Chính sách của Ấn Độ thách thức Pakistan và Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Ấn Độ-Trung Quốc và Pakistan đang tăng nhiệt sau chính sách mới đây của chính quyền New Dheli khi ra quyết định chấm dứt quy chế đặc biệt tại khu vực Kashmir, sáp nhập với hai bang của Ấn Độ.

 Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc ranh giới vùng kiểm soát ở Kashmir

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc ranh giới vùng kiểm soát ở Kashmir

Trong số những mục tiêu Thủ tướng Ấn Độ ông Modi theo đuổi với quyết sách mới này có chủ ý ngăn cản Trung Quốc và Pakistan sử dụng chuyện Kashmir để gây mất an ninh và ổn định, kích động xung khắc sắc tộc và tôn giáo ở Ấn Độ, có mục tiêu bảo đảm an ninh và chống ly khai, nhưng cũng còn có cả ý định không để cho Trung Quốc và Pakistan tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Kashmir.

Pakistan phản ứng rất quyết liệt và Trung Quốc cũng thể hiện thái độ rõ ràng là lên án quyết sách của ông Modi và ủng hộ Pakistan. Bộ trưởng ngoại giao Pakistan đã vội vàng công du Trung Quốc. Không có gì lạ khi nhu cầu thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trở nên cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết đối với Pakistan và Trung Quốc. Trung Quốc luôn đứng về phía Pakistan trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Kashmir. Cả trong chuyện hiện tại cũng vậy. Điều này không có gì là khó hiểu bởi cả hai đều tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ ở Kashmir.

Cái khó đối với Trung Quốc hiện tại là vừa phải thể hiện thái độ phản đối với Ấn Độ vừa phải tranh thủ Ấn Độ, vừa phải tranh thủ Pakistan vừa không để sự tranh thủ này gây tổn hại thật sự và đáng kể tới quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ.

Đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ về biên giới lãnh thổ đương nhiên sẽ khó khăn và phức tạp hơn, vòng đàm phán thứ 23 mà hai bên dự kiến tiến hành vào cuối năm nay chắc sẽ không đưa lại được kết quả gì. Trung Quốc và Pakistan không chỉ sẽ phải định hình lại quan hệ của họ với Ấn Độ mà còn phải tìm đối sách mới cho cuộc chơi địa chiến lược ở khu vực này giờ đã bị chính phủ Ấn Độ làm cho thay đổi khá cơ bản.

Trung Quốc và Pakistan tới đây sẽ làm gì và hành xử như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc Chính phủ của ông Modi xử lý những vấn đề mới đặt ra ở vùng Kashmir như thế nào, đặc biệt có ngăn ngừa được bạo lực và hỗn loạn hay không, có hòa hợp được giữa người theo đạo Hồi ở Kashmir với những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác ở Ấn Độ hay không và có thành công với việc làm cho người dân ở Jammu và Kashmir thật sự tin rằng, tương lai của họ là ở sự hội nhập hoàn toàn vào nhà nước Ấn Độ chứ không phải ở sự tiếp tục các quyền tự trị.

Trong bối cảnh mới, khi cả Bắc Kinh và New Dheli đều muốn tăng cường ảnh hưởng và vị thế trong khu vực, không ít ý kiến bình luận, những căng thẳng này sẽ được thổi bùng lên vào những thời điểm khác nhau để tạo lợi thế cho một bên nào đó. Quyết định mới nhất loại bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir, giới quan sát cho rằng, không phải Ấn Độ ngẫu nhiên lại đưa ra quyết định vào thời điểm này. Trung Quốc đang phải gồng mình ứng phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ cùng không ít tính toán khác trong khu vực, rõ ràng việc “giữ êm” khu vực biên giới Kashmir đầy tranh cãi sẽ bớt đi một mối bận tâm cho chính quyền Bắc Kinh.

Bình Minh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/chinh-sach-cua-an-do-thach-thuc-pakistan-va-trung-quoc-74865.html