Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực được thăng, giáng cấp quân hàm
Bộ Quốc phòng vừa ban hành thông tư quy định thêm thẩm quyền cho Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực trong việc phong quân hàm.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ký ban hành Thông tư 65/2025 của Bộ Quốc phòng về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 07 và 241.
Cụ thể, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 07/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo các nội dung trong Thông tư mới, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực quyết định phong quân hàm binh nhì đối với công dân đăng ký tham gia phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam và đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.

Lễ giao nhận quân tại Hà Nội
Ngoài ra, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực cũng sẽ quyết định việc thăng, giáng cấp bậc quân hàm đến trung sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của QĐND Việt Nam đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.
Đồng thời, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực quyết định bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức tiểu đội trưởng và các chức vụ tương đương đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị dự bị động viên.
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy cấp xã theo phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các đơn vị nhận nguồn, các đơn vị thuộc các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng các đơn vị chuyên môn dự bị có quân nhân dự bị đăng ký nghĩa vụ quân sự tại địa phương (nếu có) tổ chức thực hiện việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm và bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.
Trước đây, theo Thông tư 07/2016, một số thẩm quyền trên thuộc về Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sau khi giải thể Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, thành lập Ban chỉ huy phòng thủ khu vực thì thẩm quyền này chuyển về cho Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực.
Trước khi sáp nhập tỉnh, kết thúc hoạt động của cấp huyện, cả nước có 63 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành (trừ Hà Nội và TP. HCM có tính chất riêng). Sau khi giải thể 696 Ban chỉ huy quân sự cấp huyện với 34 tỉnh, thành phố mới, có 145 Ban chỉ huy phòng thủ khu vực, có tỉnh chỉ có 3 nhưng cũng có tỉnh tới 6 Ban chỉ huy phòng thủ khu vực (phù hợp với từng địa bàn, diện tích, dân số và yêu cầu quân sự, quốc phòng...).
Quy định mới về tuyển chọn quân nhân
Ngoài các thay đổi trên, Thông tư 65 của Bộ Quốc phòng cũng sửa đổi một số điều trong Thông tư 241/2017 về việc tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Các tiêu chuẩn tuyển chọn quân nhân đã được điều chỉnh để đảm bảo người được tuyển chọn phải có phẩm chất chính trị, đạo đức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2019, Điều 10 Thông tư số 263/2013 và có năng lực, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Về tiêu chuẩn sức khỏe, quân nhân cần phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Thông tư 105/2023 quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.