'Chiến sĩ nhí' tự lập, trưởng thành

Hơn 100 em đến từ nhiều tỉnh, thành hào hứng tham gia 'Học kỳ trong quân đội' năm 2024 tại Trung đoàn Bộ binh 568, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình.

Hào hứng tham gia giờ học vượt chướng ngại vật. Ảnh: M.C

Hào hứng tham gia giờ học vượt chướng ngại vật. Ảnh: M.C

Học làm “chiến sĩ”

Đúng 5 giờ 30 phút, tiếng kẻng báo thức vang lên cũng là lúc các “chiến sĩ nhí” tự giác thức dậy ra sân tập thể dục, sau đó gấp chăn màn gọn gàng và làm công việc cá nhân.

Vốn đã quen với sự nuông chiều, bao bọc của bố mẹ, giờ đây ở môi trường mới, các “chiến sĩ nhí” phải tự lập từ những công việc cá nhân đến các hoạt động tập thể, thực hiện giờ nào việc ấy.

Sau những ngày rèn luyện vất vả trong môi trường có tính kỷ luật cao, từ những bỡ ngỡ ban đầu, Trần Hà Chi (10 tuổi, Trường Tiểu học Vũ Tiến, Thái Bình) đã rắn rỏi, mạnh dạn hơn khi giao tiếp với người lạ.

Lại Diệu Hiền (lớp 8, Trường THCS và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM) thích thú và vui vẻ khi được học tập các kiến thức quân sự. Em được học điều lệnh đội ngũ, các tư thế vận động trên chiến trường, hiểu biết về tính năng cấu tạo súng AK, thực hành mắc võng lều khi hành quân…

“Mấy ngày đầu đến đơn vị, mọi thứ đều xa lạ, em cảm thấy buồn chán, mệt và muốn về nhà. Sau khi được các chú bộ đội hướng dẫn, chỉ bảo từ lễ tiết tác phong, luyện tập các động tác điều lệnh thì em quen dần và thấy khỏe khoắn hơn. Em vui khi được giao tiếp với nhiều bạn, được các anh, chị lớn tuổi hơn giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống”, Diệu Hiền nói.

Những bài thể dục buổi sáng, trò chơi vận động, các diễn đàn xây dựng ý thức và nhân cách, hoạt động giao lưu văn nghệ, hành quân dã ngoại… đã giúp các “chiến sĩ nhí” nâng cao ý thức trách nhiệm đối với gia đình, người thân và cộng đồng. Các em biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ mọi người.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình cho biết, ngày đầu tiên đặt chân đến doanh trại quân đội, nhiều em khóc do chưa quen với nếp sinh hoạt nghiêm khắc, nhớ gia đình. Sau vài ngày học tập, rèn luyện, các em đã quen dần chế độ sinh hoạt quân ngũ, chủ động trong học tập và các hoạt động tập thể.

“Đến với chương trình ‘Học kỳ quân đội’, các em được tham gia các bài học thực tế kết hợp với bài tập thực hành ứng xử. Các em học được những thói quen tốt, biết cách thể hiện tình cảm với người thân, bạn bè…”, bà Dương cho hay.

Học sinh tham gia “Học kỳ quân đội” lần 1 năm 2024 tại Trung đoàn 568 Thái Bình. Ảnh: M.C

Học sinh tham gia “Học kỳ quân đội” lần 1 năm 2024 tại Trung đoàn 568 Thái Bình. Ảnh: M.C

Các em tham gia đêm lửa trại. Ảnh: M.C

Các em tham gia đêm lửa trại. Ảnh: M.C

Trải nghiệm tăng gia sản xuất. Ảnh: M.C

Trải nghiệm tăng gia sản xuất. Ảnh: M.C

Các “chiến sĩ nhí” được trải nghiệm đánh trận giả trong đêm. Ảnh: M.C

Các “chiến sĩ nhí” được trải nghiệm đánh trận giả trong đêm. Ảnh: M.C

Trải nghiệm để trưởng thành

Nguyễn Thiên Phú (lớp 9, Trường THCS Kỳ Bá, Thái Bình) vui vẻ khi tham gia thực hành bài học kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn.

