Chọn 'nghề'... sĩ quan quân đội

Thí sinh Phú Yên tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường quân đội. Ảnh: THÚY HẰNG

Từ lâu, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành biểu tượng cao đẹp về những người chiến sĩ “của dân, do dân, vì dân” trong lòng nhân dân Việt Nam. Vì vậy, được trở thành Bộ đội Cụ Hồ là niềm tự hào lớn của mỗi thanh niên và ngày càng có nhiều thanh niên thiết tha được đứng trong hàng ngũ sĩ quan phục vụ lâu dài trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm học 2020-2021 vừa qua, Phú Yên có 623 thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội, cao hơn hẳn các năm trước. Trong đó, 425 thí sinh qua vòng sơ tuyển; 317 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển (có 42 nữ). Kết quả có 83 thí sinh trúng tuyển.

Môi trường rèn luyện lý tưởng

Sự lựa chọn theo học hoặc làm một nghề nào đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Thống kê kết quả thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong những năm gần đây cho thấy, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thường chọn những ngành như: quản trị nhân lực, công nghệ thông tin, maketing, du lịch - nhà hàng - khách sạn, xây dựng, dầu khí… với hy vọng được làm việc trong môi trường năng động, sáng tạo và có thu nhập cao. Tuy nhiên, cũng có không ít thí sinh chọn thi vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội để được trở thành sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp - một nghề rất đặc thù so với những nghề kể trên.

Để được dự tuyển vào các trường trong quân đội, yêu cầu trước tiên là thí sinh phải có lý lịch chính trị rõ ràng; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phải có tuổi đời và sức khỏe tốt có thể phục vụ lâu dài trong quân ngũ và hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao…

Thượng tá Nguyễn Thuyền, Trưởng Ban Quân lực Bộ CHQS tỉnh, cho biết từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội, trong đó có 3.538 thí sinh qua vòng sơ tuyển, 2.432 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển và có 356 thí sinh trúng tuyển, trở thành sĩ quan, sĩ quan chuyên nghiệp. 2020 là năm Phú Yên có số thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội cao nhất so với các năm trước với 83 thí sinh, chiếm 26,3% tổng số thí sinh dự tuyển.

Đặc biệt có đến 8 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Quân y với tổng điểm đầu vào rất cao. Nhiều trường trong quân đội khác cũng được thí sinh Phú Yên lựa chọn và trúng tuyển như: Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Biên phòng, Học viện Hải quân, Học viện Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ)…

TX Đông Hòa là địa phương có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội nhất so với các địa phương khác và số thí sinh trúng tuyển cũng cao nhất với 21 thí sinh, chiếm hơn 1/4 số thí sinh trúng tuyển toàn tỉnh.

Nguyễn Thái Dân sinh năm 2002, ở khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa), thí sinh vừa trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Thông tin cho biết: “Em chọn thi vào trường này vì em yêu màu áo Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống của binh chủng Thông tin”. Tân sinh viên của Trường Sĩ quan Không quân Trương Minh Đại sinh năm 1999, ở thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, chia sẻ: “Em thấy mình có sở trường, năng khiếu quân sự và muốn tham gia bảo vệ bầu trời của Tổ quốc nên chọn học Trường Sĩ quan Không quân, dù biết rằng đây vừa là vinh dự, niềm tự hào vừa là thử thách rất lớn. Thử thách ngay từ khâu xét tuyển đầu vào”.

Còn Dương Văn Kiên sinh năm 2002, ở khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, tân sinh viên của Trường đại học Nguyễn Huệ nói: “Môi trường quân đội và những quy định nghiêm ngặt sẽ tôi luyện tác phong của một quân nhân ý chí sắt đá, tính kỷ luật nghiêm khắc, tinh thần đồng đội cao đẹp… Tôi chọn nghề sĩ quan quân đội là đã chọn cho mình tâm thế của người lính Cụ Hồ, sẵn sàng đi bất cứ đâu và nhận bất cứ nhiệm vụ nào, kể cả những nhiệm vụ nguy hiểm nhất”.

