Chồng không được đơn phương ly hôn dù vợ mang thai với người khác

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình có quy định, trường hợp vợ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được đơn phương ly hôn, bất kể cái thai đó là của ai.

Ngày 16/5/2024, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình. Theo đó, khoản 4, Điều 2 Nghị quyết có nội dung: “Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn, không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai”.

Quy định này khiến nhiều người có quan điểm khác nhau, gây tranh cãi. Bàn luận về vấn đề này, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp đưa ra quan điểm cho rằng: Hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác là thể hiện tính nhân đạo, bảo vệ quyền lợi phụ nữ.

Tuy nhiên, quy định này có thể mâu thuẫn với quy định quyền được đơn phương ly hôn khi vợ ngoại tình và dễ phát sinh xung đột trong thời gian người chồng chờ đủ điều kiện gửi đơn ly hôn.

Theo luật sư, khi áp dụng quy định này cần mềm dẻo, linh hoạt, tùy từng trường hợp mà hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng. Khi tiếp nhận đơn đề nghị ly hôn, tòa án có thể động viên vợ chồng thuận tình ly hôn nếu như hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, kéo dài, có thể dẫn đến bạo lực gia đình, không đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: N.Huyền

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: N.Huyền

Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định, vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Nếu trường hợp một bên không chung thủy (ngoại tình) mà đã được chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể, bạn bè khuyên can hòa giải nhưng vẫn tiếp tục ngoại tình thì đây là căn cứ để cho đơn phương ly hôn.

Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán, việc ngoại tình này dẫn đến người vợ mang thai với người khác thì lại vô hiệu hóa quyền được ly hôn đơn phương của người chồng.

Hướng dẫn của Nghị quyết và quy định của luật Hôn nhân và gia đình ở phần này có vẻ xung đột và có thể sẽ gây tranh cãi trong quá trình áp dụng.

Hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, nếu một bên ngoại tình đã được bạn bè, gia đình, chính chuyển quyền địa phương hoặc cơ quan đoàn thể hòa giải nhiều lần nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ” thì đó là tình trạng hôn nhân trầm trọng, là căn cứ cho người còn lại được quyền đề nghị đơn phương ly hôn.

“Nếu việc người vợ ngoại tình nhiều lần dẫn đến mang thai với người khác mà người chồng không được đơn phương ly hôn thì có vẻ như không bình đẳng và cuộc sống hôn nhân sẽ ngày càng trầm trọng. Họ sẽ sống trong sự bất hòa kéo dài, bạo lực gia đình có thể xảy ra…”, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra ý kiến.

Vẫn theo quan điểm của luật sư, quy định của Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình của Hội đồng thẩm phán dựa trên nguyên tắc nhân đạo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em.

Tuy nhiên, nếu người phụ nữ sinh con với người khác mà vẫn sống chung với chồng thì rất dễ xảy ra bạo lực gia đình, bạo hành đối với đứa trẻ. Trong những tình huống này, cần có sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình, của cơ quan, chính quyền địa phương.

Lĩnh vực hôn nhân và gia đình là lĩnh vực đặc biệt, mối quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ được điều chỉnh bởi pháp luật mà còn được điều chỉnh nhiều bởi các quy phạm xã hội như đạo đức, văn hóa, tập quán…

Bởi vậy, quy định về hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác cần phải được chi tiết và nhìn nhận đánh giá một cách linh động, mềm dẻo, trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc chung của luật Hôn nhân và gia đình.

Nếu người vợ mang thai với người khác do bị hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc do lý do khách quan khác thì hạn chế quyền được ly hôn của người chồng trong thời gian vợ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng là hợp lý, để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em là hợp lý.

Tuyết Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chong-khong-duoc-don-phuong-ly-hon-du-vo-mang-thai-voi-nguoi-khac-2292070.html