Chọn đúng thời điểm, đúng thị trường

Hậu dịch Covid-19, nông nghiệp sẽ là một trong những ngành đầu tiên phục hồi nhanh nhất do tính thiết yếu của nó trong đời sống người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay khi hết dịch, những nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam sẽ tăng cường lượng nhập vào để phục vụ đời sống người dân. Theo Bộ NN-PTNT, Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên dự kiến vào đầu tháng 5 sẽ có nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Đây sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường này, doanh nghiệp (DN) Việt nên nghiên cứu xuất khẩu nông sản theo từng phân khúc, ở từng khu vực cụ thể. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đạt được những kết quả chống dịch rất tích cực nên cũng đang có nhu cầu nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Tuy chưa thể dự kiến thời gian phục hồi, nhưng Mỹ sẽ có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông nghiệp Việt như tôm, cá ba sa… Thị trường EU có nhu cầu về các loại rau quả chế biến; trái cây tươi.

Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… cũng có đa dạng chủng loại sản phẩm nông nghiệp như Việt Nam. Do đó, như chia sẻ của bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, quan trọng nhất là DN phải phán đoán được thời điểm nước nhập khẩu hết dịch để tăng tốc sản xuất, cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - một trong những đơn vị xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, cho rằng trong bối cảnh này, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho DN Việt xuất khẩu, bởi trên thực tế, nhiều nông sản của các nước trong khu vực vẫn phải xuất tại các cảng biển Việt Nam

Đặc biệt, vai trò của cơ quan chức năng, các địa phương trong việc hỗ trợ DN cần được phát huy tối đa. Cơ quan chức năng nên cung cấp thông tin và hướng dẫn các DN, nhất là DN nhỏ, có phương án và kế hoạch sản xuất, chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường, sẵn sàng xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát. Các địa phương cần giảm thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn; thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản trong và ngoài nước, để giúp DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi dịch đã được kiểm soát.

Về phía mình, DN cần chủ động hoàn thiện các bước trong quy trình xuất khẩu hàng hóa để khi xuất hiện tình thế tích cực của từng thị trường, có thể đồng bộ khai thác được ngay. Ngoài ra, DN cũng nên tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống bên cạnh việc khai thác, mở rộng các thị trường mới, tiềm năng một cách uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo.

Năm 2020, Bộ NN-PTNT tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. Để đạt con số kỳ vọng đưa ra, theo nhiều chuyên gia, Bộ NN-PTNT cũng như các bộ ngành liên quan, các địa phương và đặc biệt DN cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Để “thắng” trong nông nghiệp, bây giờ không chỉ là vụ mùa bội thu mà còn là phải tính toán để bán hàng đúng thời điểm, đúng nơi để có được giá bán tốt nhất, người nông dân có lợi nhất.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chon-dung-thoi-diem-dung-thi-truong-659463.html