Chống hàng gian, hàng giả: Vì sao khó đẩy lùi?
Hàng gian, hàng giả đang sống công khai nhờ vào 2 thứ: Lớp áo ngụy trang ngày một tinh vi và thị trường quá dễ dãi... Điều này gây trở ngại rất lớn cho cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả.
Không chỉ len lỏi ở các chợ truyền thống, hàng gian, hàng giả hiện nay còn xuất hiện dày đặc trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), khoác lên mình lớp vỏ bọc hào nhoáng: "đẹp - rẻ - tiện - giao tận nhà chỉ sau vài cú nhấp chuột". Từ đó, chúng âm thầm xâm nhập vào bữa ăn, tủ thuốc, sức khỏe của người tiêu dùng mà không dễ nhận diện.
Câu hỏi đặt ra là hàng giả đến từ đâu? Ai đang tiếp tay để chúng sinh sôi? Vì sao suốt nhiều năm, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả vẫn khó đẩy lùi và chưa thể dứt điểm?.
Tôi cũng biết, nhưng…!
Tại một chợ truyền thống ở TP.HCM, chị T tiểu thương chuyên bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “xách tay” chia sẻ thẳng thắn: “Hàng giả hay thật, giờ khó mà phân biệt. Nhưng mẫu mã y như hàng thật, giá thì vừa túi người mua. Tôi mà nhập hàng hiệu thật thì nằm đó, không ai dám hỏi. Tiền đâu mà mua mấy thứ đắt đỏ đó, bán không nổi thì lỗ vốn”.

Trong quá trình kiểm tra tại chợ ở TP.HCM, một số ki-ốt đã chủ động đóng cửa, dọn hàng trước khi lực lượng chức năng tiếp cận. Ảnh: HỒNG THẮM
Người bán nói thật, người mua cũng chẳng giấu. Bà HTH (quận 12) thừa nhận: “Tôi cũng biết có thể không phải hàng thật, nhưng thấy rẻ, mẫu mã đẹp, lại tiện. Còn hơn là ra tiệm lớn, giá cao mà chưa chắc hợp với mình”.
Chị Trịnh Nhã Thương, nhân viên văn phòng, thường xuyên mua hàng online thì lý giải theo cách thực tế hơn: “Trên mạng ai mà biết được thật giả. Thấy shop nhiều người đánh giá 4-5 sao, giá mềm thì đặt thử, khi dùng mới thấy không hiệu quả nhưng phản hồi thì không ai giải quyết”.
Hàng giả “tấn công” mọi ngóc ngách
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã thẳng thắn chỉ rõ: “Không thể tiếp tục xử lý hàng gian, hàng giả bằng cách đánh từng vụ nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Đây phải là cuộc tổng tiến công”.
Theo ông Huy, hàng giả được tiêu thụ không chỉ vì người dân thiếu hiểu biết, mà bởi một bộ phận người tiêu dùng biết rõ là hàng giả nhưng vẫn mua vì mẫu mã “giống hàng hiệu”, giá lại rẻ. Đây chính là điểm cốt tử khiến hàng giả không bao giờ hết đất sống nếu không thay đổi được nhận thức thị trường.
“Tiểu thương tính rất nhanh, nhập hàng giả giá thấp, bán rẻ hơn hàng thật nhưng vẫn lời lớn. Trong khi mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Khi cái giá phải trả cho vi phạm quá nhỏ so với lợi nhuận thu được, thì không ít người chọn rủi ro để trục lợi” - ông Huy cảnh báo.
Quá trình kiểm tra, xử lý cũng ngày càng khó khăn. Hàng giả được sản xuất tinh vi, sử dụng công nghệ nhái mã vạch, tem niêm phong rất giống hàng thật. Đặc biệt, việc truy vết nguồn gốc vấp phải rào cản do chuỗi cung ứng bị cắt khúc, sản xuất và phân phối bị tách rời hoàn toàn.

Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng balo, túi xách... tại các chợ truyền thống ở TP.HCM. Ảnh: HỒNG THẮM.
Theo ông Huy, lực lượng chức năng còn mỏng, trong khi TP.HCM là siêu đô thị với hàng chục nghìn điểm bán lẻ, kho bãi, trung tâm phân phối hoạt động suốt ngày đêm. Mỗi ngày có thể có hàng trăm container hàng hóa ra vào, việc kiểm tra toàn bộ là bất khả thi. Ông Huy cũng chỉ ra sự thiếu hợp tác từ chính các doanh nghiệp – chủ sở hữu thương hiệu.
