Chiếm lại bán đảo Crimea – Tham vọng đầy rủi ro của Ukraine

Ukraine vẫn có ý định giành lại Crimea từ Nga, nhưng đây không phải là mục tiêu dễ dàng và bán đảo này có thể trở thành một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán ngoại giao trong tương lai.

Đối với bất cứ ai quan tâm đến kết quả cuộc phản công sắp tới của Ukraine, vấn đề đáng chú ý nhất có lẽ là Crimea. Các nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, họ quyết tâm giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất từ tay Nga, bao gồm cả Crimea – bán đảo mà Moscow sáp nhập từ năm 2014.

Trực thăng cứu hỏa xả nước dập lửa trên cầu Crimea sau vụ đánh bom hồi tháng 10/2022. Ảnh: AP

Trực thăng cứu hỏa xả nước dập lửa trên cầu Crimea sau vụ đánh bom hồi tháng 10/2022. Ảnh: AP

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thường nhấn mạnh mục tiêu chiến tranh của Ukraine là do Ukraine tự quyết định, nhưng Washington cho rằng một mục tiêu lớn như vậy vượt quá khả năng quân sự của Kiev. Mỹ cũng lo ngại khả năng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để giữ bán đảo quan trọng ở Biển Đen này.

Mục tiêu chiếm lại Crimea sẽ ở mức độ nào trong cuộc phản công sắp tới sẽ tùy thuộc vào cách các bên đánh giá bối cảnh quân sự, chính trị, ngoại giao và thậm chí cả nhân khẩu học.

Mục tiêu không dễ dàng

Theo ông Stephen Sestanovich, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, việc giành lại Crimea sẽ là mục tiêu tham vọng. Chỉ có 2 con đường nối đất liền Ukraine với Crimea: một con đường đi qua một eo đất hẹp, rất khó tiến hành cuộc tấn công; con đường còn lại có một cây cầu.

Bán đảo này hiện là một trong những nơi được củng cố vững chắc nhất trong vùng chiến sự. Bên cạnh các chướng ngại vật được đặt dọc theo những con đường quan trọng nối Crimea với đất liền Ukraine, Nga cũng đã xây dựng các chiến hào dọc theo 32km bờ biển ở phía Tây Crimea, gần Vitino. Hình ảnh vệ tinh cho thấy pháo kéo đã được bổ sung trong cùng khu vực.

Ukraine sẽ cần có thời gian, nỗ lực và thiết bị đáng kể để chọc thủng các công sự của Nga ở phía Bắc Crimea.

Crimea là khu vực tiến hành các hoạt động của Nga ở phía Nam Ukraine. Để chuẩn bị cho cuộc phản công sắp tới, các lãnh đạo quân sự Ukraine đang tìm kiếm vũ khí tầm xa hơn. Nếu tấn công Crimea từ xa, Ukraine sẽ không thể dễ dàng chiếm lại bán đảo này, nhưng có thể góp phần đáng kể vào thành công của cuộc phản công ở lục địa Ukraine.

Các cuộc thăm dò dư luận ở Ukraine cho thấy có sự ủng hộ gần như tuyệt đối đối với việc khôi phục đường biên giới trước năm 2014. Tuy nhiên, Kiev cũng thừa nhận việc sáp nhập lại bán đảo này vào Ukraine sẽ không dễ dàng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk gần đây thừa nhận, việc giải phóng Crimea không phải là một mục tiêu thực tế.

Trước khi sáp nhập vào Nga năm 2014, Crimea đã là một ngoại lệ trong chính trị của Ukraine. Những thay đổi nhân khẩu học cũng sẽ làm phức tạp thêm quá trình tái hợp nhất Crimea với Ukraine. Hàng trăm nghìn công dân Nga đã định cư tại bán đảo này trong suốt 9 năm qua. Một nghiên cứu của Phần Lan đưa ra con số trên 350.000 người, trong khi ước tính của Ukraine là 600.000 người.

Một số quan chức Ukraine đã bắt đầu kêu gọi trục xuất quy mô lớn đối với công dân Nga và “giải độc” Crimea - một quá trình có thể đưa Kiev vào thế đối đầu với các chính phủ phương Tây.

Lý do Ukraine tuyên bố cứng rắn về việc chiếm lại Crimea

Theo ông Sestanovich, những tuyên bố của Ukraine về việc chiếm lại Crimea cũng không phải chỉ là nói suông mà hoàn toàn có mục đích.

Khi tập trung xây dựng các công sự ở Crimea và triển khai nhân lực để bảo vệ bán đảo này, Nga sẽ chuyển hướng các nguồn lực khỏi phần còn lại của chiến dịch quân sự ở Ukraine và điều này có lợi cho Kiev ở các khu vực khác trên chiến trường.

Nếu những tuyên bố công khai về việc chiếm lại Crimea giúp củng cố sự thống nhất quốc gia Ukraine, thì đó cũng là một điều tích cực. Bằng cách nhắc lại các yêu sách lãnh thổ mà đại đa số các chính phủ trên thế giới đều công nhận, các nhà lãnh đạo của Kiev đã biến Crimea, ít nhất trở thành một con bài thương lượng lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào sau này.

Tuy nhiên, thực tế là những tuyên bố cứng rắn của Ukraine về Crimea cũng đi kèm với rủi ro. Nói quá nhiều về việc giành lại bán đảo này đã khiến các nước phương Tây miễn cưỡng hơn trong việc gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine. Nó cũng hạn chế sự linh hoạt của Ukraine trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Mục tiêu Crimea trong cuộc phản công?

Câu hỏi về việc Nga sẽ đáp trả như thế nào khi Crimea bị tấn công vẫn là vấn đề khiến phương Tây lo ngại.

“Có nguy cơ rõ ràng rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại cuộc tấn công của Ukraine ở Crimea. Đó là lý do tại sao các nước phương Tây không công khai ủng hộ việc Ukraine chiếm lại Crimea”, ông Nicolo Fasola, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Đại học Bologna (Italy) nhận định.

Những ràng buộc chính trị trong nước sẽ ngăn bất kỳ nhà lãnh đạo Ukraine nào chấp nhận từ bỏ mọi yêu sách pháp lý đối với Crimea. Ở khía cạnh này, những tuyên bố cứng rắn hiện tại sẽ hạn chế hoạt động ngoại giao trong tương lai. Tuy nhiên, nó để lại khoảng trống đáng kể cho hành động (có lẽ bằng cách trì hoãn các cuộc đàm phán về tình trạng cuối cùng về Crimea cho một thời điểm sau này).

Theo ông Stephen Sestanovich, cuộc phản công của Ukraine có thể sẽ tập trung vào phá vỡ “cầu nối đất liền” tới Crimea dọc theo bờ Biển Đen, thay vì chiếm lại hoàn toàn bán đảo. Điều này sẽ giảm rủi ro và cái giá phải trả cho chiến dịch của Kiev, đồng thời xoa dịu những lo ngại của phương Tây về nguy cơ leo thang hạt nhân./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo CFR

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chiem-lai-ban-dao-crimea-tham-vong-day-rui-ro-cua-ukraine-post1015457.vov