Chiều 10/5, chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống, giá vàng phục hồi

Các nhà đầu tư chứng khoán tỏ ra thận trọng trước tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ và đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, trong khi đó, đồng USD giảm nhẹ đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Bảng chỉ số chứng khoán tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 10/5, chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống, giữa lo ngại về đà tăng lãi suất tại Mỹ và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 152,24 điểm (0,58%) xuống 26.167,10 điểm, theo sau sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ đêm trước.

Công ty chứng khoán Mizuho Securities (Nhật Bản) cho rằng các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ và đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Công ty chứng khoán Okasan Online Securities (Nhật Bản) nhận định chỉ số Nikkei 225 đi xuống sau khi ba chỉ số chính của Mỹ đều xuống mức thấp mới trong năm, song các khoản lỗ đã giảm bớt do hoạt động săn hàng giá rẻ.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 31,70 điểm (1,06%) lên 3.035,84 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 368,27 điểm (1,84%) xuống 19.633,69 điểm.

Thị trường chứng khoán đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong năm nay, với chỉ số S&P 500 lần đầu tiên đóng phiên dưới 4.000 điểm kể từ tháng 3/2021.

Số liệu thống kê cho thấy hoạt động xuất khẩu trong tháng Tư của Trung Quốc giảm mạnh, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kiên trì với chính sách “Không COVID” cùng với biến động của giá dầu thô do xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy hoạt động bán ra cổ phiếu.

Theo nhà kinh tế Clifford Bennett, tại công ty môi giới ACY Securities, có trụ sở tại Australia, sự sụt giảm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán đã kéo dài trong vài tháng. Xung đột, lạm phát, đà tăng lãi suất và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đều là những trở ngại.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc vào cuối tuần trước sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm để đối phó với tình trạng lạm phát cao.

Một vấn đề càng làm gia tăng sức ép lạm phát trên toàn cầu là chính sách phong tỏa trên khắp Trung Quốc - từ các trung tâm sản xuất của Thâm Quyến và Thượng Hải đến tỉnh Cát Lâm - vốn đã tàn phá chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây.

Chốt phiên 10/5, tại Việt Nam, VN-Index tăng 23,94 điểm lên 1.293,56 điểm. Toàn sàn có 280 mã tăng, 168 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,63 điểm lên 330,02 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 83 mã giảm và 41 mã đứng giá.

Giá vàng châu Á phục hồi trong phiên chiều 10/5 do đồng USD rời khỏi mức cao nhất trong hai thập kỷ thúc đẩy nhu cầu mua vàng.

Trong khi đó các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng Tư có thể tác động đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.859 USD/ounce vào lúc 15 giờ 10 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn ít thay đổi ở mức 1.859 USD/ounce. Đồng USD giảm nhẹ sau khi chạm mức cao nhất 20 năm đã khiến giá vàng giảm hơn 1% trong phiên trước đó.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Matt Simpson của công ty giao dịch City Index cho biết giá vàng đang ở mức hỗ trợ kỹ thuật 1.850 USD/ounce. Còn ông Michael McCarthy, chuyên gia chiến lược hàng đầu tại trung tâm Tiger Brokers (Australia), nhận định rằng trong tương lai giá vàng có xu hướng giảm vì khả năng lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên lấn át bất kỳ sự hấp dẫn nào của vàng.

Cuối ngày 10/5 tại Hà Nội giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 69,45 - 70,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.

Trà My-Vân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chieu-105-chung-khoan-chau-a-hau-het-di-xuong-gia-vang-phuc-hoi/789396.vnp