“Nhiều doanh nghiệp không theo dõi biến động thị trường, cũng không chủ động phối hợp với lực lượng chức năng. Trong khi đó, chính họ phải là người đi đầu trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản thương hiệu của mình.”
Từ thực tiễn quản lý, ông Huy nhấn mạnh: “Không thể đánh du kích trong một cuộc chiến đã lên cấp độ tổ chức. Cần một chiến dịch tổng lực, toàn diện và liên ngành, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.”
Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống hàng gian, hàng giả theo Công điện số 65 và Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó bao gồm: Kiểm tra liên ngành, rà soát các điểm nóng buôn bán, tăng cường kiểm soát thương mại điện tử, và đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận diện hàng giả.
Hoàn thiện khung pháp pháp lý, xử phạt thật nghiêm
TS-LS Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái cần được xử lý hình sự. Với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giả, mức xử phạt phải thật nghiêm.
Luật sư, Tiến sĩ Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.
“Đây không còn đơn thuần là hàng hóa kém chất lượng, mà là hành vi xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sử dụng thuốc giả có thể bỏ lỡ cơ hội điều trị. Điều này tương đương sát thương gián tiếp” - ông Hà Hải nhấn mạnh.
Dẫn chứng, vào tháng 4-2025, cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả do Công ty R.P và H. Group điều hành, thu lợi bất chính gần 500 tỉ đồng trong 4 năm.
“Nếu chỉ phạt hành chính 400 triệu đồng thôi thì liệu đã đủ sức răn đe?” - ông Hà Hải đặt câu hỏi.
LS Hải cho rằng một trong những nguyên nhân là pháp luật hiện nay vẫn chưa thật sự rõ ràng và thống nhất cách hiểu về “hàng giả”.
Nghị định 98/2020 đã định nghĩa nhưng vẫn còn lúng túng khi áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt trong phân biệt với “hàng không đạt tiêu chuẩn công bố”.
Nhiều cán bộ thực thi không dám xử lý mạnh tay vì sợ sai, do các tiêu chí phân định chưa rõ, khái niệm “giá trị sử dụng”, “công dụng không đúng” hay “hàng giả tương đương số lượng hàng thật” trong Bộ luật Hình sự còn mơ hồ.
“Chống hàng giả mà không có một khung định nghĩa rõ ràng là như xây nhà không nền móng. Khi khái niệm còn lửng lơ, thì không thể trách người thực thi lúng túng, thậm chí né tránh” - LS Hà Hải nói.
Một vướng mắc lớn trong xử lý hình sự các vụ hàng giả là việc chứng minh yếu tố lỗi cố ý, hậu quả gây ra hoặc giá trị hàng hóa – theo các điều 192 đến 195 Bộ luật Hình sự vẫn vô cùng khó khăn.
“Các đối tượng thường không để lại sổ sách, hóa đơn. Tiền luân chuyển qua nhiều tài khoản không thể truy vết. Thậm chí, rất khó chứng minh sản phẩm giả là nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại sức khỏe người dùng” - LS Hà phân tích.
Hệ quả là không ít vụ nghiêm trọng vẫn bị “hành chính hóa”, chỉ xử phạt tiền. Ông đề nghị cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, nâng chế tài, đặc biệt tăng hình phạt đối với pháp nhân vi phạm.
Muốn chấm dứt vấn nạn hàng giả, cần đồng thời ba yếu tố: Pháp lý đủ mạnh; thực thi đủ lực; người dân đủ tỉnh táo. Về pháp lý, theo TS-LS Hà Hải, việc hoàn thiện khung pháp luật là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ.
Thứ nhất, cần thống nhất khái niệm “hàng giả” để áp dụng pháp luật nhất quán, tránh lúng túng trong phân loại và xử lý. Hiện quy định còn chồng chéo giữa hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không đạt chuẩn công bố.
Thứ hai, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, nâng mức chế tài với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Việc cập nhật luật sẽ giúp xử lý hiệu quả các đường dây tổ chức tinh vi, gây hậu quả lớn.
Thứ ba, phải quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các sàn thương mại điện tử. Họ cần kiểm soát danh mục, xác minh người bán và phối hợp điều tra khi có vi phạm.
“Nếu không ràng buộc trách nhiệm nền tảng số, thương mại điện tử sẽ thành “thiên đường” cho hàng giả. Pháp luật phải theo kịp công nghệ để không ai trục lợi sau màn hình” - LS Hà Hải nhấn mạnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chong-hang-gian-hang-gia-vi-sao-kho-day-lui-post858019.html