Chi hơn 31 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

4 tháng đầu năm 2024, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có quy mô kim ngạch nhập khẩu lớn nhất cả nước.

Thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 4, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,6 tỷ USD.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, cả nước chi 31,65 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng mạnh 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 6,2 tỷ USD).

Với kết quả trên, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có quy mô kim ngạch nhập khẩu lớn nhất cả nước, chiếm 27,53% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm.

Biểu đồ: Tạp chí Hải quan.

Biểu đồ: Tạp chí Hải quan.

Theo tạp chí Hải quan, các thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng trên là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu với 10,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,46 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàn Quốc đứng thứ hai với 9,2 tỷ USD, tăng 10,44% (tương đương kim ngạch tăng thêm 870 triệu USD).

Đứng thứ 3 là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 3,8 tỷ USD, tăng 18% (tương đương kim ngạch tăng thêm 580 triệu USD).

Với 2,62 tỷ USD, Nhật Bản đứng vị trí thứ 4, tăng 19,63% (tương đương kim ngạch tăng 430 triệu USD).

Như vậy, riêng 4 thị trường lớn nhất kể trên chiếm 81,26% tổng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.

Theo báo Đầu tư, đơn hàng xuất khẩu ngành hàng điện tử phục hồi đã kéo theo nhập khẩu nhóm hàng này 4 tháng đầu năm nay tăng mạnh.

4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đạt gần 21,7 tỷ USD, tăng 34,9%, còn điện thoại và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng gần 7%. Tổng xuất khẩu của 2 nhóm hàng này 4 tháng đã vượt 40 tỷ USD.

Trong năm ngoái, xuất khẩu điện tử của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi sức mua của thị trường toàn cầu suy giảm, tuy nhiên vẫn đóng góp 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện đạt xấp xỉ 110 tỷ USD, trong đó xuất khẩu điện thoại, linh kiện đạt khoảng 52,4 tỷ USD giảm 9,7% so với năm 2022, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, tuy nhiên chịu ảnh hưởng không nhỏ khi thương mại toàn cầu chậm lại,thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng mới bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… xuống thấp, nên phải sản xuất cầm chừng, tìm cách giữ chân người lao động, chờ khi thị trường ấm lên.

Trong bối cảnh này, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ ràng hơn, các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều đạt mức tăng rất cao.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-hon-31-ty-usd-nhap-khau-may-vi-tinh-san-pham-dien-tu-va-linh-kien-a664162.html