Chiến lược phục hồi xanh, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu

Tác động do biến đổi khí hậu dự kiến ảnh hưởng đến 433.000 người/năm, gây thâm hụt 3,6 tỷ USD vào năm 2030 tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần hướng đến phát triển xanh bền vững, bởi đây là một xu thế tất yếu. Đây cũng là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm: 'Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh' do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức chiều 18/02.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai những chiến lược phục hồi xanh, tăng trưởng xanh; trong đó, tài chính xanh là mảng rất quan trọng. Đặc biệt, sau Hội nghị COP26 đã tạo ra một tiếng vang, hình thành một xu hướng mới về tăng trưởng xanh. Nhiều tổ chức quốc tế, đang thiết kế các gói tài chính xanh, để giúp các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng.

Bà MICHELE WEE - Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Standard Chartered sẽ tiếp tục đóng vai trò kết nối Việt Nam với thế giới, đồng thời cung cấp tài chính cho những khu vực có thể tạo ra những tác động tích cực. Chúng tôi tin rằng việc Chính phủ chú trọng vào phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững sẽ giúp tăng cường niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy họ đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam trong dài hạn.”

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến 2050, con số này giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đây là hướng đi đúng đắn, song theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều thách thức.

Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng phát triển châu Á ADB: “Vẫn có những hành lang pháp lý hiện tại chưa thực sự thông thoáng để Việt Nam có thể tiếp cận, chứ đừng nói đến những nguồn vốn xanh, bởi vì vốn xanh là vốn mới. Cho nên, không hẳn là khi nào có hành lang pháp lý thì chúng ta mới làm mà phải có tính chủ động. Chúng ta có thấy rất nhiều nước đang phát triển cho dù chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng họ vẫn chủ động tiếp cận, và nó đòi hỏi có sự quyết tâm về mặt chính trị.”

Ông TRẦN VĂN LÂM - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Một số cơ sở luật vừa xây dựng trong thời gian vừa rồi đã bước đầu tiếp cận, chẳng hạn như Luật môi trường vừa rồi cũng đã tính tới các yêu tố phát triển xanh bền vững... Chúng ta cũng phải sẵn sàng bố trí các nguồn lực về tài chính xanh đáp ứng lộ trình phát triển đó và quá trình này đòi hỏi phải nghiên cứu tính toán một cách thận trọng kĩ lưỡng nhưng cũng phải làm ngay không thể chậm trễ được.”

Các chuyên gia cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn. Đồng thời cân nhắc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng cao hơn cho những ngành thuộc nhóm xanh hoặc hỗ trợ tài chính cho tín dụng xanh./.

Thực hiện : Lê Hương Như Hiền Thành Trung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chien-luoc-phuc-hoi-xanh-tang-truong-xanh-la-xu-the-tat-yeu