Ngoài ra, hầu hết học viên mới của các trường trong quân đội người Phú Yên cho biết lý do chọn nghề quân sự là vì “lòng tự hào dân tộc” và “kế thừa truyền thống đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của cha ông”; “vinh dự, tự hào là người sĩ quan quân đội và được làm Bộ đội Cụ Hồ suốt đời”. Và có cả lý do “đi học không phải đóng học phí, ra trường có việc làm ngay, thu nhập đảm bảo cuộc sống”…

Nhiều học viên cũng cho rằng, trở thành học viên của các trường sĩ quan trong quân đội, môi trường đó tuy nghiêm khắc nhưng tôi luyện nên những con người có “chí sắt, gan vàng”, có tinh thần đoàn kết, biết yêu thương và biết hy sinh. Trong quân đội “kỷ luật là sức mạnh”, là một khối thống nhất. Bởi nếu “mỗi người một phách” tất dẫn đến “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và không thể “bách chiến bách thắng”, chiến thắng với mọi kẻ thù xâm lược. Môi trường quân đội sẽ rèn luyện nếp sống, ngăn nắp, gọn gàng, đúng giờ…, nhất là tinh thần dũng cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian nguy, thử thách.

Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, nhận bất kỳ nhiệm vụ nào

Khác với một số nghề khác, “nghề” quân sự không chỉ là nghề mà còn là “nghiệp”. Ngay từ khi bước chân vào con đường binh nghiệp, học viên sẽ được Nhà nước trang bị hầu hết mọi thứ cần thiết, từ chăn màn, quân phục, giày dép và những đồ dùng cá nhân khác. Không những không phải đóng tiền học phí mà học viên của các trường quân sự, mỗi tháng còn được nhận một khoản tiền phụ cấp để chi tiêu cá nhân. Khi tốt nghiệp, không phải lo lắng, “chạy” việc làm mà được phân công công tác theo chuyên môn được đào tạo. Làm việc trong cơ quan quân đội, lương tuy không cao bằng làm ở các doanh nghiệp, công ty lớn nhưng mức thu nhập ổn định, có thể đảm bảo cuộc sống của gia đình. Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, an ninh quốc phòng được ưu tiên hàng đầu, sĩ quan trong quân đội có thể yên tâm tập trung vào công việc với một đời sống vật chất được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh, người lính luôn phải đối mặt với hiểm nguy, kể cả trong thời bình. Là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác” nên bất kỳ một sự cố nào như lũ lụt, hạn hán…, quân đội là lực lượng xuất hiện hỗ trợ đầu tiên. Người sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, người lính Cụ Hồ phải sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, phải “nếm mật nằm gai”, thậm chí cả sự nguy hiểm tới tính mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Song không vì thế mà làm chùn bước chân của những thanh niên giàu nhiệt huyết và lòng yêu nước.

Trung tá Nguyễn Văn Ý, Chính trị viên Ban CHQS TX Đông Hòa cho biết: Phát huy truyền thống của quê hương Hòa Hiệp anh hùng, trong những năm qua, tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào các trường trong quân đội của 3 xã Hòa Hiệp (nay là ba phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam) luôn chiếm tỉ lệ cao. Như năm 2020 này, Hòa Hiệp Nam có 6 thí sinh trúng tuyển; Hòa Hiệp Trung có 5 thí sinh trúng tuyển.

Theo trung tá Nguyễn Văn Ý, chính tình đồng chí, đồng đội, truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã thôi thúc ngày càng nhiều thí sinh chọn học tại các trường trong quân đội để được trở thành sĩ quan, sĩ quan chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Truyền thống của quân đội và tình đồng chí, đồng đội giúp họ vượt qua những trở ngại khó khăn, gian khổ hy sinh để làm nên những kỳ tích, bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc và gìn giữ hòa bình cho thế giới.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/248250/chon--nghe--si-quan-quan-doi.html