Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Uy tín là thước đo tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo

BCH Trung ương Đảng đã ban hành quy định trách nhiệm nêu gương để cán bộ, đảng viên thực hiện. Đó như là một những tiêu chí, thước đo đánh giá uy tín của đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao. Nêu gương trong sáng cũng chính là thước đo uy tín của cán bộ lãnh đạo.

Dù là lãnh đạo hay là người dân bình thường, muốn có được uy tín trong xã hội, cộng đồng, đòi hỏi phải có những yếu tố cần thiết. Uy tín là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng.

Cụm từ “uy tín” đã định nghĩa rõ điều đó. Uy tín của lãnh đạo là thể hiện đầy đủ về năng lực và phẩm chất đạo đức từ đánh giá của tổ chức, đồng nghiệp và cán bộ dưới quyền. Theo nghĩa đầy đủ thì uy tín có được là thực chất khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan, không phải tạo uy tín giả mạo với bản chất không trong sáng.

Lâu nay, chúng ta vẫn hay nói về cán bộ lãnh đạo nào đó có uy tín, nhưng điều đó được đánh giá như thế nào là vấn đề khác. Uy tín khó định lượng đầy đủ vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể nói ai đó có đủ uy tín như mong đợi. Nếu không khách quan nhiều khi nặng về cách nhìn bên ngoài, theo cảm tính, phụ thuộc tình cảm yêu, ghét với từng con người khác nhau. Có lãnh đạo nhìn ngoài thấy bộ mặt lạnh lùng, ít nói gây cảm giác xa cách với mọi người. Cũng có người muốn thể hiện cái uy của mình bằng thái độ hách dịch, ra oai, đe nẹt cấp dưới, coi họ như người dưới tầm. Nhìn vào có cảm giác như cấp dưới tôn kính, nể sợ nhưng thực tế đó chỉ là biểu hiện của sợ bề ngoài, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Cũng có người thay vì nỗ lực phấn đấu lại tạo dựng uy tín bằng thủ đoạn kéo bè kéo cánh, đặt điều nói xấu, hạ thấp uy tín người khác để nâng cao bản thân mình. Cũng có thể gọi đó là uy tín không thực chất,“uy tín giả”, “uy tín ảo”.

Thực tế trong tập thể có một số người không đủ năng lực và đạo đức nhưng chạy chọt, luồn lách để thành lãnh đạo. Tệ nạn đó đã làm giảm lòng tin đối với một bộ phận lãnh đạo và từng cá nhân cụ thể. Hay nói cách khác là những mẫu lãnh đạo đó không được cán bộ dưới quyền nể phục, tuân thủ thực sự. Mới làm lãnh đạo đã bị mất uy tín thì khó mà lấy lại được niềm tin trong cơ quan, đơn vị. Những biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm, ê kíp, bè phái… của một bộ phận cán bộ đã làm cho lãnh đạo đánh mất uy tín, không được mọi người kính trọng. Chính vì lẽ đó nên những trường hợp khi bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm có tỉ lệ phiếu bầu quá thấp, thậm chí không trúng cử cũng là do làm mất uy tín của bản thân. Hậu quả đó có những lý do khách quan khác, nhưng cái chính là khi đã bị mất uy tín thì sẽ rất khó lấy lại được lòng tin trong tập thể cơ quan.

Để tạo được uy tín thực sự trong tổ chức và đồng nghiệp, không có gì hơn bằng chính động cơ làm việc với cả cái tâm trong sáng, trách nhiệm. Muốn vậy mỗi một cán bộ lãnh đạo phải tự phấn đấu, rèn luyện để trở thành người có năng lực thực sự, phong cách gần gũi, lối sống mẫu mực, lòng vị tha, nhân ái, quan tâm mọi người. Phải bằng hành động cụ thể để thu phục lòng người, với tinh thần hết lòng, hết sức thực sự chứ không phải bằng quyền uy hay thủ đoạn. Người xưa có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Người lãnh đạo thật sự có uy tín sẽ được sự kính trọng, nể phục của quần chúng, cán bộ dưới quyền. Uy tín phải được đánh giá khách quan, không cần màu mè, đánh bóng, lăng xê. Ngược lại, những người cố gắng tạo uy tín giả dù được che đậy bản chất ngụy trang bề ngoài đến mấy rồi cũng như “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Trong giai đoạn hiện nay rất cần đội ngũ lãnh đạo có uy tín thực sự. Uy tín cá nhân, của tập thể, rộng hơn nữa là uy tín của Đảng là yêu cầu cao nhất đem lại niềm tin cho quần chúng Nhân dân. Vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo phải tạo nên lòng tin thực sự vững chắc bằng những hành động cụ thể trên cương vị công tác. Có như vậy mới làm tròn vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/uy-tin-la-thuoc-do-tieu-chuan-cua-can-bo-lanh-dao-a76958.html