Chiềng Khừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Với đặc thù là xã biên giới, vùng sâu vùng xa của huyện Mộc Châu, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Khừa luôn chú trọng triển khai các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Một góc trang trại trồng cây ăn quả của gia đình bà Hà Thị Văn, bản Cang, xã Chiềng Khừa.

Một góc trang trại trồng cây ăn quả của gia đình bà Hà Thị Văn, bản Cang, xã Chiềng Khừa.

Những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp ở Chiềng Khừa đã có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hàng năm, xã đã chỉ đạo nhân dân chủ động gieo cấy 2 vụ lúa bảo đảm 100% diện tích, trong đó cơ cấu giống thuần chất lượng cao chiếm 40%, năng suất trung bình đạt 5,35 tấn/ha; khuyến khích nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất cây lương thực và thâm canh cây hoa màu.

Ngoài diện tích trồng ngô khoảng 350 ha, hàng năm, xã Chiêng Khừa còn vận động nhân dân đưa vào trồng từ 20 - 25 ha ngô trên đất ruộng 2 vụ lúa, năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha/năm; duy trì và phát triển 550 ha sắn, trong đó, diện tích thâm canh bền vững trên đất dốc là 105 ha; khuyến khích nhân dân chủ động đưa những loại cây rau màu cho giá trị kinh tế cao vào thâm canh trên diện tích 65 ha. Năm 2021, xã thực hiện chuyển đổi trồng cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả với tổng diện tích 43,64 ha, trong đó có 3,2 ha cây Sa chi. Tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa thực hiện công tác trồng rừng theo kế hoạch, chỉ tiêu giao trồng 4.000 cây phân tán, đến nay xã đã trồng được 5.039 cây, đạt 125,97% kế hoạch.

Gia đình bà Hà Thị Văn, bản Cang, xã Chiềng Khừa đang là một trong những hộ có kinh tế khá nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sau khi được tham dự các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi tại xã, được vay hơn 50 triệu đồng phát triển chăn nuôi của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, 2 ha vườn đồi trồng cây cây ngô, sắn hiệu quả kinh tế thấp đã được gia đình bà chuyển sang trồng 2.500 gốc bưởi Diễn, cam Vinh. Bà Văn cho biết: Năm 2021, gia đình tôi bán khoảng 7 tấn cam cho Nhà máy TH, bán ra thị trường 2.000 quả bưởi Diễn, trừ chi phí thu lãi khoảng hơn 120 triệu đồng. Hiện, gia đình đang dành 1 phần diện tích đất đồi để xây dựng chuồng trại phát triển nuôi nhốt trâu, bò.

Mô hình nuôi bò nhốt của một hộ dân bản Phách, xã Chiềng Khừa.

Mô hình nuôi bò nhốt của một hộ dân bản Phách, xã Chiềng Khừa.

Ông Hà Văn Mươi, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa, cho biết: Xã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại tổng hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng, rừng - ao - chuồng; trong đó, chú trọng tạo bước đột phá tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn gia súc 5.501 con, gia cầm gần 12.000 con. Trên địa bàn xã hiện có 10 trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung; duy trì hiệu quả 2 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô 100 con/lứa; 1 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 20 con; 3 cơ sở chăn nuôi hỗn hợp quy mô 2 lợn nái, 30 lợn thịt; 2 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 50 con và 2 trang trại chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp.

Các tổ chức đoàn thể của xã đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho 443 hội viên vay vốn với tổng số dư nợ hơn 18 tỷ 586 triệu đồng giúp các hộ nghèo, hộ sản xuất vùng khó khăn có vốn phát triển kinh tế; giải quyết việc làm; sửa chữa nhà cửa và xây dựng công trình nước sạch... Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp Mộc Châu cho vay vốn theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ với 3 tổ vay vốn gồm 20 thành viên, tổng dư nợ trên 2 tỷ 510 triệu đồng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân dân thúc đẩy phát triển sản xuất, xã chỉ đạo rà soát hiện trạng hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã, thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở, đề xuất việc sửa chữa các đoạn hư hỏng. Ra quân sửa chữa các công trình giao thông liên bản, đường nội bản, đường ngõ xóm và đường đi khu sản xuất. Từ đầu năm đến nay đã huy động 540 lượt người tham gia phát dọn, sửa chữa 29 km đường giao thông. Tuyên truyền vận động các hộ gia đình hiến đất để triển khai làm cầu treo qua suối tại bản Tòng, bản Khừa…

Năm 2022, để nâng thu nhập của người dân, Chiềng Khừa tiếp tục khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và triển khai rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, cận nghèo, làm cơ sở để xây dựng các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp tới từng hộ gia đình. Sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để làm “đòn bẩy”, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-khua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-48511