Chiến tranh ngày càng leo thang trầm trọng ở Sudan

Các cơ quan, tổ chức quốc tế về điều phối người tị nạn ở Sudan đang kêu gọi Liên hợp quốc gây thêm áp lực đối với các bên tham chiến để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở nước này.

Người dân sơ tán khỏi xung đột leo thang ở vùng Darfur của Sudan. Ảnh: Reuters

Người dân sơ tán khỏi xung đột leo thang ở vùng Darfur của Sudan. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát an ninh Sudan, cuộc xung đột giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) kể từ ngày 15/4/2023 đến nay không những chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mà còn có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Những nỗ lực quốc tế nhằm hòa giải cuộc xung đột cho đến nay đều thất bại. Trong gần 6 tháng qua, đã có ít nhất 9 thỏa thuận ngừng bắn nhưng tất cả đều bị phá vỡ, trong khi tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, thuốc men và nhiên liệu ngày càng trầm trọng do các tuyến thương mại bị gián đoạn, cùng tình trạng giá cả bị đẩy lên cao.

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA), khoảng 5,4 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến loạn. Còn theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hiện có gần 4,3 triệu người dân phải lánh nạn trong lãnh thổ Sudan và phần lớn trong số này đến từ Thủ đô Khartoum, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất. Dòng người tị nạn này đã phải di chuyển tới các khu vực ở miền Bắc, miền Đông và miền Trung Sudan. Trong khi đó, hơn 1 triệu người khác đã rời khỏi Sudan để tị nạn tới các nước láng giềng như Cộng hòa Chad, Ai Cập và Nam Sudan.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê chưa đầy đủ cho biết, cuộc xung đột vũ trang này đến nay đã khiến hơn 4 nghìn người thiệt mạng. Giao tranh căng thẳng cũng khiến tình trạng nhiều trẻ vị thành niên đã được tuyển dụng để cầm súng chiến đấu; làn sóng bạo lực đối với phụ nữ cũng được ghi nhận... Hàng loạt vấn đề về đạo đức và nhân đạo đang trở nên vô cùng bức xúc ở Sudan, nhất là khi các hoạt động viện trợ chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại hàng đầu bên trong cuộc chiến Sudan hiện nay là dịch bệnh bùng phát một cách đáng lo ngại. Từ ngày 29/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triển khai các đội phản ứng nhanh nhằm ứng phó với dịch tả, sốt xuất huyết, sởi... ở quốc gia châu Phi đang chìm sâu vào xung đột này.

Theo WHO, thực trạng dịch bệnh đáng lo ngại hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như: Nguồn nước bị ô nhiễm; lượng người di cư lớn, thiếu lương thực, điều kiện sống vô cùng tồi tệ... Đặc biệt, xung đột đã gây ra "đòn giáng" mạnh vào hạ tầng y tế, điển hình như có tới 70% số cơ sở y tế và bệnh viện tại tất cả các bang ở Sudan bị hư hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc đã và đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân lực, vật lực y tế tới các vùng dịch ở Sudan để hỗ trợ người dân, bao gồm nỗ lực giúp tiếp cận nguồn nước sạch.

Cuối tuần trước, truyền thông khu vực cho biết, các cơ quan, tổ chức quốc tế về điều phối người di tản và người tị nạn ở Sudan kêu gọi Liên hợp quốc đóng vai trò hòa giải và gây áp lực cho cả hai bên trong cuộc xung đột nhằm mang lại hòa bình, ổn định cho cuộc sống của người dân. Thực tế bất ổn phức tạp ở Sudan hiện nay đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có những hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để thuyết phục hai bên bước vào bàn đàm phán có hiệu lực thực chất. Hơn hết, nguồn cơn gây ra cuộc chiến này xuất phát từ những bất đồng, lợi ích của những người đã từng cùng nhau cầm quyền đất nước.

Bình luận từ giới chuyên gia an ninh, chính trị quốc tế cùng chung quan điểm, nếu xung đột tiếp diễn, Sudan sẽ sụp đổ, cơ cấu xã hội sẽ bị xé nát. Tác động của cuộc chiến ở Sudan sẽ lan sang các nước láng giềng, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Thực tế xuyên suốt cuộc chiến gần nửa năm qua đã có rất nhiều cảnh báo về việc chiến sự có thể leo thang thành cuộc nội chiến toàn diện, nhấn chìm hoàn toàn đất nước Sudan trong một cuộc khủng hoảng an ninh, kinh tế, nhân đạo vô cùng tồi tệ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-tranh-ngay-cang-leo-thang-tram-trong-o-sudan-post467004.html