt được trong chặng đường 50 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), hạng Nhì (năm 2003), hạng Nhất (năm 2013) nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh và của các bộ, ngành.

50 năm xây dựng và phát triển là một chặng đường dài, mỗi giai đoạn phát triển đều gắn với một mục tiêu, nhiệm vụ của từng thời kỳ của Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình. Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức; tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra.

Nguyễn Văn Dương
(Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-cuc-kiem-lam-ninh-binh-50-nam-xay-dung-va-phat-trien/d20230515084640390.htm