Cho trẻ học đọc, viết sớm - Những vấn đề cần quan tâm

BHG - Những năm qua, với mong muốn trẻ sớm biết đọc, viết, tự tin bước vào lớp 1, một số phụ huynh cho trẻ học đọc, viết từ sớm. Mong muốn con biết đọc, viết sớm là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh nhằm giúp con nhanh chóng thích nghi, tự tin khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên việc ép trẻ vào khuôn khổ học tập sớm sẽ tạo nên những áp lực. Vậy, nên hay không nên cho trẻ học sớm và thực hiện như thế nào để phù hợp với sự phát triển về trí tuệ, thể chất của trẻ!?.

Chị H.Y, ở tổ 1, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang có con gái 5 tuổi là bé L đã đọc khá thông thạo. Bé còn biết làm toán cộng, trừ và còn rất ham học các phép tính nhân. Chị H.Y cho biết, khi cháu 3 tuổi rưỡi, nhờ học từ người lớn, cháu đã tự đọc ghép được 2 âm tiết. Lên 4 tuổi, gia đình cho cô giáo dạy kèm 1 tháng và cháu có thể đọc được những từ với 3 âm tiết trở lên. Với sự kết hợp của cả gia đình, cô giáo, bé nhà chị H.Y đã sớm biết đọc cơ bản khi hơn 4 tuổi.

Học sinh lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Quang Trung (thành phố Hà Giang) trải nghiệm làm quen với môi trường lớp 1.

Học sinh lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Quang Trung (thành phố Hà Giang) trải nghiệm làm quen với môi trường lớp 1.

Qua quan sát, không chỉ có bé L con chị H.Y biết đọc thông thạo trước khi bước vào lớp 1, trên địa bàn thành phố cũng có không ít bé từ 4 – 5 tuổi đã biết đọc, viết hết các chữ cái khá đẹp. Một số gia đình bên cạnh việc tự dạy cho con biết đọc cũng nhờ cô giáo dạy thêm. Một phụ huynh ở phường Trần Phú có 2 con 5 tuổi đã biết đọc thành thạo bày tỏ băn khoăn với chúng tôi rằng, không biết khi vào lớp 1, trong khi nhiều bạn còn chưa biết đọc, viết thì 2 bé nhà em sẽ ngồi học cùng các bạn ở lớp như thế nào!?.

Cho trẻ sớm tiếp xúc với việc học dường như đang được nhiều bậc phụ huynh có con bậc mầm non quan tâm. Qua đó mong muốn con sớm biết đọc, viết để khi vào lớp 1 con sẽ bắt nhịp nhanh với việc học. Nói về vấn đề này, thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thái Hùng, giảng viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang, chia sẻ: “Nhiều phụ huynh có mong muốn cho con học trước chương trình, học đọc, viết, tính toán trước khi bước vào lớp 1 thì con sẽ không thua kém bạn bè. Theo tôi thì đây là một quan điểm sai lầm. Việc học những kỹ năng tiền tiểu học đối với trẻ là rất cần thiết. Nhưng tiền tiểu học không phải là dạy trước kiến thức, nếu tổ chức học nhằm dạy trước kiến thức hoàn toàn không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ”.

Thạc sỹ Nguyễn Thái Hùng, cho biết thêm: Trước khi vào lớp 1 đã ép con học, khi ấy trẻ sẽ cảm thấy việc học căng thẳng, khó khăn, từ đó dễ tạo cảm giác tiêu cực cho trẻ, khiến trẻ không thích việc học và dẫn đến không đạt kết quả tốt trong học tập. Còn đối với trẻ 5 tuổi, trẻ có thể nhận biết được mặt số, mặt chữ cái nhưng về mặt thể trạng, vận động tay cầm của trẻ chưa đạt độ cứng để có thể cầm bút và viết thành thạo. Nếu lúc này trẻ bị ép cầm bút, viết trong một thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất.

Một học sinh lớp 5 tuổi (bé ngồi giữa), Trường Mầm non Kim Thạch, Vị Xuyên đã biết đọc truyện tranh.

Một học sinh lớp 5 tuổi (bé ngồi giữa), Trường Mầm non Kim Thạch, Vị Xuyên đã biết đọc truyện tranh.

Cô giáo Trần Ngọc Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung, thành phố Hà Giang, cho biết: “Ở bậc mầm non, theo chương trình học, các trường sẽ cho trẻ 4 - 5 tuổi làm quen với các chữ cái và con số từ 1 - 10, tập tô nét và chữ bằng bút chì. Cuối bậc mầm non trước khi ra trường, trẻ sẽ được sang trường tiểu học để tham quan, trải nghiệm môi trường học ở lớp 1. Việc cho trẻ làm quen với chữ cái, con số, tập cầm bút… từ lớp 4 – 5 tuổi phù hợp với thể chất, nhận thức của trẻ. Từ đó để giúp trẻ bước đầu làm quen, không bỡ ngỡ khi vào lớp 1 và cũng không gây áp lực vượt quá khả năng thể chất, trí tuệ của trẻ trong giai đoạn này”.

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thái Hùng, hiện nay có một số trẻ 5 tuổi đã biết đọc, viết. Bước vào lớp 1, trong học kỳ đầu tiên, hầu hết những điều cô dạy trên lớp trẻ đã biết, dẫn đến trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, không tập trung vào bài học, thậm chí có thể quậy phá trong lớp, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức học tập lâu dài của trẻ. Trước khi bước vào lớp 1, giai đoạn tiền tiểu học nếu không được áp dụng phương pháp học tập hợp lý, ép hoặc tăng áp lực học tập sẽ dễ khiến các bé cảm thấy lo sợ mỗi khi tới trường. Vì thế trước khi bước vào lớp 1, chúng ta chỉ cần có hoạt động giáo dục tiền tiểu học để nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường mới, cho trẻ ngồi trên ghế với tư thế đúng thông qua dạng trò chơi; rèn luyện các kỹ năng xã hội cần thiết khi vào môi trường lớp 1, từ đó nhanh chóng hòa nhập và không còn quá căng thẳng.

Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ 6 tuổi bước vào lớp 1 là thời điểm thích hợp nhất để học đọc và viết. Cũng có những trẻ trong độ tuổi 4 – 5 có khả năng nhận biết nhanh hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng khi đã biết hết rồi thì chúng ta nên tự đặt câu hỏi khi vào lớp 1, trẻ sẽ học như thế nào!? Đôi khi vì muốn con phải bằng bạn này, bạn kia, áp lực thành tích khiến các bậc phụ huynh sốt sắng cho con đi học sớm, vô hình tạo áp lực cho trẻ trong thời điểm trẻ chưa phát triển toàn diện. Vì thế, việc áp dụng những cách giáo dục khoa học, phù hợp với sự phát triển cả về nhận thức lẫn thể chất của trẻ là điều rất cần thiết. Qua đó, giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên.

Bài, ảnh: Phùng Nguyên

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/cho-tre-hoc-doc-viet-som-nhung-van-de-can-quan-tam-fa85056/