“Trước đây, qua tivi và phim ảnh, em đã tìm hiểu về việc dùng bình chữa cháy. Tại khóa học em được làm trực tiếp. Sau khi được nghe hướng dẫn, em bình tĩnh, tự tin cầm bình cứu hỏa chạy về phía đám cháy. Đến khoảng cách thích hợp, em đặt bình xuống, rút chốt, cầm vòi xịt, sau khoảng 5 phút, lửa đã được dập tắt”, Thiên Phú hào hứng.

Đây là lần đầu tiên nam sinh này được tham gia chương trình “Học kỳ quân đội”. Trước khi đến đây, em khá lo lắng vì chưa hiểu nhiều về môi trường quân đội. Được sự hướng dẫn tận tình của các anh chị phụ trách, các chú bộ đội, nam sinh thấy mình trưởng thành lên từng ngày.

Phạm Minh Dương, (13 tuổi, Thái Bình) thừa nhận, khóa học là trải nghiệm thú vị. Khóa học giúp bản thân em rèn luyện thêm nhiều điều còn thiếu sót, tránh được các thiết bị điện tử.

“Qua 8 ngày trải nghiệm tại đây, em đã được học rất nhiều điều. Em biết kỹ năng nội vụ như: Gấp chăn màn, quần áo, biết kỹ năng sinh tồn, cứu thương…”, Minh Dương nói.

Nhờ được rèn luyện, giáo dục trong môi trường quân đội, lành mạnh, không máy tính, điện thoại, các em đã có nhiều thời gian để giao tiếp, tâm sự, chia sẻ với nhau. Nhiều em đã tự tin, chững chạc, chín chắn hơn, có tinh thần tập thể, sống tự lập, có trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Chị Phan Thị Hà (47 tuổi), mẹ của Minh Dương cho biết, mỗi ngày được các cô phụ trách lớp báo cáo về tình hình của các con trên Zalo. Chị mừng khi thấy con tiến bộ từng ngày.

Theo Thượng tá Đặng Văn Đảng, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 568, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, các bạn trẻ đến từ nhiều địa phương của cả nước, có sự khác nhau về độ tuổi, giới tính, nhận thức. Do chưa quen với nền nếp trong quân đội nên các cán bộ, giáo viên phải trực tiếp giảng giải, tổ chức huấn luyện mẫu thông qua các tình huống.

Phần lớn học sinh tham gia học kỳ trong quân đội lần đầu xa vòng tay gia đình. Với sự tận tình hướng dẫn, chỉ dạy của ban tổ chức, đội ngũ điều phối viên, các em dần quen với nếp sống mới trong môi trường quân đội, tự giác trong rèn luyện.

“Sau mỗi khóa học, các em sẽ trưởng thành hơn cả trong suy nghĩ và hành động. Từ cảm giác bỡ ngỡ, bị gò ép vào khuôn khổ, các em đã dần hình thành ý thức tự giác trong mọi hoạt động rèn luyện và sinh hoạt. Đây sẽ là kỳ nghỉ hè đáng nhớ nhất đối với các em”, Thượng tá Đảng nói.

Chương trình “Học kỳ quân đội” do Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 568 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình) tổ chức tại xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Chương trình giúp các em học sinh trong độ tuổi từ 11 - 17 có những ngày hè trải nghiệm sôi động và bổ ích.

Chương trình được tổ chức làm 2 khóa theo chủ đề “Chiến sĩ quân đội nhân dân tương lai” và khẩu hiệu “Đi để trải nghiệm - Đi để trưởng thành” với sự góp mặt của các em học sinh đến từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và TPHCM. Trong những ngày học, các em được trải nghiệm môi trường sinh hoạt, huấn luyện trong quân đội để rèn luyện ý chí, nghị lực.

Các nội dung được luyện tập như: Tháo lắp súng tiểu liên AK, huấn luyện kiến thức cơ bản về điều lệnh quản lý bộ đội, kỹ thuật mắc tăng võng, các tư thế vận động trên chiến trường… Học sinh còn được huấn luyện kỹ năng sống như: Làm việc nhóm, sinh hoạt tập thể, xử lý tình huống, sơ cấp cứu và tham gia các buổi huấn luyện về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em...

Mai Chiên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-si-nhi-tu-lap-truong-thanh-post688895.html