Chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Bài 1: Công tác quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư chưa hiệu quả

Hiện nay, công tác quản lý, sử dụng tài sản công (nhà, đất) dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới ở Quảng Trị chưa hiệu quả. Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ hoang hoặc không đưa vào sử dụng, không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ, dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Trong khi đó, việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhà khách huyện Gio Linh hiện đang bỏ hoang -Ảnh: H.N.K

Nhà khách huyện Gio Linh hiện đang bỏ hoang -Ảnh: H.N.K

Nhiều trụ sở công đang bỏ hoang phế

Theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 63 cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng. Ngoài các cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý vẫn còn hơn 10 cơ sở nhà, đất do các cơ quan trung ương quản lý đang bỏ hoang gây lãng phí như: Nhà khách Bộ đội Biên phòng tỉnh, trụ sở (cũ) Tòa án nhân dân (TAND) TP. Đông Hà, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị; 8 cơ sở nhà, đất do Công an tỉnh quản lý và một số cơ sở khác còn bất cập.

Trong tổng số các trụ sở thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố cần phải được sắp xếp, xử lý như: Hướng Hóa có 362 trụ sở, Gio Linh có 370 trụ sở, Vĩnh Linh 350 trụ sở, TP. Đông Hà có 160 trụ sở... Nằm trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Gio Linh là hàng loạt trụ sở cũ bỏ hoang, đó là một phần trụ sở Công an huyện, nhà khách UBND huyện, Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, TAND huyện và trụ sở Công an thị trấn cũ (trụ sở Kho bạc Nhà nước cũ)...

Hiện các trụ sở này đang xuống cấp, hư hỏng nặng, cỏ rác um tùm. Bà Hường, một người dân sống gần khu vực này bức xúc: “Chứng kiến cảnh nhiều trụ sở nhà nước bị bỏ hoang, rác rưởi chất đống bốc mùi hôi thối, tôi thấy rất lãng phí. Trong khi đó, người dân lại thiếu mặt bằng để kinh doanh, trẻ em thiếu nơi vui chơi nên đề nghị cấp trên cần có phương án xử lý để tránh lãng phí của công và tạo ra mỹ quan cho thị trấn Gio Linh”.

Ngay trên địa bàn thị trấn Hồ Xá, trung tâm huyện Vĩnh Linh cũng có hàng loạt trụ sở nằm ở vị trí “đất vàng” đang bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng kéo dài qua nhiều năm gây bức xúc trong Nhân dân.

Được xây dựng từ hàng chục năm trước, Nhà Văn hóa thiếu nhi huyện Vĩnh Linh từng là điểm hoạt động văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, đến nay các hạng mục đã hư hỏng và tạm dừng sử dụng nhiều năm qua. Toàn bộ khuôn viên cỏ dại mọc đầy, nhiều mảng tường, mái bê tông rạn nứt. Mặc dù huyện đã cấm người dân vào khu vực này nhưng một số người dân vẫn chủ quan vào khuôn viên chơi thể thao hoặc bày bán cây cảnh, tiềm ẩn nhiều tai nạn rủi ro.

Cách Nhà Văn hóa thiếu nhi huyện không xa là trụ sở cũ của Chi cục Thuế huyện Vĩnh Linh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cùng trụ sở Công an huyện đang bỏ hoang không sử dụng gây lãng phí về tài sản công. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, trước thực trạng một số trụ sở dôi dư do xây dựng trụ sở mới nên không có nhu cầu sử dụng, lãng phí tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, UBND huyện đã nhiều lần họp bàn tìm giải pháp xử lý.

Hiện nay, huyện Vĩnh Linh đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trụ sở dôi dư nằm trên địa bàn trung tâm thị trấn. Đối với Nhà Văn hóa thiếu nhi có tổng diện tích 6.000 m2, sau khi cắt 100 m2 để xây dựng Nhà Văn hóa khóm Thành Công, nay còn lại 5.000 m2 huyện đã xây dựng xong phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất; trụ sở Chi cục Thuế đã bàn giao, huyện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng.

