Chống hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp phải tăng tính chủ động

Tính cạnh tranh trong hoạt động kinh tế thương mại ngày càng mạnh mẽ, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dự báo vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái cần phải quyết liệt và có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn, trong đó các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức và hành động tự bảo vệ mình cũng như người tiêu dùng.

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” và phát động chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - Kết nối thành công” năm 2019. Tại sự kiện, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam thông tin: theo đánh giá của Văn phòng tình báo về hàng giả của Phòng Thương mại Quốc tế ICC, hàng giả, hàng nhái chiếm 5 - 7% tổng doanh số kinh doanh thế giới. Tại Việt Nam, nhiều mặt hàng bị làm giả, kể cả những mặt hàng nhỏ nhất, khiến ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta bị ảnh hưởng, quá trình thực thi chỉ đao của Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng nhằm khắc phục vấn nạn này còn nhiều khó khăn dẫn tới hiệu quả chưa tương xứng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng có điều kiện diễn biến phức tạp, tinh vi

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng có điều kiện diễn biến phức tạp, tinh vi

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), 10 tháng năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 82.000 vụ vi phạm; trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã kiểm tra, xử lý trên 6.500 vụ vi phạm. Trong đó phải kể đến những vụ việc điển hình như: vụ việc truy quét lượng lớn quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square (TP. Hồ Chí Minh), khu vực chợ Ninh Hiệp - Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên (Hà Nội); vụ việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; vụ việc kiểm tra đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu của Thụy Sĩ... Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán qua mạng Internet vẫn diễn ra phổ biến và chưa được kiểm soát hiệu quả.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng hàng giả, hàng nhái là do vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng “mở cửa” cũng là điều kiện để hàng giả, hàng nhái tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp hội viên nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, đảm bảo chất lượng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu. Đồng thời cần phải theo dõi sát thị trường, chủ động tố giác các hành vi vi phạm, trên hết là các doanh nghiệp phải coi trọng hơn nữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.

“Hơn 10 năm qua Hiệp hội luôn bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để định hướng hoạt động của mình. Hiệp hội đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp hội viên tới các cơ quan thực thi để can thiệp, xử lý” – ông Lê Thế Bảo cho biết.

Theo bà Vũ Thị Hồng Vân, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực tế, theo quy định của pháp luật đã có các nghị định, thông tư quy định rất rõ về nguồn gốc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Nhằm giải đáp vấn đề này, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng một thông tư mới liên quan tới việc ghi nhãn hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam; thông tư này không khiến các doanh nghiệp mất thêm chi phí vận hành cũng như gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính.

Về phía Tổng cục QLTT, ông Vũ Xuân Bính – Phòng nghiệp vụ 2 cho biết, nhằm tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tổ chức triển khai nhiều kênh kết nối tới các doanh nghiệp. Hiện tại lực lượng đã xây dựng một kênh kết nối trực tuyến để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể ngay lập tức gửi thông tin về những nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng.

Năm 2007, theo đề nghị của VATAP, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm làm Ngày Phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả trong bối cảnh nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chong-hang-gia-hang-nhai-doanh-nghiep-phai-tang-tinh-chu-dong-129076.html