Để tránh tình trạng thất thoát tài sản công, UBND huyện đã lập phương án trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét. Với chủ trương nhất quán đất ở các vị trí có giá trị cao là không phân lô, bán nền mà chỉ quy hoạch sử dụng vào lĩnh vực thương mại-dịch vụ cho thuê 50 năm kinh doanh như: xây dựng siêu thị, gara ô tô hoặc các thiết chế văn hóa cần được bổ sung hoàn thiện cho thị trấn Hồ Xá.

Riêng trụ sở Công an huyện, nhiều lần huyện đề xuất cơ quan chủ quản bàn giao nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Ngoài ra, còn một số cơ sở như trạm xá, trường học dôi dư do sáp nhập thì hiện nay vẫn đang sử dụng song song chứ không bỏ phí.

Tương tự, tại TP. Đông Hà hiện cũng có nhiều trụ sở cũ các cơ quan sau khi chuyển đến nơi làm việc mới đang bỏ trống. Tại đường Tạ Quang Bửu, trụ sở cũ của Sở Giáo dục và Đào tạo bỏ hoang từ nhiều năm qua, các dãy nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, mục nát, hư hỏng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Theo thống kê, tại TP. Đông Hà hiện có 168 cơ sở nhà, đất, trụ sở công thuộc diện sắp xếp. Trong đó, 155 cơ sở được giữ lại tiếp tục sử dụng, 5 cơ sở điều chuyển và 8 cơ sở nhà, đất, trụ sở dôi dư không còn sử dụng chưa được sắp xếp.

Đặc biệt xuống cấp và bỏ hoang nhiều năm là trụ sở của một số cơ quan trung ương tại địa bàn tỉnh. Không ít trụ sở có diện tích đất rộng nằm ở vị trí đắc địa nhưng bỏ hoang lâu ngày gây mất mỹ quan đô thị từ nhiều năm vẫn chưa có hướng xử lý. Trụ sở cũ TAND TP. Đông Hà xây dựng, hoàn thành vào năm 2006 với kinh phí hơn 4,8 tỉ đồng.

Đến năm 2015, sau khi TAND tỉnh Quảng Trị xây xong trụ sở mới, TAND TP. Đông Hà chuyển về ở trụ sở cũ của TAND tỉnh và bàn giao trụ sở này cho TAND tỉnh quản lý. Trụ sở này án ngữ ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Điện Biên Phủ và Hùng Vương của TP. Đông Hà. Trụ sở khá đồ sộ nhưng bên trong, các cánh cửa gỗ mục nát, cửa kính thì vỡ... giữa khuôn viên cây cối, cỏ dại mọc um tùm...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Pháp luật hiện nay chưa có quy định về thời hạn xử lý tài sản dôi dư do sắp xếp tổ chức, bộ máy, một số vướng mắc về trình tự, thủ tục thu hồi bán trụ sở làm việc. Quy trình xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể còn nhiều bất cập.

Các bộ, ngành có trụ sở dôi dư ở các địa phương thiếu tích cực trong tổ chức thu hồi, điều chuyển, xử lý, bàn giao cho địa phương theo quy định để đưa các trụ sở, nhà, đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân chây ì, không thực hiện. Do đó, cần phải sớm khắc phục các vướng mắc, khó khăn về quy định quản lý trụ sở làm việc công để đảm bảo tính khả thi, tiết kiệm và hiệu quả.

Khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, xử lý

Trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tích cực tiến hành việc sắp xếp, lên phương án xử lý đối với cơ sở nhà, đất, bố trí lại hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp công lập phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.

Căn cứ Nghị định số 167/2017/NĐCP ngày 31/12/2017, Nghị định 67/2021/ NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 17/1/2020 về việc triển khai sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố.

Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng 1.682 cơ sở nhà, đất; điều chuyển 179 cơ sở nhà, đất; thu hồi 5 cơ sở nhà, đất; tạm giữ lại tiếp tục sử dụng 1 cơ sở nhà, đất. Trong đó, TP. Đông Hà giữ lại tiếp tục sử dụng 155/160 cơ sở, điều chuyển 5 cơ sở; thị xã Quảng Trị giữ lại tiếp tục sử dụng 62/63 cơ sở; các huyện: Hải Lăng giữ lại tiếp tục sử dụng 135/169 cơ sở, điều chuyển 33 cơ sở; Triệu Phong giữ lại tiếp tục sử dụng 132/151 cơ sở, điều chuyển 19 cơ sở; Đakrông giữ lại tiếp tục sử dụng 184/202 cơ sở, điều chuyển 18 cơ sở.

Hướng Hóa giữ lại tiếp tục sử dụng 349/362 cơ sở, điều chuyển 13 cơ sở; Cam Lộ giữ lại tiếp tục sử dụng 95/133 cơ sở, điều chuyển 38 cơ sở; Vĩnh Linh giữ lại tiếp tục sử dụng 333/350 cơ sở, điều chuyển 17 cơ sở; Gio Linh giữ lại tiếp tục sử dụng 232/273 cơ sở, điều chuyển 36 cơ sở; huyện đảo Cồn Cỏ giữ lại tiếp tục sử dụng 5/5 cơ sở. Tổng diện tích đất được phê duyệt khoảng 5.504.000 m2, diện tích sàn sử dụng nhà khoảng 4.640.000 m2 .

Đối với trụ sở làm việc cấp xã đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan hành chính cũ đã thực hiện sắp xếp tiết kiệm và có hiệu quả.

Sau khi sáp nhập xã, các trụ sở làm việc được các địa phương đưa vào phương án sắp xếp lại, xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Nghị định 167/2017/NĐCP; 67/2021/NĐ-CP đảm bảo về hình thức xử lý. Cụ thể, tổng số cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc thuộc các xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 là 34 cơ sở với tổng diện tích sử dụng đất là 98.075 m2, tổng diện tích xây dựng nhà là 18.996 m2.

Trong đó, đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý là 32 cơ sở nhà, đất; giữ lại tiếp tục sử dụng 30 cơ sở nhà, đất; điều chuyển 2 cơ sở nhà, đất. Số cơ sở nhà, đất chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, là 2 cơ sở nhà, đất đề xuất bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gồm: trụ sở xã Thanh An tại thôn An Bình, xã Thanh An (UBND xã Cam Thanh cũ); trụ sở UBND xã Gio Sơn tại thôn Đại Đồng Nhất, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh (UBND Gio Hòa cũ).

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đã có bước chuyển quan trọng và đạt được những kết quả cơ bản. Hiện trạng sử dụng nhà, đất đã được các đơn vị kê khai, báo cáo; cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích. Nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được quản lý, sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn. Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các cơ quan, địa phương theo hướng hiện đại.

Ngoài những kết quả đạt được nêu trên, việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh còn chưa đạt tiến độ so với lộ trình kế hoạch 253/ KH-UBND đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp còn chậm trong công tác báo cáo kê khai các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng theo quy định.

Một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa chú trọng hoặc chưa có sự chỉ đạo quyết liệt về lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất. Cán bộ thực hiện công tác quản lý tài sản công còn thiếu, chưa đáp ứng được khối lượng công việc tương đối nhiều về kiểm tra hiện trạng, lập phương án xử lý các cơ sở nhà, đất.

Mặt khác, thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất tại một số cơ quan, đơn vị còn phức tạp và khó xử lý. Nhiều cơ sở nhà, đất tính pháp lý không đầy đủ về quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, hoặc một số cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm hoặc bố trí sử dụng không phù hợp với mục đích được giao hoặc bỏ trống chưa có phương án sử dụng do dôi dư... cần nhiều thời gian để xử lý, có sự phối hợp của nhiều cơ quan, các ngành, các cấp.

Hồ Nguyên Kha

Bài 2: Cần nhiều thời gian và sự phối hợp để xử lý tài sản công dôi dư

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/chong-lang-phi-trong-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-bai-1-cong-tac-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-doi-du-chua-hieu-qua/179561.htm